Giới thiệu điểm mới Thông tư số 31/2021/TT-BTC ngày 17/5/2021 của Bộ Tài chính quy định áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế

Giới thiệu điểm mới Thông tư số 31/2021/TT-BTC ngày 17/5/2021 của Bộ Tài chính quy định áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế

Thông tư số 31/2021/TT-BTC ngày 17/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế (Thông tư 31) được ban hành để hướng dẫn Điều 9 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và quy định của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trên cơ sở kế thừa một số quy định tại Thông tư 204/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế và có tính tương đồng với Thông tư số 81/2019/TT-BTC quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan và đã được sửa đổi bổ sung để khắc phục một số hạn chế của quy định hiện hành, phù hợp với sự phát triển của công tác quản lý thuế.

Nội dung quy định tại Thông tư số 31 được ban hành nhằm hướng đến các mục tiêu công bằng, minh bạch trong đối xử với người nộp thuế bằng việc quy định việc áp dụng các biện pháp quản lý thuế trên cơ sở đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi người nộp thuế, đồng thời khuyến khích người nộp thuế tự nguyện tuân thủ tốt các quy định của pháp luật về thuế, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế, phòng chống, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về thuế và quản lý thuế. Bên cạnh đó, nội dung Thông tư cũng quy định việc đánh giá, phân loại người nộp thuế mang tính hệ thống và kế thừa, kết quả đánh giá ở khâu trước là một phần của tiêu chí đánh giá ở khâu sau.

Thông tư số 31/2021/TT-BTC ngày 17/5/2021 bao gồm 5 chương, 26 Điều, với các nội dung mới sau đây:

1. Bổ sung một số nguyên tắc quản lý rủi ro

Tại Điều 4 Thông tư 31quy định bổ sung một số nguyên tắc quản lý rủi ro:

– Đánh giá, phân loại mức độ tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro người nộp thuế được thực hiện tự động, dựa trên phân đoạn người nộp.

– Xây dựng kế hoạch nâng cao tuân thủ tổng thể phù hợp với nguồn lực của cơ quan thuế dựa trên kết quả phân tích bản chất hành vi, nguyên nhân và quy mô của mỗi mức độ tuân thủ pháp luật thuế, mức độ rủi ro.

– Công chức thuế được miễn trừ trách nhiệm cá nhân khi đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật, quy định tại Thông tư này và các quy định, hướng dẫn về quản lý rủi ro.

– Khi ứng dụng gặp sự cố hoặc chưa đáp ứng yêu cầu áp dụng quản lý rủi ro và xử lý khi có thay đổi thông tin dẫn đến thay đổi kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế mà ứng dụng quản lý rủi ro chưa tự động điều chỉnh mức độ tuân thủ và mức độ rủi ro thì việc điều chỉnh được thực hiện thủ công bằng phê duyệt hoặc văn bản ký phát hành của người có thẩm quyền.

2. Bổ sung phương pháp đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế

Quy định một điều riêng về phương pháp đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế (Điều 5), trong đó bổ sung phương pháp học máy bên cạnh phương pháp chấm điểm và phân loại theo điểm và phương pháp xếp hạng theo danh mục.

3. Quy định các tiêu chí đánh giá và giao Tổng cục Thuế ban hành các chỉ số tiêu chí

Nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch trong đánh giá người nộp thuế, đồng thời cũng để người nộp thuế tự so chiếu các tiêu chí đánh giá để hoàn thiện, từ đó nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế, Thông tư 31 quy định các tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro người nộp thuế (tại các Phụ lục I, II, III).

Giao cho Cơ quan thuế (Tổng cục Thuế) có trách nhiệm ban hành các chỉ số tiêu chí để đảm bảo linh hoạt, chủ động trong việc thay đổi các chỉ số tiêu chí cho phù hợp với thực tế quản lý thuế trong từng thời kỳ; góp phần giảm thiểu thủ tục hành chính cho cơ quan Bộ.

Đơn vị Quản lý rủi ro có trách nhiệm quản lý bộ chỉ số tiêu chí do Tổng cục trưởng ban hành; theo dõi, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung các chỉ số tiêu chí đáp ứng yêu cầu quản lý trong từng thời kỳ.

4. Các mức độ tuân thủ pháp luật thuế, rủi ro người nộp thuế  

* Mức độ tuân thủ pháp luật thuế (4 mức độ): Tuân thủ cao, Tuân thủ trung bình, Tuân thủ thấp, Không tuân thủ.

Thông tư đã bổ sung mức 4 theo tiếp cận tài liệu của OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) thay vì 3 mức quy định tại Thông tư 204.

* Phân loại rủi ro người nộp thuế là doanh nghiệp theo 5 hạng: Người nộp thuế rủi ro rất thấp, Người nộp thuế rủi ro thấp, Người nộp thuế rủi ro trung bình, Người nộp thuế rủi ro cao, Người nộp thuế rủi ro rất cao.

Bỏ hạng 6 (người nộp thuế thành lập dưới 12 tháng) quy định tại Thông tư 204, sẽ phân loại, giám sát riêng phù hợp với yêu cầu của từng nghiệp vụ khi thực hiện đánh giá rủi ro.

* Phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế theo 3 mức: Rủi ro cao, Rủi ro trung bình, Rủi ro thấp.

5. Đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế trong quản lý thuế

Bên cạnh việc đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế là doanh nghiệp theo quy định tại Thông tư 204, Thông tư 31 bổ sung việc đánh giá đối với người nộp thuế là cá nhân.

Cụ thể hóa quy định tại khoản 4 Điều 9 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Thông tư 31 quy định việc đánh giá người nộp thuế được thực hiện theo thứ tự:

– Đánh giá tuân thủ pháp luật thuế.

– Đánh giá rủi ro tổng thể người nộp thuế trên cơ sở kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và các tiêu chí quy định tại Phụ lục của Thông tư 31.

– Và theo yêu cầu công tác quản lý thuế trong từng thời kỳ, người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc các mức rủi ro có thể tiếp tục được phân loại rủi ro trong các nghiệp vụ quản lý thuế.

6. Cơ cấu lại các quy định về thu thập, xử lý thông tin quản lý rủi ro

Tại Thông tư 204/2015/TT-BTC (từ Điều 8 đến Điều 12) hướng dẫn việc thu thập thông tin ở mỗi cơ quan ban ngành khác nhau là một điều khác nhau và đều hướng dẫn về nội dung thông tin thu thập, hình thức thu thập thông tin và việc xử lý thông tin dẫn tới việc trùng lặp ở các Điều này, đồng thời việc liệt kê thông tin như vậy có thể chưa bao quát được hết các thông tin phát sinh theo thời gian. Do vậy, Thông tư đã kết cấu lại theo ba (03) mục như sau:

– Thứ nhất là thông tin quản lý rủi ro.

– Thứ hai là nguồn thông tin, hình thức thu thập thông tin và xử lý thông tin.

– Thứ ba là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý rủi ro.

7. Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế

Người nộp thuế thuộc các mức độ tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro được áp dụng các biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế tương ứng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế và nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế.

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định tại Điều 13 về trường hợp có thông tin nghi ngờ hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, qua đơn thư tố cáo, qua thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan điều tra, thủ trưởng cơ quan thuế quyết định thay đổi hình thức, mức độ kiểm tra, thay đổi biện pháp quản lý thuế khác theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

7.1 Bổ sung quy định tại Điều 14 về các biện pháp nâng cao tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế:

– Đối với trường hợp tuân thủ cao: Đưa vào danh sách xem xét, lựa chọn tuyên dương, khen thưởng người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế.

– Đối với các trường hợp cần nâng cao tuân thủ:

  • Phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan, các đại lý thuế để triển khai các biện pháp hỗ trợ người nộp thuế thực hiện các thủ tục về thuế; tổ chức các chương trình tiếp xúc với người nộp thuế, hội nghị đối thoại, hội thảo, đào tạo giúp người nộp thuế thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ thuế;

+ Nghiên cứu sửa đổi chính sách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, triển khai các biện pháp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ thông tin để việc kê khai, nộp thuế được thuận tiện, tiết kiệm thời gian và chi phí tuân thủ cho người nộp thuế;

+ Được phân loại rủi ro và áp dụng các biện pháp quản lý thuế đối với các mức rủi ro người nộp thuế.

7.2 Bổ sung quy định tại Điều 15 về áp dụng quản lý rủi ro đối với người nộp thuế là cá nhân:

Trong đó, quy định các biện pháp ứng xử của cơ quan thuế đối với từng mức độ rủi ro người nộp thuế theo các khoản thu nhập, gồm có:

– Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

– Đối với cá nhân có các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân (không bao gồm hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh).

– Đối với cá nhân có các khoản thu liên quan đến đất đai, tài sản gắn liền với đất.

7.3 Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý về đăng ký thuế

Quy định áp dụng các biện pháp nghiệp vụ quản lý về đăng ký thuế tương ứng với mỗi mức độ rủi ro trong các trường hợp:

– Thay đổi thông tin đăng ký thuế làm thay đổi cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

– Thông báo tạm ngừng hoạt động, kinh doanh.

– Chấm dứt hiệu lực mã số thuế.

7.4 Áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan quản lý thuế

Quy định về kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan quản lý thuế phải căn cứ vào mức độ rủi ro về thuế:

– Thực hiện phân tích hồ sơ, kiểm tra hồ sơ khai thuế có rủi ro cao;

– Chưa thực hiện kiểm tra đối với hồ sơ khai thuế thuộc loại rủi ro trung bình và rủi ro thấp.

7.5 Áp dụng quản lý rủi ro trong hoàn thuế

Quy định thời gian kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế xuống 5 năm theo Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và quy định thời hạn kiểm tra, thanh tra đối với các mức rủi ro tương đồng với quy định tại Điều 26 (Phân loại, quyết định kiểm tra hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu) Thông tư 81/2019/TT-BTC quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan, , cụ thể:

– Thực hiện kiểm tra trước, hoàn thuế sau: Đối với trường hợp rủi ro cao. Trường hợp trong năm tài chính, DN có liên tiếp các hồ sơ được đánh giá rủi ro cao nhưng hồ sơ trước liền kề đã kiểm tra không có vi phạm về khai sai thiếu số thuế phải nộp, tăng số tiền được hoàn thì hồ sơ kế tiếp không thuộc diện kiểm tra trước hoàn.

– Thực hiện kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế trong thời hạn 5 năm kể từ ngày ban hành quyết định hoàn thuế đối với hồ sơ hoàn thuế thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau. Cụ thể:

+ Kiểm tra, thanh tra trong vòng 1 năm đối với trường hợp rủi ro cao

+ Kiểm tra, thanh tra trong vòng 3 năm đối với trường hợp rủi ro trung bình

+ Kiểm tra, thanh tra trong vòng 5 năm đối với trường hợp rủi ro thấp.

7.6 Áp dụng quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra

Quy định nguyên tắc lựa chọn các trường hợp thanh tra, kiểm tra theo mức độ rủi ro từ cao xuống và số trường hợp được lựa chọn qua phân tích, đánh giá xếp hạng mức độ rủi ro không dưới 90% số lượng trường hợp được thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch hàng năm.

Điều chỉnh nội dung về việc xây dựng và thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế; Danh sách bổ sung, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế theo quy định tại Luật Thanh tra, Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Bên cạnh đó, bỏ quy định về “Danh sách thanh tra yêu cầu đạt tỷ lệ từ 1% đến 2% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động; danh sách kiểm tra đạt tỷ lệ từ 15%-18% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.” tại Thông tư 204.

7.7 Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thu nợ và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế

Quy định việc ưu tiên, tăng cường áp dụng các biện pháp về quản lý nợ và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế theo mức độ rủi ro người nộp thuế.

7.8 Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý hóa đơn, chứng từ

– Quy định kiểm tra đối với các trường hợp người nộp thuế có rủi ro cao.

– Đối với rủi ro trung bình và rủi ro thấp: Thực hiện chọn mẫu để rà soát, kiểm tra, xử lý và tăng cường hỗ trợ người nộp thuế tuân thủ tốt các quy định pháp luật về hóa đơn.

7.9 Kiểm soát, giám sát trọng điểm đối với người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế

Ngoài các trường hợp thuộc diện kiểm soát, giám sát trọng điểm có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế quy định tại Thông tư 204, Thông tư 31 bổ sung các trường hợp được đánh giá không tuân thủ pháp luật thuế, người nộp thuế được xếp hạng rủi ro cao, rủi ro rất cao và người nộp thuế không giải trình, bổ sung thông tin hoặc có giải trình, bổ sung thông tin nhưng không đầy đủ theo yêu cầu và thời hạn tại thông báo bằng văn bản của cơ quan quản lý thuế.

8. Bổ sung quy định về kiểm tra, đánh giá việc thực hiện áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế và giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch nâng cao tuân thủ nhằm tổng kết, đánh giá và rút ra kinh nghiệm áp dụng quản lý rủi ro cho giai đoạn tiếp theo nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý rủi ro nói riêng và quản lý thuế nói chung và cải thiện mức độ tuân thủ tổng thể của các nhóm người nộp thuế