Sự đồng lòng, quyết tâm giúp ngành Thuế hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2021

Sự đồng lòng, quyết tâm giúp ngành Thuế hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2021

Nhấn mạnh yếu tố nền tảng này bởi theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, với một năm ngân sách đầy khó khăn và thách thức như năm 2021, nếu không có sự đồng lòng, quyết tâm, ngành Thuế khó có thể hoàn thành dự toán, chưa kể còn bứt phá vươn lên, ghi thêm nhiều dấu ấn mới trong công tác quản lý, cải cách và hiện đại hóa.

Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác chuyển đổi số ngành Thuế.

PV. Thưa Tổng cục trưởng, 2021 tiếp tục là một năm nhiều sóng gió với nền kinh tế xã hội. Trong nỗ lực chung của toàn hệ thống chính trị để thiết lập trạng thái bình thường mới, các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí đã thực sự phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả thiết thực giúp người dân, DN nhanh chóng phục hồi và dần ổn định hoạt động. Với vai trò là cơ quan chủ trì tham mưu và tổ chức thực hiện các chính sách này, Tổng cục Thuế đã triển khai nhiệm vụ như thế nào?

Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn: 2021 là năm thứ 2 nền kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng bị tác động bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, bằng những chính sách kịp thời hỗ trợ người dân, DN, cũng như các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, nền kinh tế đã phục hồi nhanh chóng, góp phần giúp ngành Thuế hoàn thành tốt nhiệm vụ thu ngân sách.

Cụ thể trong năm, chủ động và linh hoạt ứng phó với những ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh gây ra, Tổng cục Thuế đã nghiên cứu, trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2021 với tổng số tiền ước khoảng 92,9 ngàn tỷ đồng, gia hạn thuế TTĐB cho xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định 104/2021/NĐ-CP khoảng 4 ngàn tỷ đồng. Cùng với giải pháp gia hạn thuế, Tổng cục Thuế còn tham mưu với Bộ Tài chính ban hành, trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành một loạt giải pháp miễn, giảm thuế, phí.

Theo đó, tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết ngày 31/12/2021; tiếp tục giảm mức thu hơn 30 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; giảm tiền thuê đất của năm 2021 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 và Nghị định số 92/2021/NĐ-CP miễn, giảm thuế TNDN, GTGT, TNCN, tiền chậm nộp đối với một số trường hợp, lĩnh vực chịu tác động của dịch bệnh. Cùng với đó, tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2021/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của DN, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, áp dụng trong năm 2020 và 2021.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế còn ban hành Công văn số 4110/TCT-DNNCN hướng dẫn về chính sách thuế đối với các khoản chi phí liên quan đến dịch Covid-19. Ước tính, tổng số thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm trong năm 2021 khoảng 31,6 ngàn tỷ đồng. Cùng với đó, cơ quan thuế đã thưc̣ hiện hoàn thuế GTGT kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy đinh, góp phần tháo gỡ khó khăn về tài chính, giúp DN có dòng tiền để hồi phục sản xuất kinh doanh và thực hiện tốt nghĩa vụ kê khai, nộp thuế.

PV. Triển khai các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ kịp thời cho người dân, DN, trong khi vẫn phải đảm bảo tiến độ thu NSNN để phục vụ nhu cầu chi của đất nước, nhất là chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện các kế hoạch an sinh xã hội. Trên thực tế, đây là 2 mệnh đề rất khó tương tác, vậy Tổng cục Thuế đã có phương án xử lý ra sao để cân bằng và hoàn thành tốt các mục tiêu nhiệm vụ?

Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn: Năm 2021 ngành Thuế triển khai nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình sản xuất kinh doanh chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Cùng lúc, toàn ngành tiếp tục thực hiện các chính sách của Quốc hội, Chính phủ về hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn do dịch bệnh. Xác định tình hình sản xuất kinh doanh có khởi sắc trở lại thì mới có nguồn thu ổn định, toàn Ngành đã nỗ lực triển khai các giải pháp hỗ trợ để cộng đồng DN nhanh chóng phục hồi hoạt động. Đồng thời, chủ động phân tích nguồn thu, phân vùng các nhóm lĩnh vực, ngành nghề theo 2 hướng bị ảnh hưởng, hoặc có cơ hội phát triển để có biện pháp quản lý phù hợp, hiệu quả. Quan trọng hơn, trên cơ sở bám sát diễn biến dịch bệnh, ngành Thuế đã có những hành động quyết liệt, kịp thời để triển khai nhiệm vụ thu một cách tốt nhất.

Trong đợt dịch lần thứ 4, ngay khi diễn biến dịch phức tạp làm suy giảm nghiêm trọng số thu NSNN, Tổng cục Thuế đã tổ chức các cuộc làm việc với các cục thuế lớn, có tỷ trọng số thu cao để chỉ đạo triển khai các giải pháp tăng cường công tác quản lý, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp khai thác nguồn thu còn tiềm năng, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc và đôn đốc người nộp thuế nộp đúng, đủ vào NSNN. Theo đó, các cục thuế đã có sự điều chỉnh linh hoạt các giải pháp quản lý và chống thất thu thuế, nỗ lực hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Nhiều cơ quan thuế nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh đã phấn đấu thực hiện vượt dự toán.

Bên cạnh đó, để bù đắp các khoản hụt thu, cơ quan thuế đã đẩy mạnh khai thác nguồn thu mới, nhiều tiềm năng, như thu từ thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới, các ngành, lĩnh vực có sự gia tăng đột biến… Cùng với đó, các biện pháp thu hồi nợ thuế cũng được điều hành nhịp nhàng trên tinh thần quyết liệt. Công tác đôn đốc, nhắc nhở người nộp thuế nộp các khoản được gia hạn vào NSNN sau khi hết thời gian gia hạn cũng được tiến hành khẩn trương. Ngoài ra, sự đổi mới trong công tác thanh kiểm tra theo hướng giảm thanh tra tại trụ sở người nộp thuế, tăng kiểm tra tại cơ quan thuế, kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Sự thay đổi này nhận được hiệu ứng tích cực cả từ cơ quan thuế và người nộp thuế, vừa giúp tăng thu ngân sách, vừa mang lại sự chuyên nghiệp trong nghiệp vụ thanh kiểm tra. Có thể nói, sự đồng lòng và quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống đã giúp ngành Thuế vượt qua mọi thử thách, đạt được kết quả thu ngân sách ấn tượng. Tổng thu NSNN năm 2021 do Tổng cục Thuế thực hiện ước đạt 1.294.000 tỷ đồng, bằng 115,9% dự toán (tương ứng vượt 177.300 tỷ đồng). Trong đó, có 60/63 cục thuế hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán, 14/19 khoản thu, sắc thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán