Ảnh hưởng của các chính sách hỗ trợ và cơ sở hạ tầng đến thành quả hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng

Ảnh hưởng của các chính sách hỗ trợ và cơ sở hạ tầng đến thành quả hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng

{Bài viết đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán (ISSN 1859 – 1914), số 212, Tháng 5/2021 của PGS.TS. Trần Đình Khôi Nguyên và ThS. Võ Hồng Tâm – Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng}

Đề tài nghiên cứu ảnh hưởng của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và cơ sở hạ tầng của thành phố đến thành quả hoạt động của các doanh nghiệp, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Mẫu nghiên cứu gồm 480 doanh nghiệp được thu thập ngẫu nhiên, bao gồm nhiều loại hình doanh nghiệp, nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau. Tác giả sử dụng các kỹ thuật: phân tích nhân tố khám phá (EFA), hồi quy tuyến tính bội (OLS) để xử lý dữ liệu. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhân tố các chính sách hỗ trợ của chính quyền và cơ sở hạ tầng của địa phương tác động thuận đến thành quả hoạt động của doanh nghiệp, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Từ khóa: Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng, thành quả hoạt động của doanh nghiệp.
Abstract
This paper investigates the influence of Government support policies and infrastructure on Firm Performance in Danang City. Our sample data consists of 480 observations including many types and many fields of business. After Using statistical techniques: Exploratory Factor Analysis (EFA), multiple linear regression (OLS) to process data. The research results show that Government support policies and infrastructure positively affect on perceived performance of enterprises in Danang city.
Key words: Government support policies, infrastructure, Firm performance.


1. Đặt vấn đề
Dù theo mô hình kinh tế thị trường tự do hay mô hình kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước thì chính sách hỗ trợ của chính phủ luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp (DN), của nền kinh tế. Những biểu hiện cụ thể của chính sách hỗ trợ chính phủ thông qua chính sách về thuế thu nhập DN, các chính sách liên quan đến phí và lệ phí. Đó còn là chính sách về điều hành tỷ giá ngoại tệ (thả nổi hay kiểm soát trong khung xác định), chính sách lãi suất ngân hàng. Chúng ta không thể phủ nhận một DN nhận được nhiều sự hỗ trợ của chính phủ, cơ hội tăng trưởng của DN sẽ cao hơn.

Bên cạnh sự hỗ trợ của chính phủ đối với các DN một cách trực tiếp, thì sự hỗ trợ gián tiếp thông qua việc chính phủ đầu tư, hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng: giao thông, thương mại, giáo dục, y tế… sẽ đóng góp rất lớn cho sự phát triển của các DN.

Tuy nhiên, nghiên cứu về mối quan hệ giữa các chính sách hỗ trợ DN đến thành quả hoạt động của DN ở các nước có nền kinh tế đang phát triển còn khá mới. Đa phần nghiên cứu chỉ đề cập đến chính sách hỗ trợ DN của chính phủ mang tính chất chung chung.

Mbugua và Moronge (2016) nghiên cứu ảnh hưởng của các chính sách của chính quyền địa phương gồm: chính sách thuế, chính sách cấp phép đăng ký kinh doanh, chính sách đào tạo nhân lực, chính sách hỗ trợ tài chính (vốn) đến thành quả các DN vừa và nhỏ ở Kenya. Kết quả nghiên cứu chỉ ra, thuế càng cao thì thành quả DN càng thấp, tương tự với nhân tố cấp phép đăng ký kinh doanh. Hai nhân tố còn lại là chính sách đào tạo nhân lực và hỗ trợ vốn, tác động thuận đến thành quả.

Một nghiên cứu khác về vai trò các chính sách của chính phủ, gồm hỗ trợ về tài chính, chính sách thuế và các chính sách hỗ trợ DN khác (vườn ươm) đến việc hỗ trợ các DN vừa và nhỏ ở Anbani do Kraja và cộng sự (2014) thực hiện chỉ ra các nhân tố này tác động thuận đến thành quả DN.

Trong bối cảnh Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới kinh tế theo đường lối kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vai trò điều tiết của Nhà nước càng có ý nghĩa và tác động rất lớn đến hoạt động của các DN, kể cả các DN ngoài khu vực Nhà nước. Tuy nhiên, các nghiên cứu về tác động của chính sách hỗ trợ chính phủ đến thành quả hoạt động còn chưa tương xứng. Có thể tổng quan một số công trình tiêu biểu như sau:

Hansen và cộng sự (2009) nghiên cứu sự tác động các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đến sự tăng trưởng và sống còn của các DN ở Việt Nam, giai đoạn 1990 – 2000, với 4 chính sách được sử dụng: Sự tư vấn về ngành nghề kinh doanh, hỗ trợ xin giấy phép đăng ký kinh doanh, hỗ trợ tín dụng trực tiếp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hầu hết các chính sách hỗ trợ của chính phủ có tác động thuận chiều đến thành quả của DN.

Phan Thị Minh Lý (2011) nghiên cứu tác động ảnh hưởng của các nhân tố đến hoạt động kinh doanh của các DN vừa và nhỏ ở Thừa Thiên – Huế. Kết quả nghiên cứu chỉ ra nhân tố chính sách địa phương, chính sách vĩ mô đều tác động thuận đến kết quả hoạt động của DN. Trong đó, các chính sách địa phương là các chính sách liên quan đến chính sách hỗ trợ của địa phương, thủ tục hành chính, hạ tầng cơ sở, thủ tục thuê đất và hỗ trợ từ hiệp hội DN. Chính sách vĩ mô gồm: chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa, hệ thống luật pháp và chính sách thuế. Kết quả này tương đồng với nghiên cứu của Nguyễn Quốc Nghi và Mai Văn Nam (2011).

Cũng liên quan đến sự hỗ trợ của chính phủ, Vixathep và Matsunaga (2015) cũng đã cho thấy hệ thống cơ sở hạ tầng, đường sá đóng góp rất lớn vào thành quả hoạt động của các DN nhỏ và vừa ở Việt Nam. Như vậy, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cùng với những đầu tư về hạ tầng, đường sá cũng là những nhân tố ảnh hưởng đến thành quả hoạt động của các DN.

Kết quả các nghiên cứu trên một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng các chính sách hỗ trợ DN của chính quyền địa phương cũng như điều kiện cơ sở hạ tầng của các địa phương, ảnh hưởng rất lớn đến thành quả hoạt động của các DN.