Bác bỏ trị giá khai báo hàng hóa nhập khẩu có bị xử phạt vi phạm hành chính?

Bác bỏ trị giá khai báo hàng hóa nhập khẩu có bị xử phạt vi phạm hành chính?

Nhằm triển khai hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp năm 2022, trên cơ sở kiến nghị, vướng mắc của các doanh nghiệp thành viên của Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), mới đây, Tổng cục Hải quan đã có văn bản trả lời vướng mắc về xử phạt vi phạm hành chính khi cơ quan Hải quan bác bỏ trị giá khai báo của hàng nhập khẩu.

Theo VBF, trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng mua bán hàng hóa với doanh nghiệp khác để nhập khẩu hàng hóa thương mại. Trị giá khai báo hải quan là trị giá hàng hóa trong hợp đồng mua bán. Tuy nhiên, khi cơ quan Hải quan kiểm tra và nhận định giao dịch nhập khẩu của doanh nghiệp không thỏa mãn một hoặc các điều kiện để được áp dụng phương pháp trị giá giao dịch theo quy định về trị giá hải quan. Theo đó, cơ quan Hải quan thực hiện xác định lại trị giá hải quan và ban hành Quyết định ấn định thuế. Sau khi ban hành Quyết định ấn định thuế do bác bỏ trị giá khai báo, cơ quan Hải quan yêu cầu phải lập Biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính doanh nghiệp vì bị bác bỏ trị giá khai báo với mức phạt là 20% số tiền thuế ấn định.

VBF cho rằng, việc xử phạt vi phạm hành chính trong tình huống này là không phù hợp và không đúng quy định.

Theo lý giải của VBF: Theo khoản 1, Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 quy định: “Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính”. Cũng tại điểm d, khoản 1, Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 quy định: “Chỉ xử phạt về phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định. Trong khi đó, việc bị bác bỏ trị giá khai báo hàng nhập khẩu không phải là hành vi có lỗi của doanh nghiệp.

Tại thời điểm nhập khẩu, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ưu tiên chỉ có thể thực hiện khai báo trị giá hàng nhập khẩu theo trị giá mà doanh nghiệp ký kết hợp đồng với người bán. Thực tế doanh nghiệp vẫn thanh toán tiền hàng cho đối tác nước ngoài theo trị giá khai báo và kê khai chi phí theo trị giá khai báo.

Tại Điểm 4, Công văn số 7764/TCHQ-TXNK ngày 17/12/2019, Tổng cục Hải quan hướng dẫn cơ quan Hải quan không thực hiện xử phạt vi phạm hành chính do không xác lập được hành vi vi phạm: Hồ sơ không thỏa mãn 1 trong 4 điều kiện của phương pháp trị giá giao dịch; Người khai hải quan không bổ sung chứng từ theo yêu cầu của cơ quan Hải quan; Người khai hải quan không cử đại diện đến tham vấn hoặc không ký vào Biên bản tham vấn.

Trả lời vướng mắc của VBF, theo Tổng cục Hải quan, khoản 1, Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định: “Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính”.

Điểm c, khoản 2, Điều 18 Luật Hải quan quy định người khai hải quan có nghĩa vụ: “Chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự xác thực của nội dung đã khai và các chứng từ đã nộp, xuất trình; về sự thống nhất nội dung thông tin giữa hồ sơ lưu tại doanh nghiệp với hồ sơ lưu tại cơ quan Hải quan”.

Điểm b, điểm d khoản 4 Điều 6 Thông tư số 39/2015/TT-BTC quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 60/2019/TT-BTC quy định: “Trị giá giao dịch được áp dụng nếu thỏa mãn đủ các điều kiện sau: “… b) Giá cả hoặc việc bán hàng không phụ thuộc vào những điều kiện hay các khoản thanh toán mà vì chúng không xác định được trị giá của hàng hóa cần xác định trị giá hải quan; d) Người mua và người bán không có mối quan hệ đặc biệt hoặc nếu có thì mối quan hệ đặc biệt đó không ảnh hưởng đến trị giá giao dịch theo quy định tại Điều 7 Thông tư này”.

Quy định tại khoản 4, Điều 6 Thông tư số 39 đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 60 là quy định pháp luật về quản lý nhà nước theo giải thích từ ngữ tại khoản 1, Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Do đó, trường hợp cơ quan Hải quan kiểm tra, xác định doanh nghiệp đã áp dụng phương pháp trị giá giao dịch nhưng không thỏa mãn điều kiện thứ 2 (điểm b khoản 4 Điều 6) và điều kiện thứ 4 (điểm d khoản 4 Điều 6) là đã xác lập hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước.

Mặt khác, tại khoản 1, Điều 52 Luật Quản lý Thuế năm 2019 quy định các trường hợp cơ quan Hải quan ấn định thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, gồm: a, Người khai thuế dựa vào các tài liệu không hợp pháp để khai thuế, tính thuế, không khai thuế hoặc kê khai không chính xác, đầy đủ nội dung liên quan xác định nghĩa vụ thuế; b, Quá thời hạn quy định mà người khai thuế không cung cấp, từ chối hoặc trì hoãn, kéo dài việc cung cấp hồ sơ, sổ kế toán, tài liệu, chứng từ, dữ liệu, số liệu liên quan đến việc xác định chính xác số tiền thuế phải nộp theo quy định; c, Người khai thuế không chứng minh, giải trình hoặc quá thời hạn quy định mà không giải trình được các nội dung liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật; không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra của cơ quan Hải quan; d, Người khai thuế không phản ánh hoặc phản ánh không đầy đủ, trung thực, chính xác số liệu trên sổ kế toán để xác định nghĩa vụ thuế; đ, Cơ quan Hải quan có đủ bằng chứng, căn cứ xác định về việc khai bảo trị giá không đúng với trị giá giao dịch thực tế; e, Giao dịch được thực hiện không đúng với bản chất kinh tế, không đúng thực tế phát sinh, ảnh hưởng đến tiền thuế phải nộp; g, Người khai thuế không tự tính được số tiền thuế phải nộp; h, Trường hợp khác do cơ quan Hải quan hoặc cơ quan khác phát hiện việc kê khai, tính thuế không đúng với quy định của pháp luật