Truyền thống vẻ vang là nền tảng vững chắc để ngành Thuế tiếp tục phát triển cùng đất nước

Truyền thống vẻ vang là nền tảng vững chắc để ngành Thuế tiếp tục phát triển cùng đất nước

Trong hành trình 76 năm xây dựng và phát triển cùng với những giai đoạn thăng trầm của đất nước, các thế hệ cán bộ thuế đã luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao, xây dựng nên truyền thống vẻ vang của ngành Thuế Việt Nam. Để viết tiếp những trang vàng truyền thống, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Thuế cần tiếp tục phấn đấu vươn lên, phát huy những kết quả đã đạt được, cùng xây dựng ngành Thuế hiện đại, chuyên nghiệp, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Đó là lời nhắn gửi đầy tâm huyết của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Truyền thống ngành Thuế Việt Nam (10/9/1945 – 10/9/2021).

PV: Nhìn lại lịch sử 76 năm qua có thể thấy, những mốc son trong quá trình phát triển của ngành Thuế đều gắn với các giai đoạn lịch sử trong đấu tranh giành độc lập, thống nhất và phát triển đất nước. Với Tổng cục trưởng, hành trình vẻ vang này có thể khái quát bằng những thành tựu nổi bật nào?

Những ngày đầu đất nước mới thành lập, ngân quỹ của chính quyền non trẻ hầu như trống rỗng. Để giải quyết những nhu cầu cấp thiết, ngành Tài chính đã cải cách hệ thống thuế cũ, bãi bỏ các loại thuế bất hợp lý. Cùng với đó, vận động người dân tự nguyện đóng góp thông qua các phong trào như Quỹ độc lập, Tuần lễ vàng, bước đầu hình thành ngân khố quốc gia.Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn: Trong chặng đường 76 năm gây dựng và phát triển của đất nước, ngành Thuế hoàn toàn có quyền tự hào về những đóng góp xứng đáng theo mỗi giai đoạn của lịch sử. Còn nhớ, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chỉ một tuần sau, ngày 10/9/1945, Sở Thuế quan và thuế gián thu được thành lập và ngày này hằng năm đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định là Ngày Truyền thống của ngành Thuế Việt Nam.

Trong giai đoạn 1956-1975, Chính phủ đã xây dựng hệ thống thuế mới tương đối hoàn chỉnh. Ngoài thuế nông nghiệp thu bằng hiện vật, còn có 12 loại thuế thu bằng tiền. Các chính sách thuế giai đoạn này cũng đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, công thương nghiệp phát triển, nhất là kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể; xoá bỏ quan hệ bóc lột phong kiến và đóng góp lớn vào đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước.

Từ năm 1975 đến nay, ngành Thuế đã tập trung vào việc xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách và tổ chức thực hiện để đảm bảo nguồn lực cho hệ thống chính trị và xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội, khẳng định vị thế then chốt trong hệ thống tài chính quốc gia. Đặc biệt, ngành đã xây dựng và tiến hành 4 giai đoạn cải cách hệ thống thuế gồm 1990-1995; 1996-2000; 2000-2010; 2011-2020 và hiện đang tiếp tục triển khai xây dựng chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030.

Qua các giai đoạn cải cách từ năm 1990 đến nay, công tác quản lý thuế ngày càng chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả. Từ năm 1990 đến nay, số thu NSNN do ngành Thuế thực hiện luôn hoàn thành vượt dự toán, năm sau tăng trưởng hơn năm trước. Riêng các năm từ 2001 đến nay, tỷ lệ động viên về thuế, phí so với GDP liên tục tăng cao, cơ cấu thu thay đổi theo hướng tăng thu từ nội địa, trở thành nguồn thu chủ yếu và ổn định của NSNN, tăng từ mức bình quân 58,9% trong giai đoạn 2006-2010 lên 68% trong giai đoạn 2011-2015 và đến năm 2020 đạt 85,6%.

Nguồn thu từ thuế đóng góp vào NSNN không chỉ đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên để thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, mà còn tăng cường cơ sở vật chất và tạo tiềm lực vững chắc cho công cuộc phát triển đất nước. Đến nay, ngành Thuế đã hình thành hệ thống chính sách thuế khá đầy đủ, bao quát các nguồn thu, áp dụng thống nhất đối với mọi thành phần kinh tế và thích ứng với yêu cầu chuyển đổi nền kinh tế theo cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế.

Công tác quản lý thuế đã tiến một bước dài, cơ quan thuế chuyển từ nhiệm vụ đi thu thuế sang cơ chế người nộp thuế tự khai, tự tính, tự nộp thuế. Cơ quan thuế có trách nhiệm cung cấp dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế trong việc kê khai, tính, nộp thuế và giám sát việc tuân thủ pháp luật thuế dựa trên cơ chế quản lý rủi ro. Cùng với đó, ngành Thuế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách và hiện đại hóa ngành Thuế, phục vụ tốt người nộp thuế và công tác quản lý thuế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong khi vẫn đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ thu NSNN.