Tháng 1/2021, thu nội địa ước đạt 134.000 tỷ đồng

Tháng 1/2021, thu nội địa ước đạt 134.000 tỷ đồng

Kết quả thu ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 01/2020 do Tổng cục Thuế quản lý đạt ước đạt 134.000 tỷ đồng, đạt 12% so với dự toán, bằng 81,2% so với cùng kỳ.

Du lịch một trong những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 

Thu ngân sách tháng 1 thấp hơn so với cùng kỳ

 Trong đó, thu từ dầu thô đạt 2.450 tỷ đồng, bằng 8,9% dự toán. Thu nội địa đạt 131.550 tỷ đồng, bằng 12% dự toán, bằng 83,5% so với cùng kỳ năm 2020. Số thu không kể tiền sử dụng đất, cổ tức và lợi nhuận còn lại và thu từ xổ số kiến thiết và chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước đạt 104.850 tỷ đồng, bằng 11,9% so với dự toán pháp lệnh, bằng 84,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Nếu tính theo khu vực, sắc thuế thì thu từ khu vực sản xuất kinh doanh gồm: doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) và công thương nghiệp-ngoài quốc doanh (CTN-NQD) chiếm 58,4% tổng thu nội địa, ước đạt 76.800 tỷ đồng, bằng 13,1% so với dự toán và bằng 82,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó: khu vực DNNN ước đạt 15.700 tỷ đồng, bằng 10,6% dự toán, bằng 76,6% cùng kỳ; khu vực DN có vốn ĐTNN ước đạt 28.800 tỷ đồng, bằng 14,5% dự toán, bằng 84,2% so với cùng kỳ; khu vực CTN-NQD ước đạt 32.300 tỷ đồng, bằng 13,6% dự toán, bằng 84,6% cùng kỳ. Thu từ thuế giá trị gia tăng (GTGT) ước đạt 26.000 tỷ đồng, bằng 11% dự toán, bằng 86,3% so với cùng kỳ. Thuế thu nhập DN (TNDN) ước đạt 35.100 tỷ, bằng 15,7% dự toán, bằng 68,6% cùng kỳ. Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) ước đạt 13.400 tỷ đồng, bằng 13,9% dự toán, bằng 140,2% cùng kỳ (chủ yếu do tăng thu từ mặt hàng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước).

Các khoản thu từ nhà, đất (chiếm khoảng 10,2% tổng thu nội địa) ước đạt 14.100 tỷ đồng, bằng 10,2% so với dự toán, bằng 95,4% so với cùng kỳ, trong đó thu tiền sử dụng đất ước đạt 12.000 tỷ đồng, bằng 10,8% dự toán, bằng 95,7% so với cùng kỳ; Thu tiền thuê đất ước đạt 2.000 tỷ đồng, bằng 8,2% dự toán, bằng 93,1% so với cùng kỳ.

Các khoản thuế khác và thu khác (chiếm khoảng 24,1%) ước đạt 31.650 tỷ đồng, bằng 10,4% dự toán, bằng 86% so với cùng kỳ. Lệ phí trước bạ ước đạt 3.420 tỷ đồng, bằng 10,1% so với dự toán, bằng 97% so với cùng kỳ; thu từ phí, lệ phí ước đạt 3.500 tỷ đồng, bằng 9,6% dự toán, bằng 89,1% so với cùng kỳ do tiếp tục thực hiện cắt giảm một số loại phí, lệ phí; thuế bảo vệ môi trường ước đạt 5.300 tỷ đồng, bằng 8,2% dự toán, bằng 121,7% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xổ số ước đạt 5.700 tỷ, bằng 16,9% dự toán, bằng 70,2% so với cùng kỳ.

Những yếu tố không thuận tác động đến thu ngân sách

Mặc dù tiến độ thu NSNN tháng 01/2021 thực hiện dự toán đạt khá so với cùng kỳ một số năm gần đây (tháng 1/2019 đạt 11,9% dự toán; năm 2018 đạt 11%, năm 2017 đạt 9%). Tuy nhiên, vẫn đạt thấp hơn cùng kỳ.

Nguyên nhân chủ yếu do thu NSNN phụ thuộc lớn vào mức tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, kinh tế xã hội năm 2020 của nước ta diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ và diễn biến khó lường trên toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh của nhiều ngành, lĩnh vực như hàng không, du lịch, dịch vụ, thương mại, xuất nhập khẩu…

Bên cạnh đó, tình hình thiên tai, bão lũ, sạt lở đất, hạn hán, xâm ngập mặn nghiêm trọng diễn ra tại nhiều địa phương đã tác động không thuận đến tình hình kinh tế năm 2020. Mức tăng trưởng đạt thấp nhất trong quý II (tăng 0,39%) và quý III (tăng 2,69%). Tình hình kinh tế quý IV vừa mới hồi phục sau đợt ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh (tăng 4,48%), tuy nhiên, tăng trưởng vẫn ở mức thấp so với mục tiêu (tăng 6,8%) và so với cùng kỳ năm 2019 (tăng 6,97%). Đây cũng là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2020 do đó đã tác động không thuận đến kết quả thu NSNN tháng 1/2021.

Về cơ chế, chính sách, một số chính sách hỗ trợ DN và người dân đã triển khai trong nửa cuối năm 2020 tiếp tục có hiệu lực và làm giảm số thu NSNN trong những tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ như: Nghị quyết số 954/UBTVQH14 ngày 2/6/2020 về việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020 ước tính làm giảm số thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trong tháng 1/2021 khoảng 1.800 tỷ đồng.

Nghị quyết số 116/2020/QH14 về giảm 30% thuế TNDN phải nộp năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức có doanh thu dưới 200 tỷ đồng/năm làm giảm thu trong tháng 1/2021 khoảng 2.800 tỷ đồng so với cùng kỳ. Đáng chú ý, kinh tế quý IV/2020 đã có sự hồi phục nên số thuế TNDN phát sinh quý IV phải nộp trong tháng 01/2021 mặc dù đạt khá so với dự toán nhưng còn thấp so với mức thu cùng kỳ năm 2020.

Ngoài ra, thực hiện Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định một số điều về thực hiện Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 nhiều DN đã tạm nộp số thuế TNDN năm 2020 sát với thực tế phát sinh ngay từ tháng 10 và tháng 12/2020 dẫn đến số thuế nộp trong tháng 1/2020 ước đạt thấp.

Việc tiếp tục thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đã tác động làm giảm số thu thuế TTĐB từ sản phẩm rượu bia so với cùng kỳ./.