In bài Gửi bài Quyết toán thuế TNCN 2017: Đơn giản, thuận tiện, công bằng

In bài Gửi bài Quyết toán thuế TNCN 2017: Đơn giản, thuận tiện, công bằng

Việc quyết toán thuế thu nhập cá nhân phần lớn đã được uỷ quyền cho tổ chức chi trả thực hiện. Một số ít trường hợp có thu nhập từ 2 nơi trở lên nếu có phát sinh số thuế phải nộp thêm hoặc số thuế nộp thừa đề nghị hoàn thì phải thực hiện quyết toán trực tiếp với cơ quan thuế.

Tổng cục Thuế đã nâng cấp dịch vụ Thuế điện tử để hỗ trợ người nộp thuế. Ảnh: Đức Minh

Bà Tạ Thị Phương Lan – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Thuế thu nhập cá nhân (QLT TNCN) của Tổng cục Thuế trao đổi với phóng viên TBTCO về việc quyết toán thuế TNCN năm 2017.

Phóng viên: Để người dân có thể thực hiện công việc quyết toán thuế TNCN dễ dàng thì ngành Thuế đã có những thay đổi gì, thưa bà?

Bà Tạ Thị Phương Lan: QTT TNCN về bản chất chỉ là việc tổng hợp thu nhập trong năm để bình quân lại và xác định ra số thuế nộp thiếu hoặc nộp thừa. Việc quyết toán thuế TNCN rất đơn giản so với quyết toán thuế TNDN, không đòi hỏi phải có trình độ về kế toán. Tuy nhiên, do việc QTT TNCN đối với bất kỳ cá nhân nào không phải là việc làm thường xuyên hằng năm, nên mỗi khi có phát sinh nghĩa vụ thì cá nhân thường lúng túng và lo lắng do không nắm được các quy định và hướng dẫn hiện hành.

QTT TNCN trong một số năm gần đây đã trở nên rất dễ dàng nhờ có sự sửa đổi về chính sách theo hướng làm giảm tối đa các trường hợp phải quyết toán thuế. Đối với các trường hợp phải quyết toán thuế thì cũng điều chỉnh để thực hiện quyết toán uỷ quyền qua tổ chức chi trả, tránh việc cá nhân phải trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế. Theo số liệu của quyết toán năm 2016 thì tỷ lệ cá nhân trực tiếp quyết toán thuế chỉ chiếm 0,1% trong tổng số cá nhân quyết toán.

Đối với quyết toán thuế TNCN năm 2017, trong khuôn khổ thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử, Tổng cục Thuế đã nâng cấp dịch vụ thuế điện tử để tích hợp thêm dịch vụ cho phép cá nhân và tổ chức không có chữ ký số có thể kê khai QTT TNCN trực tuyến – thay thế hệ thống tncnonline hiện tại chỉ có thể đẩy file đã được thực hiện tại các phần mềm hỗ trợ kê khai offline.

Phóng viên: Vậy những thay đổi đó đem lại điều gì cho cả phía cơ quan thuế và người nộp thuế?

Bà Tạ Thị Phương Lan: Việc triển khai dịch vụ thuế điện tử đối với QTT TNCN là một trong những bước để tiến tới thực hiện điện tử toàn diện trong lĩnh vực quản lý thuế đối với cá nhân theo tinh thần Nghị quyết 36a của Chính phủ.

Đối với mùa quyết toán thuế năm nay, hệ thống thuế điện tử cho QTT TNCN đã đáp ứng việc khai trực tuyến, đồng thời có cung cấp chức năng xác định cơ quan thuế quyết toán – thay vì trước đây người nộp thuế (NNT) phải tự nghiên cứu quy định tại thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính để xác định nơi quyết toán.

Trường hợp xác định sai thường bị trả lại hồ sơ để đến cơ quan thuế khác nộp, việc này cũng dẫn đến mất thời gian và công sức của NNT khi phải đi lại nhiều. Dịch vụ thuế điện tử cũng hỗ trợ để cá nhân có thế khai các chỉ tiêu trên tờ khai thuế theo đúng quy định, hỗ trợ việc tính toán về số học trên tờ khai.

Mặc dù đã có thể khai QTT trực tuyến nhưng do cá nhân chưa có chữ ký số nên để đảm bảo tính chân thực của hồ sơ quyết toán thuế, thì cá nhân vẫn phải in tờ khai ra và gửi hồ sơ bằng giấy đến cơ quan thuế mới chính thức được xác định là đã nộp hồ sơ đầy đủ đúng hạn theo quy định.

Ngoài việc hỗ trợ cho NNT, hệ thống thuế điện tử cũng hỗ trợ cán bộ thuế trước khi chính thức phê duyệt tờ khai vào ứng dụng của ngành thì có thể thực hiện việc kiểm tra ngay các tờ khai được gửi đến. Nếu có sai sót thì phản hồi ngay để NNT biết và điều chỉnh, bổ sung và gửi lại cơ quan thuế kịp thời.

Phóng viên: Xin bà cho biết rõ về những cá nhân bắt buộc phải thực hiện nghĩa vụ quyết toán thuế là những ai?

Bà Tạ Thị Phương Lan: Theo quy định thì không bắt buộc toàn bộ cá nhân phải QTT TNCN vào cuối năm mà chỉ những cá nhân có phát sinh số thuế phải nộp thêm hoặc cá nhân có phát sinh số thuế nộp thừa có đề nghị hoàn.

Thông thường những cá nhân có 1 nguồn thu nhập đã khấu trừ tại nguồn thì không phát sinh số thuế nộp thêm, chỉ có thể phát sinh số thuế nộp thừa do các tháng trong năm trả thu nhập không đều nhau, dẫn đến cuối năm khi bình quân 12 tháng sẽ phát sinh số thuế nộp thừa được hoàn thuế – trường hợp này thì thực hiện ủy quyền quyết toán, cá nhân không phải tự quyết toán, số thuế nộp thừa sẽ được hoàn trả cho tổ chức chi trả để hoàn trả lại cho cá nhân.

Việc phát sinh số thuế phải nộp thêm dẫn đến cá nhân bắt buộc phải quyết toán thuế thường rơi vào những trường hợp cá nhân có thu nhập từ 2 nơi trở lên, và tại nơi thứ 2 trở lên đó có tổng thu nhập bình quân tháng trên 10 triệu đồng. Còn nếu thu nhập bình quân tháng từ nơi thứ 2 trở lên đó từ 10 triệu đồng trở xuống và đã thực hiện khấu trừ tại nguồn theo thuế suất 10% thì không phải quyết toán đối với thu nhập này.

Phóng viên: Xin bà cho biết những trường hợp nào được uỷ quyền quyết toán thuế?

Bà Tạ Thị Phương Lan: Cá nhân ủy quyền quyết toán trong trường hợp có thu nhập duy nhất tại một nơi hoặc có thêm thu nhập tại nơi khác, nhưng không quá 10 triệu đồng/tháng và đã khấu trừ 10%.

Cá nhân cũng có thể được ủy quyền quyết toán nếu trong năm cá nhân có di chuyển nơi làm việc do tổ chức chi trả thực hiện chia, tách, sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp – mà doanh nghiệp mới kế thừa toàn bộ nghĩa vụ của doanh nghiệp cũ.

Phóng viên: Vậy những trường hợp nào không được uỷ quyền quyết toán thuế, thưa bà?

Bà Tạ Thị Phương Lan: Cá nhân không được ủy quyền quyết toán nếu có phát sinh thu nhập từ 2 nơi trở lên và từ nơi thứ hai trở lên đó có tổng thu nhập bình quân tháng trên 10 triệu đồng. Cá nhân cũng không được ủy quyền quyết toán nếu tại thời điểm quyết toán cá nhân đã ngừng làm việc cho tổ chức chi trả, kể cả trường hợp trong năm cá nhân chỉ có thu nhập duy nhất tại một nơi.

Phóng viên: Xin cảm ơn bà!

Khánh Huyền (Thực hiện)
TBTC