Cục thuế Thái Nguyên: Áp dụng rộng rãi quản lý rủi ro thuế

Cục thuế Thái Nguyên: Áp dụng rộng rãi quản lý rủi ro thuế

Theo báo cáo nhanh từ Cục Thuế Thái Nguyên, kết thúc 3 tháng đầu năm, đơn vị này thu ngân sách đạt 3.054 tỷ đồng, bằng 114% so với cùng kỳ. 12/12 đơn vị trong ngành đều có số thu vượt so với tiến độ bình quân trong năm.

Nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế

Ông Phạm Văn Chức – Cục trưởng Cục Thuế Thái Nguyên cho biết: Số thu quý I/2017, của Thái Nguyên đạt khá là do trong tháng 3/2017, thời điểm các đơn vị phải nộp quyết toán thuế của năm 2016; cùng với đó là một số dự án trọng điểm của tỉnh và dự án Samsung Thái Nguyên đang trong giai đoạn kết thúc đầu tư, các chuyên gia nước ngoài hoàn thành nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân trước khi về nước nên số thu trong quý I tăng khá cao so với những năm trước.

Cũng theo ông Chức, bên cạnh việc những lý do trên, Cục Thuế Thái Nguyên luôn đẩy mạnh thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra đặc biệt là kiểm tra chuyên sâu theo từng ngành, từng lĩnh vực trọng điểm và các mặt hàng nhạy cảm, tập trung vào các lĩnh vực có nhiều rủi ro như: Hoạt động giao dịch liên kết, chuyển nhượng vốn, những doanh nghiệp có sự bất hợp lý về doanh thu, chi phí, các doanh nghiệp đã kéo dài nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra, có dấu hiệu sử dụng hóa đơn bất hợp pháp… nhờ đó số thu cũng được tăng lên.

Đặc biệt là Cục Thuế Thái Nguyên đã tiến hành tập huấn hướng dẫn “Ứng dụng phân tích rủi ro cá nhân kinh doanh” cho tập thể cán bộ công chức trong ngành. Việc chuyển sang quản lý thuế theo phương pháp quản lý rủi ro sẽ giúp cơ quan thuế phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của mình để tập trung quản lý các nhóm người nộp thuế; tiết kiệm được thời gian, hiểu được hành vi tuân thủ của người nộp thuế, từ đó phân loại để có chiến lược xử lý rủi ro phù hợp, giám sát chặt chẽ và xử lý kịp thời các hành vi không tuân thủ. Do đó nâng cao được hiệu quả sử dụng chi phí quản lý thuế, dành nguồn lực vào quản lý nhóm người nộp thuế chưa tuân thủ tốt, hướng dẫn, hỗ trợ đối với các lĩnh vực phức tạp, quy định khó hiểu gây nhầm lẫn cho người nộp thuế và tạo được sự bình đẳng, nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế.

“Bên cạnh đó, việc áp dụng cơ chế quản lý này cũng sẽ giúp người nộp thuế nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quá trình thực hiện pháp luật thuế và được cơ quan thuế hướng dẫn hỗ trợ kịp thời khi có nhu cầu hỗ trợ”, ông Chức nhấn mạnh.

Phối hợp với doanh nghiệp tuyên truyền pháp luật thuế mới

Để công tác thu ngân sách quý II và các quý tiếp theo đạt mục tiêu đề ra, ông Phạm Văn Chức cho biết, Cục Thuế Thái Nguyên đang tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các sở, ban ngành liên quan tuyên truyền sâu rộng pháp luật thuế đặc biệt là các luật thuế mới được sửa đổi bổ sung đến cộng đồng doanh nghiệp và người dân trên địa bàn, tạo sự đồng thuận của doanh nghiệp và người dân nhằm tăng thu ngân sách.

Để chính sách thuế mới được sửa đổi bổ sung đi vào cuộc sống đặc biệt là các khối các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh, ngày 17/4/2017, Cục Thuế Thái Nguyên và Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2016 – 2020. Việc ký kết quy chế phối hợp giữa Cục thuế tỉnh và Đảng ủy khối doanh nghiệp tỉnh nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nói chung và chính sách pháp luật thuế nói riêng, đến các tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp trực thuộc Đảng ủy khối.

Cũng theo ông Chức, trong thời gian qua, Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã thường xuyên phối hợp với Cục Thuế Thái Nguyên, tuyên truyền các chủ trương chính sách pháp luật thuế đến các tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp trực thuộc Đảng ủy Khối. Thông qua đó, các chính sách thuế mới sửa đổi, bổ sung đến các doanh nghiệp cũng như đề xuất giới thiệu các doanh nghiệp tiêu biểu thực hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước hàng năm được nhanh chóng và kịp thời.

Văn Tuấn
Thoibaotaichinh