Tám vấn đề mà Ban lãnh đạo doanh nghiệp nên quan tâm trong thời kỳ dịch virus Corona

Tám vấn đề mà Ban lãnh đạo doanh nghiệp nên quan tâm trong thời kỳ dịch virus Corona

Dịch virus Corona có nguồn gốc từ Vũ Hán, Trung Quốc đã lan sang ít nhất 65 quốc gia và hơn 89.000 người mắc bệnh với hơn 3.000 người tử vong. Chính phủ nhiều nước đã yêu cầu đóng cửa biên giới và áp đặt biện pháp kiểm dịch, các công ty đã áp đặt lệnh cấm đi lại. Các tác động đến nhân sự và hoạt động kinh doanh  đối với các doanh nghiệp rất rõ. Dịch bệnh này là một cảnh báo cho các công ty nên xem xét thận trọng các chiến lược, chính sách và quy trình để bảo vệ nhân viên, khách hàng và hoạt động trong thời kỳ dịch bệnh và trong tương lai. Dưới đây là tám vấn đề mà các công ty nên quan tâm khi họ chuẩn bị – ứng phó – sự lây lan của virus.

1. Làm thế nào có thể bảo vệ tốt nhất nhân viên của mình tránh khỏi tiếp xúc nguồn bệnh tại nơi làm việc?

Virus Covid-19 (tên của bệnh do virus Corona gây ra) được cho là lây lan phần lớn qua các hơi hô hấp do ho và hắt hơi và dễ lây lan. Cũng có thể bị nhiễm bệnh khi chạm vào bề mặt hoặc vật thể bị nhiễm virus và sau đó chạm vào mũi hoặc miệng của một người. Các Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Bệnh Tật (CDC) khuyên rằng nhân viên nên:

  • Ở nhà nếu họ có triệu chứng hô hấp (ho, hắt hơi, khó thở) và/hoặc thân nhiệt trên 38°C.
  • Nghỉ việc nếu họ vẫn phát triển các triệu chứng này tại nơi làm việc.
  • Che chắn khi ho và hắt hơi bằng khăn giấy, khuỷu tay hoặc vai (không phải tay trần).
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây hoặc sử dụng chất khử trùng tay chứa cồn.

Cần lưu ý thêm rằng việc tránh bắt tay hoàn toàn để giảm nguy cơ lây nhiễm. Mặc dù đôi khi điều đó có thể gây khó xử, nhưng đó là một thực tế ngày càng phổ biến.

Vì rửa tay là một trong những biện pháp phòng vệ hiệu quả nhất, ban lãnh đạo doanh nghiệp cần đảm bảo rằng nhân viên được đảm bảo đủ xà phòng và khăn giấy (lý tưởng nhất); có một số bằng chứng cho thấy việc làm khô bằng khăn giấy ít có khả năng lây lan virus hơn máy sấy khô tay. Nước rửa tay chứa cồn và khăn lau khử trùng nên được để sẵn sàng tại nơi làm việc và tất cả các bề mặt thường xuyên chạm vào vị trí làm việc, mặt bàn và tay nắm cửa nên được vệ sinh thường xuyên. Tăng cường làm sạch các khu vực chung sử dụng các chất tẩy rửa tiêu chuẩn cũng có thể làm giảm nguy cơ lây lan bệnh hô hấp.

2. Khi nào nên cách ly nhân viên hoặc khách đến khỏi nơi làm việc?

Như đã thảo luận, nhân viên nên ở nhà hoặc về nhà nếu họ có triệu chứng nhiễm virus Corona. Nhưng những nhân viên tận tụy công việc thì thường vẫn cố gắng đi làm vào những ngày bị ốm, thay vì nghỉ ngơi; việc đi làm này sẽ có thể lây bệnh cho người khác. Trước mối đe dọa dịch bệnh này, ban lãnh đạo doanh nghiệp đừng ngần ngại để nhân viên có triệu chứng Covid-19 nghỉ ở nhà. Tương tự như vậy, nhân viên hoặc khách đến làm việc nếu có triệu chứng hoặc có nguy cơ cao đối với Covid-19 nên được cách ly khỏi nhân viên và giúp sắp xếp rời khỏi nơi làm việc, kiểm tra y tế và giảm thiểu phơi nhiễm nơi công cộng. Ví dụ, họ nên tránh những nơi công cộng và phương tiện giao thông công cộng và lý tưởng nhất nên cách xa những người khác khoảng 2 mét ( trừ khi họ đeo khẩu trang).

Nếu Covid-19 lan rộng trong cộng đồng, các công ty có thể kiểm tra nhiệt độ bằng máy quét nhiệt cầm tay và xem xét loại trừ nhân viên hoặc khách đến làm việc có nhiệt độ trên trên 38°C. Tuy nhiên, nhiệt độ không phải là một cách chính xác để đánh giá rủi ro, như một số người mắc bệnh virus Corona nhưng không bị sốt và những người khác sẽ có nhiệt độ cao hơn nhưng không bị nhiễm virus này. Do đó, nhiệt độ tăng cao kết hợp với các triệu chứng hô hấp là dấu hiệu tốt nhất để đánh giá khả năng nhiễm bệnh.

Các tổ chức y tế công cộng khuyến nghị các doanh nghiệp cấm nhân viên hoặc khách đến nơi làm việc trong khoảng thời gian 14 ngày sau khi tiếp xúc với virus có mức rủi ro trung bình hoặc rủi ro cao có nghĩa là đã tiếp xúc gần gũi với người được xác định là bị nhiễm bệnh hoặc đã đi từ một khu vực có nguy cơ cao.

3. Có nên sửa đổi chính sách về quyền lợi trong trường hợp nhân viên bị cách ly khỏi nơi làm việc hay chúng ta đóng cửa? 

Khả năng số lượng nhân viên không thể làm việc ngày càng tăng vì họ bị bệnh hoặc phải chăm sóc cho người khác thì có nghĩa là các doanh nghiệp nên xem lại thời gian nghỉ và chính sách nghỉ ốm của họ ngay. Các chính sách giúp nhân viên thoải mái nghỉ ốm mà không phải bị cản trở hay kỷ luật nào là một công cụ quan trọng trong việc khuyến khích tự khai báo và giảm phơi nhiễm tiềm ẩn.

Việc cách ly khỏi nơi làm việc có thể kéo dài hơn thời gian nghỉ ốm thông thường. Các doanh nghiệp nên ban hành các chính sách rõ ràng về vấn đề này ngay và luôn và trao đổi về những chính sách này với nhân viên (trong phạm vi khả thi có thể về mặt tài chính của doanh nghiệp).

4. Đã tối đa hóa khả năng làm việc từ xa của nhân viên chưa?

Trong khi nhiều công việc (bán lẻ, sản xuất, chăm sóc sức khỏe) yêu cầu nhân viên phải có hiện diện, thì các việc khác như cuộc họp, có thể được thực hiện từ xa nếu đi làm hoặc việc đi lại có nguy cơ tiếp xúc với virus. Ví dụ Hội nghị truyền hình là một thay thế tốt cho các cuộc gặp mặt trực tiếp đầy rủi ro.

 5. Có hệ thống đáng tin cậy để trao đổi thông tin sức khỏe cộng đồng với nhân viên không?

Tin đồn và nỗi sợ hãi của nhân viên có thể lây lan còn nhanh hơn virus. Các doanh nghiệp cần có khả năng tiếp cận tất cả các nhân viên, kể cả những người không ở nơi làm việc, với các cập nhật thường xuyên, phối hợp nội bộ, kiểm soát dịch bệnh, các triệu chứng và chính sách của doanh nghiệp về công việc từ xa và tùy hoàn cảnh mà nhân viên có thể bị cách ly hoặc được phép trở lại nơi làm việc. Các thông tin liên lạc này phải được đưa ra từ ban phản ứng khẩn cấp của doanh nghiệp và chúng phải được phối hợp cẩn thận để tránh các chính sách không nhất quán được truyền đạt bởi các bộ phận, phòng ban chức năng khác nhau. Rõ ràng điều này đòi hỏi các tổ chức phải duy trì thông tin liên lạc qua điện thoại /văn bản và email hiện tại cho tất cả nhân viên và kiểm tra liên lạc trên toàn doanh nghiệp theo định kỳ. Nếu doanh nghiệp bạn chưa có xây dựng khả năng liên lạc rộng, mạnh và thống nhất thì bây giờ là thời điểm tốt để thực hiện điều này.

6. Có nên sửa đổi chính sách liên quan việc đi lại trong nước và quốc tế?

65% các doanh nghiệp được khảo sát hiện đang hạn chế đi đến châu Á. Nên hạn chế đi công tác của nhân viên từ các khu vực nơi Covid-19 phổ biến nhất – vừa để ngăn ngừa bệnh tật vừa ngăn ngừa mất năng suất do cách ly hoặc cách ly nhân viên khỏi nơi làm việc sau khi đi công tác. Các doanh nghiệp nên theo dõi các Thông báo về Sức khỏe Du lịch của CDC và cơ quan phụ trách Bộ Ngoại giao để xác định những gì việc kinh doanh nào nên bị hủy bỏ hoặc hoãn lại. CDC hiện khuyến nghị các công dân nên tránh các chuyến công tác không cần thiết đến Trung Quốc, Hàn Quốc, Ý và Iran. Nhân viên nên đặc biệt cẩn thận, không đi công tác nếu cảm thấy không khỏe vì họ có thể phải đối mặt với việc kiểm dịch khi họ bị sốt ngay cả khi không có nguy cơ nhiễm virus Corona.

7. Có nên hoãn hoặc hủy các hội nghị hoặc cuộc họp theo lịch trình không? 

Hiện nay, đã có các báo cáo về các hội nghị và cuộc họp trực tiếp bị hủy bỏ, đặc biệt là những hội nghị quốc tế và sẽ càng nhiều hơn trong những tháng tới đây: 47% người sử dụng lao động trong cuộc khảo sát của chúng tôi cho biết họ sẽ hủy các hội nghị theo kế hoạch cho nhân viên. Sở y tế địa phương sẽ ban hành hướng dẫn về việc có nên hủy bỏ các sự kiện trong một khu vực cụ thể hay không. Tất cả các nhà tổ chức hội nghị nên cung cấp thông tin về việc giảm nguy cơ nhiễm bệnh (bao gồm cả việc bắt tay cũng không khuyến khích) và đảm bảo rằng các thiết bị rửa tay thích hợp (và/hoặc chất khử trùng tay) có sẵn sàng.

8. Người giám sát có được đào tạo đầy đủ không?

65% các doanh nghiệp được khảo sát có nhân viên ở Trung Quốc đang đào tạo giám sát viên về bệnh Covid-19, trong khi 34% những người có nhân viên ở Bắc Mỹ cho biết họ đang tích cực đào tạo hoặc lên kế hoạch đào tạo giám sát viên. Dù đào tạo theo hình thức nào, các giám sát viên phải sẵn sàng truy cập thông tin phù hợp (như kiểm soát nhiễm bệnh và chính sách của doanh nghiệp) và nên biết liên hệ với ai trong công ty để báo cáo phơi nhiễm. Các giám sát viên hoặc những người được chỉ định khác trong công ty nên kịp thời thông báo cho cơ quan y tế công cộng địa phương về bất kỳ nghi ngờ phơi nhiễm nào.

Lập kế hoạch cho các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe có thể giúp bảo vệ nhân viên, khách hàng và doanh nghiệp. Nhưng kế hoạch chỉ tốt khi được thực hiện vì vậy các doanh nghiệp nên sử dụng tình hình hiện tại để tối ưu hóa và thử nghiệm các kế hoạch của họ. Dù Covid-19 có trở thành đại dịch hay không, tám điều này sẽ là hữu ích.

Bài viết được Ban Hội viên VACPA lược dịch và tham khảo từ bài “8 Questions Employers Should Ask About Coronavirus” được đăng trên Harvard Business Review. Bài viết của Jeff Levin-Scherz và Deana Allen ngày 02 tháng 03 năm 2020. Để biết thêm thông tin chi tiết và đầy đủ, anh/chị vui lòng đọc bản gốc tiếng Anh tại https://hbr.org/2020/03/8-questions-employers-should-ask-about-coronavirus.