75 năm Ngày truyền thống ngành thuế: Chặng đường vẻ vang

75 năm Ngày truyền thống ngành thuế: Chặng đường vẻ vang

Cách đây 75 năm, cùng với niềm vui giành độc lập dân tộc (19/8/1945) và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (2/9/1945), ngày 10/9/1945, Chính phủ lâm thời đã ban hành Sắc lệnh số 27 “lập ra một Sở Thuế quan và thuế gián thu” – đánh dấu sự ra đời của ngành thuế Việt Nam. Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển với muôn vàn khó khăn, thử thách, đồng hành qua các thời kỳ lịch sử của đất nước, đến nay ngành thuế đã có bước phát triển vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu to lớn, với thế và lực ngày càng vững chãi.

 Từ mốc son truyền thống…

 Ngay khi Cách mạng tháng Tám thành công, mặc dù  đất nước vẫn còn thù trong giặc ngoài, tình hình tài chính vô cùng khó khăn, ngân khố quốc gia gần như trống rỗng, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, hưởng ứng lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng loạt các biện pháp về tài chính đã được áp dụng, nhằm khơi dậy và phát huy lòng yêu nước, sức mạnh tổng hợp của nhân dân để tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp sức, góp của, góp công vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Theo đó, không chỉ xóa bỏ thuế thân, bãi bỏ chế độ độc quyền muối, rượu, thuốc phiện là những chính sách nô dịch của chế độ thực dân phong kiến, mà còn giảm thuế điền thổ để khuyến khích nhân dân tăng gia sản xuất; sửa đổi và bổ sung một số sắc thuế cũ cho phù hợp với bản chất của Nhà nước là của dân, do dân và vì dân. Cạnh đó, hàng loạt phong trào động viên, cổ vũ nhân dân tự nguyện đóng góp cho NSNN như  “Quỹ Độc lập”, “Tuần lễ vàng”, “Hũ gạo nuôi quân”, “Đảm phụ quốc phòng”, “Quỹ bình dân học vụ”, hay “Công phiếu kháng chiến”, “Công trái quốc gia”… đã được phát động trên khắp cả nước, được nhân dân đồng lòng ủng hộ. Cùng với các chính sách động viên tự nguyện, Trung ương Đảng, Bác Hồ và Chính phủ đã thực hiện “chính sách động viên theo khả năng”, người có thu nhập nhiều đóng góp nhiều, người có thu nhập ít đóng góp ít, mọi người có thu nhập đều có nghĩa vụ đóng góp cho Nhà nước… Nhờ vậy,  ngân sách đã đáp ứng được những nhu cầu cấp bách, quan trọng của chính quyền cách mạng, tiếp thêm nguồn lực cho cuộc kháng chiến chống Pháp đi đến thắng lợi.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Việt Nam bước vào thời kỳ xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Để phục vụ cho mục tiêu kép vừa tiếp tục chiến đấu, vừa kiến quốc, trong giai đoạn này, ngành thuế đã cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục phát động phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”… Đồng thời, tiếp tục có những nghiên cứu, tham mưu, đóng góp cho Đảng, Nhà nước các giải pháp quản lý phù hợp với tình hình thực tế của hai miền đất nước. Theo đó, một hệ thống thuế hoàn chỉnh được ban hành và áp dụng thống nhất trên toàn miền Bắc (gồm thuế nông nghiệp thu bằng hiện vật và 12 thứ thuế thu bằng tiền là: thuế DN, thuế lợi tức doanh nghiệp, thuế buôn chuyến, thuế hàng hoá, thuế sát sinh, thuế kinh doanh nghệ thuật, thuế thổ trạch, thuế môn bài, thuế trước bạ, thuế muối, thuế rượu, thuế xuất khẩu-thuế nhập khẩu), nhằm tăng thu cho NSNN. Nhờ các chính sách động viên vừa hợp lý vừa mềm dẻo, kết hợp với viện trợ của nhân dân các nước yêu chuộng hòa bình trên thế giới, chúng ta đã tạo ra được nguồn lực tài chính khá dồi dào cho tiền tuyến, tập trung được sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, đưa đất nước đến ngày thống nhất.

 Nhìn chung, trong thời kỳ 1966-1975, chính sách thuế đã bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng và Chính phủ, tăng thu để đảm bảo nhu cầu chi cấp bách trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn của công cuộc chống Mỹ cứu nước, đi đôi với xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là giai đoạn các thế hệ người làm thuế đã khắc ghi vào lịch sử những dấu mốc “Thuế” đầy tự hào, thể hiện bao tâm huyết, nỗ lực và sự quyết tâm của toàn ngành thuế.

 … đến những dấu ấn sau 30 hợp nhất

 Nếu như giai đoạn trước đổi mới (năm 1986), công tác thuế đã cơ bản đáp ứng được những yêu cầu cấp bách cho từng thời kỳ cách mạng, thì từ 1990 đến nay đã có bước chuyển biến vượt bậc về xây dựng và cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính…, giúp ngành thuế đạt được những thành tựu to lớn. Theo đó, không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao phó, ngành thuế còn tích tụ đủ tiềm lực để hội nhập sâu, rộng, khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước.

 Thực tiễn cho thấy, sau khi thực hiện công cuộc đổi mới năm 1986, để phù hợp với nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường định hướng XHCN và bắt nhịp với các thông lệ quốc tế, Việt Nam đã thực hiện hợp nhất hệ thống quản lý thuế (năm 1990) với bộ máy tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương. Đồng thời, tiến hành 4 bước bột phá trong cải cách hệ thống thuế.

 Cụ thể, trong giai đoạn cải cách thuế bước 1 (1990-1995), đã ban hành 9 sắc thuế (gồm: thuế doanh thu, thuế TTĐB, thuế lợi tức, thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, thuế tài nguyên, thuế xuất nhập khẩu, thuế nhà đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế chuyển quyền sử dụng đất) và một số loại phí, lệ phí. Mục tiêu cơ bản, xuyên suốt và bao trùm của cải cách thuế giai đoạn này là xây dựng hệ thống thuế thống nhất, áp dụng chung, bình đẳng, không phân biệt kinh tế quốc doanh và ngoài quốc doanh, nhằm khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

Đến cải cách thuế bước 2 (1996-2000), để đáp ứng hai yêu cầu cơ bản là ít thuế suất và khắc phục tình trạng thu thuế chống chéo, từng bước tiệm cận với thông lệ quốc tế, ngành thuế tiếp tục trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ, Quốc hội ban hành Luật Thuế GTGT thay cho thuế doanh thu và thuế TNDN thay cho thay cho thuế lợi tức. Đây là hai loại thuế cơ bản, điển hình cho thuế gián thu và thuế trực thu.

 Tại giai đoạn cải cách thuế bước 3 (2001-2010), với sự chuẩn bị chu đáo về nội dung của Tổng cục Thuế, đã có hai lần Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN (năm 2003, 2008); Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế GTGT (năm 2003, 2005) và một lần sửa đổi thuế xuất khẩu, nhập khẩu (năm 2005). Đồng thời, ban hành Luật Thuế TTĐB và có hiệu lực từ 1/4/2009 thay thế cho Luật Thuế TTĐB năm 1998; Luật Thuế tài nguyên được ban hành 2009 thay cho Pháp lệnh thuế Tài nguyên; Luật Thuế TNCN năm 2007 thay cho Phấp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao và Luật Quản lý thuế (năm 2006) đã tạo khung khổ pháp lý thống nhất cho công tác quản lý thuế.

 Giai đoạn 2011-2020 là khoảng thời gian ngành thuế thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế. Theo đó đã ban hành Luật Phí và lệ phí; đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách thuế như: thuế GTGT, TTĐB, thuế xuất khẩu, nhập khẩu, thuế TNDN, thuế tài nguyên, Luật Quản lý thuế… theo hướng đơn giản, minh bạch, hiện đại, đảm bảo thực hiện cam kết quốc tế, góp phần tạo môi trường đầu tư ổn định, hấp dẫn, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; giảm động viên vào ngân sách, tăng tích tụ vốn cho DN và nhà đầu tư.

 Có thể thấy, sau 30 năm hợp nhất và 4 lần thực hiện cải cách, đến nay đã hình thành hệ thống chính sách thuế khá đầy đủ, bao quát được hầu hết các nguồn thu, áp dụng thống nhất đối với mọi thành phần kinh tế và thích ứng với yêu cầu chuyển đổi nền kinh tế theo cơ chế thị trường. Qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển; khuyến khích xuất khẩu, đầu tư, đổi mới công nghệ; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao, bền vững, cải thiện đời sống của nhân dân và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.

 Cùng với việc ban hành, sửa đổi các sắc thuế, ngành thuế đã không ngừng rà soát, bãi bỏ hoặc sửa đổi các loại phí, lệ phí không hợp lý; triển khai các chương trình cải cách hành chính theo hướng xóa bỏ các thủ tục rườm rà, gây tốn kém về thời gian, tiền bạc của người nộp thuế; tinh giảm đầu mối và đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý. Công tác quản lý thuế đã chuyển sang cơ chế tự khai, tự tính và tự nộp nhằm đề cao ý thức tự giác của người nộp thuế. Đồng thời, thực hiện quy trình quản lý thuế thống nhất trên toàn quốc cho tất cả các chức năng quản lý như: đăng ký thuế, kê khai và kế toán thuế, hoàn thuế, miễn giảm thuế, quản lý nợ, cưỡng chế, kiểm tra, thanh tra… Nhờ vậy, thời gian nộp thuế của Việt Nam đã giảm 300 giờ so với năm 2014 và giảm 114 giờ so với năm 2019. Chỉ số nộp thuế giai đoạn 2015-2019 tăng 64 bậc, từ vị trí 173 lên 109 trong tổng số 190 quốc gia được Ngân hàng Thế giới đánh giá độc lập. Đặc biệt, những cải cách mạnh mẽ này đã giúp số thu nội địa tăng trưởng không ngừng và trở thành nguồn thu chủ yếu của NSNN. Trong đó, tính riêng giai đoạn 2016-2020, tỷ trọng thu nội địa đã tăng từ mức bình quân 67,7% giai đoạn 2011-2015 lên 81,9% năm 2019 (dự kiến năm 2020, tỷ trọng thu nội địa sẽ đạt gần 84% GDP nếu không có biến động lớn), góp phần đảm bảo tài chính quốc gia, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 Để ghi nhận những đóng góp tích cực và đáng tự hào của đội ngũ cán bộ, công chức ngành thuế trong 75 năm qua, Đảng và Nhà nước, các ngành, các cấp đã phong tặng nhiều danh hiệu cao quý. Chỉ tính riêng giai đoạn 3 bước cải cách đầu, ngành thuế đã được Nhà nước tặng: Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 1997), Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2004), danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2004). Cùng đó, có 6 tập thể và 1 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; 77 tập thể được tặng Cờ thi đua của Chính phủ; 103 tập thể được tặng Cờ thi đua của Bộ Tài chính; 145 cá nhân được phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc; 4.229 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua ngành tài chính; 13.856 lượt tập thể đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc. Còn về hình thức khen thưởng, có 4 tập thể được tặng Huân chương Độc lập hạng Ba; 37 tập thể, cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất; 133 tập thể, cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì; 1.381 tập thể, cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Ba; 3.155 tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 22.041 tập thể và cá nhân được tặng Bằng khen Bộ Tài chính; và hàng nghìn tập thể, cá nhân được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương. Giai đoạn 2015-2020, Chủ tịch Nước tiếp tục tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba cho 1 tập thể, Huân chương Lao động hạng Nhất cho 9 tập thể và 13 cá nhân, Huân chương Lao động hạng Nhì cho 23 tập thể và 156 cá nhân, Huân chương Lao động hạng Ba cho 26 tập thể, 197 cá nhân cùng nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính.

 Những ghi nhận này là nguồn động lực to lớn để những người làm thuế viết tiếp những trang sử vẻ vang, trước mắt là tiếp tục thi đua hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ công tác thuế năm 2020 và kế hoạch 5 năm 2016-2020, cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế xã hội 5 năm (2016-2020) và những năm tiếp theo