Quản lý thuế chuyển nhượng bất động sản: Cần tuân thủ nguyên tắc “tiền phòng hậu kiểm”

Quản lý thuế chuyển nhượng bất động sản: Cần tuân thủ nguyên tắc “tiền phòng hậu kiểm”

Trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã triển khai nhiều giải pháp tăng cường chống thất thu thuế từ hoạt kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản (BĐS), qua đó, đã tăng thu cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng.

Người nộp thuế đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, chủ động khai tăng giá chuyển nhượng ngay từ ban đầu khi làm hợp đồng công chứng.

Đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật

Theo Vụ trưởng Vụ quản lý thuế DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân Tổng cục Thuế – bà Nguyễn Thị Lan Anh, thời gian qua, cơ quan thuế các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền chính sách thuế và chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS để người dân, DN hiểu và tuân thủ đúng. Cùng với đó, Tổng cục Thuế đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí xây dựng và đăng tải các nội dung tuyên truyền về chủ đề này.

Đặc biệt, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Cục Thuế các tỉnh tham mưu với UBND tỉnh xây dựng bảng giá đất, hệ số điều chỉnh; xây dựng dữ liệu giá giao dịch BĐS để công khai tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Đồng thời ban hành nhiều công văn gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương; Bộ Công an; Bộ Tư pháp để phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp chống thất thu trong hoạt động chuyển nhượng BĐS.

Tại các địa phương, Cục Thuế đã chỉ đạo các chi cục thuế, các phòng chức năng tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, đặc biệt là các quy định về xử lý vi phạm đối với hành vi trốn thuế trong pháp luật hình sự và chính sách thuế liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS. Chủ động kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh BĐS theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, cơ quan thuế còn thực hiện một số biện pháp để thu thập chứng cứ xác minh giá chuyển nhượng, như xác minh với các văn phòng công chứng về hợp đồng đặt cọc, hợp đồng với giá khác giá khai thuế, phụ lục hợp đồng với giá điều chỉnh; xác minh qua ngân hàng thông tin về giao dịch liên quan chuyển nhượng nhà đất, vay để mua BĐS. Phối hợp với sở tư pháp chỉ đạo các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tuyên truyền, hướng dẫn người dân kê khai đúng thực tế giá mua bán trong các giao dịch chuyển nhượng BĐS, với lưu ý, trong quá trình kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện hành vi vi phạm, sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý nên công tác chống thất thu từ hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS bước đầu đã đạt một số kết quả khả quan. Năm 2021 số thu từ thuế TNCN từ chuyển nhượng BĐS tăng hơn 4,9 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ tăng 30% so với năm 2020. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022 dự kiến tăng 6,6 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ tăng 68,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Chi cục Thuế TP Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh), địa bàn có lượng hồ sơ chuyển nhượng BĐS lớn thời gian qua, trong 5 tháng cơ quan thuế đã tiếp nhận trên 21.500 hồ sơ; đã ra thông báo thuế với 18.040 hồ sơ, trong đó hơn 2.000 hồ sơ bị trả lại do sai, thiếu thông tin, hoặc trùng phiếu chuyển. Qua công tác tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân kê khai đúng giá chuyển nhượng, cơ quan thuế đã thu về cho ngân sách trên 120 tỷ đồng. Điều này cho thấy người nộp thuế đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, chủ động khai tăng giá chuyển nhượng ngay từ ban đầu khi làm hợp đồng công chứng.

Tuân thủ nguyên tắc “tiền phòng hậu kiểm”

Để tiếp tục triển khai công tác chống thất thu trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS, đảm bảo thời gian xử lý hồ sơ đúng quy định, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ của cơ quan thuế khẩn trương phối hợp các Sở, Ban, ngành địa phương để báo cáo, tham mưu UBND các tỉnh, thành phố ban hành bảng giá đất và hệ số điều chỉnh theo đúng chỉ đạo của Bộ Tài chính.

Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố quán triệt đến từng Chi cục Thuế không thực hiện trả hồ sơ, không được kéo dài thời hạn giải quyết hồ sơ; thực hiện tính thuế theo đúng quy định tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ và Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính. Trường hợp phát hiện rủi ro thì chuyển sang thực hiện thanh, kiểm tra sau theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố rà soát, bố trí công chức tại các bộ phận khác để tăng cường lực lượng cho bộ phận xử lý hồ sơ chuyển nhượng bất động sản, tổ chức làm thêm giờ để giải quyết triệt để các hồ sơ còn tồn đọng (nếu có) và đảm bảo ban hành Thông báo thuế đúng thời hạn theo quy định đối với các hồ sơ mới phát sinh, chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nếu phát sinh việc giải quyết hồ sơ vượt quá thời hạn quy định hoặc phát việc trả lại hồ sơ đối với những hồ sơ đã đầy đủ theo quy định.

Tổng cục Thuế cũng giao các vụ, đơn vị chức năng có giải pháp tuyên truyền phù hợp; các Cục Thuế, Chi cục Thuế chủ động phối hợp các đơn vị trên địa bàn (Hiệp hội Bất động sản, Văn phòng công chứng, …) thực hiện các biện pháp đẩy mạnh tuyên truyền phù hợp thực tế tại từng địa phương, khu vực, dự án… để người dân và doanh nghiệp nắm được, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục rà soát, hướng dẫn các Cục Thuế thống nhất thực hiện việc “hậu kiểm” đối với các hồ sơ chuyển nhượng bất động sản có rủi ro theo đúng quy định pháp luật; phân tích rủi ro, thực hiện kiểm tra theo chuyên đề một số dự án để có thông tin thực tế, phổ biến trong toàn ngành thực hiện thống nhất.

Giao Cục Kiểm tra nội bộ bổ sung kế hoạch kiểm tra nội bộ trong đó có nội dung kiểm tra về công tác xử lý hồ sơ khai thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản của cơ quan thuế các cấp, báo cáo Tổng cục Thuế. Tổng cục Thuế thông báo để các Vụ, đơn vị, Cục Thuế biết, thực hiện