11 tháng: tăng thu qua thanh, kiểm tra thuế đạt 16.326 tỷ đồng

11 tháng: tăng thu qua thanh, kiểm tra thuế đạt 16.326 tỷ đồng

Với con số này, số thuế thu hồi qua công tác thanh tra, kiểm tra trong 11 tháng năm nay tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, số đã nộp NSNN 11.978 tỷ đồng, đạt 73,41% số thuế tăng thu và bằng 154,97% so với cùng kỳ năm trước.

Nhận định kết quả chống thất thu là một trong những điểm nhấn của công tác quản lý thuế năm 2017, Tổng cục Thuế cho biết, trong 11 tháng đầu, toàn ngành đã thực hiện 86.551 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 95,3% kế hoạch cả năm, bằng 115,39% so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh các DN được lựa chọn theo phương thức quản lý rủi ro trong kế hoạch, cơ quan thuế các cấp đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 364 DN có hoạt động giao dịch liên kết; qua đó đã xử lý truy thu, truy hoàn và phạt 1.306,92 tỷ đồng; giảm lỗ 6.022,77 tỷ đồng; giảm khấu trừ 15,95 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 2.798,15 tỷ đồng. Cùng lúc, đã thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế GTGT với tổng số 6.962 quyết định hoàn thuế trước, kiểm tra sau, với giá trị đã hoàn là 29.350,33 tỷ đồng. Tổng số tiền phải thu hồi, truy hoàn và xử lý vi phạm hành chính là 231 tỷ đồng. Tính chung 11 tháng, tổng số thuế tăng thu qua công tác thanh tra, kiểm tra là 16.325,87 tỷ đồng, bằng 119,7% so với cùng kỳ năm 2016; giảm khấu trừ 1.507,88 tỷ đồng, bằng 194%; giảm lỗ 31.520,32 tỷ đồng, bằng 189,79% so với cùng kỳ năm 2016; giảm số chi hoàn thuế 400 tỷ đồng. Đến thời điểm này, đã nộp vào NSNN 11.978 tỷ đồng, đạt 73,41% số thuế tăng thu qua thanh, kiểm tra và bằng 154,97% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Tổng cục Thuế, để đạt được kết quả này, ngay từ cuối năm 2016, Tổng cục Thuế đã hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung quy trình thanh tra và trước đó là quy trình kiểm tra để ban hành Quyết định mới (QĐ 2605/QĐ-TCT ngày 30/12/2016 và QĐ 746/QĐ-TCT ngày 20/4/2015), tạo dựng căn cứ pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, minh bạch cho công tác thanh tra, kiểm tra. Theo quy trình, căn cứ yêu cầu công tác và văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, Vụ Thanh tra Tổng cục Thuế lập danh mục người nộp thuế (NNT) có mức độ rủi ro từ cao xuống thấp để đưa vào kế hoạch thanh tra năm, trình Tổng cục Thuế trước ngày 20/10 hàng năm. Sau đó, căn cứ quyết định được Bộ Tài chính phê duyệt, Tổng cục Thuế ra thông báo kế hoạch thanh tra năm cho Cục Thuế quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra biết và phối hợp thực hiện. Tương tự, căn cứ yêu cầu nhiệm vụ, Tổng cục Thuế ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch kiểm tra trước ngày 15/10 hàng năm; Cục Thuế ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch kiểm tra trước ngày 1/11 hàng năm. Việc lựa chọn người NNT có rủi ro để đưa vào lập kế hoạch kiểm tra thuế phải tuân thủ nguyên tắc phân tích đánh giá rủi ro, trên cơ sở ứng dụng phần mềm quản lý được thực hiện thống nhất; đồng thời căn cứ thực tiễn quản lý thuế tại địa phương, kế hoạch kiểm tra hàng năm cũng phải cân đối, trên cơ sở nguồn nhân lực của cơ quan thuế; số lượng NNT và tình hình thực tế trên địa bàn quản lý. Trong đó, số lượng NNT lựa chọn theo hệ thống phân tích rủi ro đưa vào kế hoạch hàng năm phải đạt tối thiểu 60% số NNT được giao nhiệm vụ kiểm tra hàng năm. Ngoài ra, cơ quan thuế sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế; khi giải quyết khiếu nại, tố cáo về thuế; khi thực hiện chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản; hoặc theo yêu cầu của công tác quản lý. Đối với trường hợp kiểm tra theo kế hoạch và kiểm tra theo chuyên đề, kiểm tra theo dấu hiệu vi phạm, cơ quan thuế thực hiện kiểm tra tại trụ sở NNT không quá 1 lần trong năm.

Tổng cục Thuế khẳng định, việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình, kỷ luật công tác là yếu tố nền tảng để ngành thuế đạt được những kết quả cao trong hoạt động thanh kiểm tra. Nhằm phát huy kết quả đã đạt được và nâng cao hiệu quả thanh kiểm tra trong thời gian tới, ngành thuế sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, phục vụ công tác phân tích rủi ro trong thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh việc tổ chức sắp xếp, sớm bổ sung nguồn nhân lực; đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, trao đổi nghiệp vụ để nâng cao năng lực và kỹ năng cho công chức làm công tác thanh kiểm tra; ngành thuế sẽ tăng cường kiểm soát tuân thủ đối với hoạt động công vụ của các đoàn, đội và cán bộ thực thi nhiệm vụ thanh kiểm tra, đảm bảo ngăn ngừa và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.

TM
Tapchithue