Chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất góp phần quan trọng khôi phục sản xuất – kinh doanh

Chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất góp phần quan trọng khôi phục sản xuất – kinh doanh

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 52 ngày 19/4/2021 về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất trong năm 2021 (Nghị định 52). Vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán thuế (Tổng cục Thuế) Lê Thị Duyên Hải đã có những chia sẻ với báo chí về những đánh giá tác động cũng như những giải pháp tổ chức triển khai của ngành Thuế thực hiện Nghị định 52 trong thực tiễn. Cổng TTĐT Tổng cục Thuế xin giới thiệu nội dung phỏng vấn.

Chính phủ đã có nhiều giải pháp toàn diện để vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh để phục hồi nền kinh tế, trong đó đặc biệt chú trọng là các giải pháp về thuế, phí

Phóng viên: Thưa bà, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế – xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đã tác động trực tiếp đến nhiều ngành nghề. Để hỗ trợ người nộp thuế (NNT) có thể ổn định sản xuất và thực hiện mục tiêu kép, Chính phủ đã có nhiều giải pháp toàn diện để vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh để phục hồi nền kinh tế, trong đó đặc biệt chú trọng là các giải pháp về thuế, phí. Năm 2020 Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế đối với thuế GTGT, TNDN, TNCN và tiền thuê đất (Nghị định 41). Bà đánh giá như thế nào về hiệu quả của của Nghị định 41 mang lại cho NNT.

Bà Lê Thị Duyên Hải.

Bà Lê Thị Duyên Hải: Dịch Covid-19 bắt đầu ảnh hưởng đến Việt Nam ngay sau dịp Tết Nguyên đán 2020 và bắt đầu tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội, đình trệ nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp (DN) nhỏ, siêu nhỏ đã phải thu hẹp quy mô hoặc tạm ngừng hoạt động; Tình trạng sụt giảm doanh số và các giao dịch thương mại bị gián đoạn dẫn đến DN gặp khó khăn trong cân đối tài chính để duy trì hoạt động; Việc Chính phủ ban hành Nghị định 41 rất khẩn trương, kịp thời và có hiệu lực ngay tại thời điểm ban hành đã tạo tâm lý phấn khởi, yên tâm cho DN, người dân tin rằng Chính phủ luôn đồng hành và hỗ trợ cùng DN vững vàng vượt qua đại dịch.

Cùng với  các giải pháp tổng thể khác của Chính phủ, việc gia hạn nộp tiền thuế, tiền thuê đất của Nghị định 41 về bản chất được coi như là khoản cho vay không tính lãi của nhà nước đối với DN, cá nhân đã giúp NNT tháo gỡ khó khăn về vốn, có nguồn lực để duy trì, ổn định hoạt động và từ đó, phục hồi nhanh chóng hoạt động sản xuất kinh doanh và đã được cộng đồng DN, người dân đánh giá cao.

Các DN được gia hạn cũng đã rất nghiêm túc tuân thủ và nộp đầy đủ số tiền thuế được gia hạn vào NSNN trước thời điểm kết thúc thời gian được gia hạn (tính đến hết ngày 31/12/2020, hơn 96% số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn đã được nộp vào NSNN). Đối với số tiền còn chưa nộp NSNN, cơ quan thuế đã thực hiện đầy đủ các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế để tiếp tục thu vào NSNN.

Thực tế năm 2021 dịch covid tiếp tục hoành hành với các diễn biến khó lường, ngay lập tức Bộ Tài chính đã trình Chính phủ tiếp tục có giải pháp gia hạn nộp thuế cho NNT. Ngày 19/4/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định 52 về việc gia hạn nộp thuế GTGT, TNDN, TNCN và tiền thuê đất trong năm 2021. Vậy xin bà cho biết về đối tượng áp dụng của Nghị định 52 có điểm gì khác so với Nghị định 41 năm 2020 và có với quy định như vậy thì có khoảng bao nhiêu NNT thuộc đối tượng được gia hạn?

Căn cứ tình hình kết quả sản xuất kinh doanh của các ngành có chỉ số sản xuất năm 2020 giảm mạnh, chỉ số tồn kho ước tính tại thời điểm 30/12/2020 tăng cao so với cùng thời điểm năm trước và kết quả nộp NSNN năm 2020 theo ngành.

Đồng thời, quán triệt tinh thần của Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục có những diễn biến mới và chưa có dấu hiệu dừng, ngay từ cuối năm 2020, Bộ Tài chính đã tiếp tục báo cáo Chính phủ cần thiết phải tiếp tục hỗ trợ NNT bằng chính sách gia hạn.

Theo đó, đối tượng tiếp tục được gia hạn trong năm 2021 bao gồm toàn bộ các đối tượng của Nghị định 41, đồng thời bổ sung thêm các đối tượng là tổ chức, DN, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực như: Hoạt động xuất bản; Hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên (không gia hạn đối với thuế TNDN của dầu thô, condensate, khí thiên nhiên được thu theo hiệp định, hợp đồng); Sản xuất đồ uống; In, sao chép bản ghi các loại; Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế; Sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị); Sản xuất mô tô, xe máy; Sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị; Thoát nước và xử lý nước thải; Hoạt động phát thanh, truyền hình; Lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính; Hoạt động dịch vụ thông tin; Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai khoáng.

Doanh nghiệp, tổ chức kê khai thuế GTGT theo tháng sẽ được gia hạn 5 tháng số thuế phát sinh của kỳ tính thuế từ tháng 3 đến tháng 8/2021. Thuế TNDN sẽ gia hạn 3 tháng với thời hạn nộp thuế tạm nộp của quý I-II/2021. Đây là lần thứ 2 cộng đồng DN được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất.

Nghị định 52 cũng làm rõ đối với DN, tổ chức có các chi nhánh, đơn vị trực thuộc thực hiện khai thuế GTGT riêng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp của chi nhánh, đơn vị trực thuộc thì các chi nhánh, đơn vị trực thuộc cũng thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế GTGT. Trường hợp chi nhánh, đơn vị trực thuộc của DN, tổ chức không có hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc ngành kinh tế, lĩnh vực được gia hạn thì chi nhánh, đơn vị trực thuộc không thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế GTGT.

Nghị định 52 bổ sung quy định Chủ đầu tư các công trình, hạng mục công trình xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn NSNN, các khoản thanh toán từ nguồn NSNN cho các công trình xây dựng cơ bản của các dự án sử dụng vốn ODA thuộc diện chịu thuế GTGT khi làm thủ tục thanh toán với Kho bạc Nhà nước phải gửi kèm thông báo cơ quan thuế đã tiếp nhận Giấy đề nghị gia hạn hoặc Giấy đề nghị gia hạn có xác nhận đã gửi cơ quan thuế của nhà thầu thực hiện công trình. Kho bạc Nhà nước căn cứ trên hồ sơ do chủ đầu tư gửi để chưa thực hiện khấu trừ thuế GTGT trong thời gian gia hạn. Khi hết thời gian gia hạn, nhà thầu phải nộp đủ số thuế được gia hạn tại cơ quan thuế theo quy định.

Cần lưu ý rằng, Nghị định 41 cho gia hạn đối với số thuế còn phải nộp theo quyết toán năm 2019 nhưng Nghị định 52 không có nội dung tương tự là do tại thời điểm quyết toán thuế TNDN 2019 vào cuối tháng 3/2020 thì đại dịch Covid-19 tại Việt nam đang bùng phát và nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam phải thực hiện giãn cách xã hội.

Nghị định 52 áp dụng đối với các đối tượng là DN, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế. Vậy làm thế nào để xác định được DN có thuộc các ngành đó khi có thể tại thời điểm gửi giấy đề nghị gia hạn nhưng chưa phát sinh doanh thu. Trường hợp DN kinh doanh nhiều ngành nghề nhưng có ngành lại không thuộc đối tượng được gia hạn thì phải xác định như thế nào, thưa bà ?

Tại Điều 3 Nghị định 52 đã quy định ngành kinh tế, lĩnh vực của DN, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được xét gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất là ngành, lĩnh vực mà DN, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát sinh doanh thu trong năm 2020 hoặc năm 2021.

Do đó, NNT hoàn toàn có thể tự xác định được mình có thể thuộc đối tượng được gia hạn hay không để gửi Giấy đề nghị gia hạn đến cơ quan thuế.

Trường hợp DN, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nhiều ngành kinh tế khác nhau trong đó có ngành kinh tế, lĩnh vực quy định tại Nghị định thì được gia hạn toàn bộ số thuế GTGT, số thuế TNDN phải nộp, không phân biệt số thuế phát sinh theo từng lĩnh vực hoạt động. Quy định này đã được áp dụng trong năm 2020 khi thực hiện Nghị định 41 và không phát sinh vướng mắc.

Chúng tôi có nhận được một số thắc mắc quy định về thời gian gia hạn nộp thuế không giống nhau, điển hình là về thuế GTGT có ba mốc thời gian là 05 tháng – 04 tháng – 03 tháng. Bà có thể giải thích rõ hơn để NNT hiểu về cách quy định này?

Theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành thì NNT thực hiện khai thuế và nộp thuế theo tháng chậm nhất là ngày 20 tháng tiếp theo hoặc theo quý chậm nhất là ngày cuối tháng đầu quý tiếp theo.

Để tiếp tục hỗ trợ DN, thúc đẩy phát triển sản xuất – kinh doanh, đồng thời không ảnh hưởng đến cân đối NSNN năm 2021, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ thời gian gia hạn. Cụ thể:

Thứ nhất, thời gian gia hạn là 05 tháng đối với số thuế GTGT từ tháng 3 đến tháng 6 năm 2021 và quý I, quý II năm 2021.

Thứ hai, thời gian gia hạn là 04 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 7 năm 2021.

Thứ ba, thời gian gia hạn là 03 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 8 năm 2021.

Như vậy, các mốc gia hạn khác nhau này đảm bảo rằng số tiền thuế GTGT được gia hạn sẽ được nộp vào ngày cuối cùng của năm 2021.

Theo quy định tại Nghị định 52, để được gia hạn thì NNT phải gửi giấy đề nghị gia hạn đến cơ quan thuế. Vậy có trường hợp NNT gửi tờ khai GTGT tháng 3 nhưng chưa kịp gửi giấy đề nghị gia hạn, sau đó mới gửi đề nghị gia hạn thì có được gia hạn kỳ thuế tháng 3 không, thưa bà?

Nghị định 41 và Nghị định 52 khi ban hành đã có một số trường hợp NNT đã nộp hồ sơ khai thuế của các kỳ tính thuế được gia hạn.

Để đảm bảo quyền lợi cho doanh  nghiệp, người dân, Nghị định đã có quy định rõ trường hợp NNT chưa nộp Giấy đề nghị gia hạn cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý thì thời hạn nộp chậm nhất là ngày 30 tháng 7 năm 2021 và NNT vẫn được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất của các kỳ phát sinh được gia hạn trước thời điểm nộp Giấy đề nghị gia hạn.

Quy định này cũng đã áp dụng từ năm 2020 khi áp dụng Nghị định 41. Trong quá trình áp dụng, quy định này được đánh giá là một trong những bước cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ được DN, người dân đánh giá rất cao về tính công bằng, đơn giản và tạo thuận lợi cho NNT trong bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19.

Cũng xin lưu ý rằng, cả 2 Nghị định đều có hiệu lực ngay tại thời điểm ban hành và cơ quan thuế khuyến khích NNT lập và gửi Giấy đề nghị gia hạn bằng phương thức điện tử qua Cổng TTĐT Tổng cục Thuế, Cổng Dịch vụ công Quốc gia để đảm bảo tính kịp thời, nhất là trong bối cảnh hạn chế thấp nhất sự tiếp xúc trực tiếp