Ban hành Luật Thuế tài sản là cần thiết, hợp lý

Ban hành Luật Thuế tài sản là cần thiết, hợp lý

Đó là khẳng định của ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính khi trả lời phỏng vấn TBTCVN.

Ở Việt Nam, thuế thu hàng năm, trong quá trình sử dụng tài sản chỉ chiếm khoảng 0,036% GDP và mới chỉ điều tiết đối với đất.

Theo ông, trong khi thuế tài sản ở các nước phát triển chiếm tỷ trọng trung bình 3 – 4% tổng thu thuế và khoảng 2% GDP tại một số nước châu Á, thì ở Việt Nam, thuế thu hàng năm trong quá trình sử dụng tài sản chỉ chiếm khoảng 0,036% GDP và mới chỉ điều tiết đối với đất.

PV: Thưa ông, Bộ Tài chính vừa hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tài sản để gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân. Đây là dự án luật mới được dư luận hết sức quan tâm. Ông có thể cho biết, dựa trên cơ sở nào, Bộ Tài chính đề xuất xây dựng dự án luật này?

– Ông Phạm Đình Thi: Việc đề xuất xây dựng Luật Thuế tài sản xuất phát từ những lý do sau:

Một là, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính sách tài chính đối với tài sản và thực hiện tái cơ cấu nguồn thu ngân sách nhà nước.

Hai là, thực hiện mục tiêu cải cách hệ thống chính sách thuế, góp phần xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, bao quát nguồn thu, tạo nguồn lực tài chính để phát triển kinh tế – xã hội. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, thuế tài sản là một loại thuế ra đời sớm trong hệ thống thuế của đa số các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển. Hiện có 174/193 nước thực hiện thu thuế tài sản (thuế thu hàng năm, trong quá trình sử dụng tài sản) với nhiều tên gọi khác nhau. Đối tượng chịu thuế tài sản ở các nước chủ yếu là đất và nhà. Thuế tài sản ở các nước thể hiện vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách của các quốc gia, chiếm tỷ lệ trung bình 3 – 4% so với tổng thu thuế ở các nước phát triển, một số nước tỷ lệ này lên đến 8% như Nhật Bản. Ở Việt Nam, thuế thu hàng năm, trong quá trình sử dụng tài sản chỉ chiếm khoảng 0,036% GDP và mới chỉ điều tiết đối với đất.

Ba là, góp phần quản lý nhà nước đối với tài sản, phù hợp với thông lệ quốc tế và bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Như vậy, việc ban hành Luật Thuế tài sản để thay thế cho các sắc thuế trong quá trình sử dụng tài sản hiện hành là cần thiết.

PV: Những loại tài sản nào sẽ thuộc đối tượng điều chỉnh của luật, thưa ông?

– Ông Phạm Đình Thi: Dự thảo quy định đối tượng chịu thuế và đối tượng không chịu thuế tài sản đối với đất. Cụ thể: Đối tượng chịu thuế tài sản đối với đất, gồm: Đất ở, gồm đất ở tại nông thôn và đất ở tại đô thị. Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, gồm đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất; đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm. Các loại đất phi nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế nhưng khi sử dụng vào mục đích kinh doanh hoặc để ở thì lại phải nộp thuế.

Đối tượng không chịu thuế tài sản đối với đất gồm: Đất nông nghiệp; các loại đất phi nông nghiệp không sử dụng vào mục đích kinh doanh hoặc để ở gồm: Đất xây dựng trụ sở cơ quan; đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất xây dựng công trình sự nghiệp; đất sử dụng vào mục đích công cộng; đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng; đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng; đất phi nông nghiệp khác.

Đối với nhà ở, dự thảo đưa ra 2 phương án để lấy ý kiến. Phương án 1: Đánh thuế đối với nhà ở; nhà và công trình thương mại, dịch vụ. Phương án 2: Chỉ đánh thuế đối với nhà ở.

Đối với tàu bay, du thuyền, ô tô, tại dự thảo đưa ra 2 phương án để lấy ý kiến như sau: Phương án 1, đánh thuế đối với tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên. Phương án 2, không đánh thuế đối với tàu bay, du thuyền, ô tô. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy hiện chỉ có 3 nước đánh thuế tài sản đối với máy móc thiết bị, phương tiện. Theo số liệu do Bộ Giao thông vận tải cung cấp thì 100% số lượng tàu bay, du thuyền đăng ký trên toàn quốc thuộc sở hữu của tổ chức, không có tàu bay, du thuyền nào đăng ký thuộc sở hữu tư nhân.

PV: Vậy Bộ Tài chính căn cứ vào đâu để đề xuất quy định mức thuế suất thuế tài sản chung là 0,4%, thưa ông?

– Ông Phạm Đình Thi: Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, thuế tài sản (thuế thu hàng năm, trong quá trình sử dụng tài sản) ở các nước thể hiện vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách của các quốc gia, chiếm tỷ lệ trung bình 3 – 4% so với tổng thu thuế ở các nước phát triển, một số nước tỷ lệ này lên đến 8% như Nhật Bản. Ở các nước đang phát triển và chuyển đổi, tỷ lệ này thấp hơn. Xét trong giai đoạn 2005 – 2013, tỷ lệ thu thuế tài sản so với GDP ở các nước phát triển và một số nước đang phát triển ở khu vực châu Á là khoảng 2%/GDP.

Mức thuế suất thuế tài sản một số nước cũng rất khác nhau, thấp nhất là 0,1%, cao nhất là 16% tùy từng loại. Ngoài việc quy định mức thuế suất thuế tài sản trong luật, một số nước còn giao cho chính quyền địa phương quy định mức thuế tài sản cụ thể để áp dụng cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Đối với nhà, đất không sử dụng, các nước quy định mức thuế suất cao hơn hoặc áp dụng mức thuế suất bổ sung đối với trường hợp đất không sử dụng, như: Singapore áp dụng mức thuế suất từ 10% đến 20% đối với nhà, đất không sử dụng. Anh đánh thuế tăng thêm 50% mức thuế suất cơ bản nếu để trống từ 2 năm trở lên; Canada thu thêm 1% trên giá trị tài sản nếu nhà, đất không sử dụng trên 6 tháng; Úc áp dụng mức thuế suất bổ sung 1%; Lào áp dụng mức thuế suất bổ sung 2%…

Vì vậy, tại dự thảo luật, Ban soạn thảo đã đề xuất quy định mức thuế suất thuế tài sản chung là 0,4%.

PV: Thời gian qua dư luận đặc biệt quan tâm và có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến đề xuất đánh thuế đối với ngôi nhà thứ hai trở đi. Quan điểm của Bộ Tài chính về vấn đề này ra sao, thưa ông?

– Ông Phạm Đình Thi: Việc đánh thuế căn nhà thứ hai trở đi được áp dụng tại một vài nước trên thế giới, nơi có thị trường bất động sản minh bạch, có hệ thống quản lý nhà, đất chặt chẽ. Thực tế tại Việt Nam các giao dịch mua bán bất động sản chủ yếu thực hiện trên hệ thống văn bản giấy, còn áp dụng công nghệ thông tin vẫn còn rất hạn chế, do đó, việc xác định sở hữu nhà thứ hai trở đi của tổ chức, cá nhân là phức tạp.

Hơn nữa, việc chỉ đánh thuế đối với căn nhà thứ hai trở đi sẽ không đảm bảo công bằng, trường hợp người chỉ có một căn nhà diện tích lớn hoặc giá trị lớn thì không bị đánh thuế, trong khi người có 2 căn nhà nhưng diện tích mỗi căn nhà không lớn hoặc giá trị không lớn lại bị đánh thuế. Đồng thời, khó khăn trong triển khai thực hiện thu thuế do Việt Nam chưa có cơ sở dữ liệu đầy đủ về nhà, chưa phù hợp với điều kiện triển khai thực tế tại Việt Nam. Do đó, tại dự án Luật Thuế tài sản, Bộ Tài chính đề nghị không thực hiện phương án chỉ đánh thuế đối với ngôi nhà thứ hai trở đi.

PV: Xin cảm ơn ông!

* Ông Nguyễn Văn Đực – Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành:
Phòng, chống đầu cơ nhà ở qua đánh thuế tài sản

Hiện nay, trên thế giới rất nhiều nước đã có Luật Thuế tài sản. Ví dụ như ở Mỹ, hiện đang thực hiện đánh thuế nhà ở với các mức thuế suất của từng bang, quận khác nhau, nhưng trung bình với mức thuế khoảng 1% tính trên giá trị tài sản (thường dựa vào giá mua).

Ở Việt Nam cho đến nay chưa áp dụng đánh thuế tài sản nhà ở. Vì vậy, hiện nay Bộ Tài chính đề xuất quy định đánh thuế tài sản theo thông lệ của nhiều nước trên thế giới là hợp lý, cần thiết. Việc ra đời Luật Thuế tài sản (trong đó có thực hiện đánh thuế tài sản đối với nhà ở) sẽ góp phần giúp cho thị trường bất động sản phát triển một cách lành mạnh, minh bạch, bền vững. Đồng thời, có tác dụng phòng chống đầu cơ và sử dụng lãng phí nhà đất trên thị trường bất động sản. Bởi vì, qua việc đánh thuế này, nhiều người mua là nhà đầu cơ “lướt sóng” sẽ phải cân nhắc. Từ đó cũng tạo cơ hội cho những người có nhu cầu mua nhà ở thật có thêm nguồn cung, tránh hiện tượng khan hiếm nhà “ảo” hoặc giá nhà bị đẩy cao, khiến người mua nhà ở thật không tiếp cận được.

Ngoài ra, việc đánh thuế tài sản nhà ở sẽ giúp một bộ phận người dân cũng như nhà đầu tư thay vì đầu tư vào bất động sản thì có thể chuyển dịch nguồn vốn sang đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ…, sẽ có lợi cho nền kinh tế.

Đề xuất mức thuế suất thuế tài sản đối với nhà ở thuộc đối tượng chịu thuế, áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng; phần giá tính thuế đối với nhà trên 700 triệu đồng là 0,4%, tôi cho là phù hợp xét theo giá nhà và mức thu nhập trung bình của người dân Việt Nam hiện nay.

* Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh:

Thuế tài sản phù hợp với thông lệ quốc tế

Trước đây, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cũng đã từng cho ý kiến góp ý về dự thảo Luật Thuế tài sản. Xét một cách tổng thể, theo quan điểm của hiệp hội, việc xây dựng dự án luật này là phù hợp với thông lệ quốc tế, nhiều nước trên thế giới, nhất là những nước phát triển đều có luật thuế tài sản.

Nếu ban hành Luật Thuế tài sản, trong đó có đánh thuế đối với nhà ở sẽ có những tác động nhất định đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành xây dựng, bất động sản, cũng như tâm lý người mua nhà. Điều này là dễ hiểu, bởi đây là một luật mới và người dân chưa có thói quen nộp thuế nhà. Do đó, trong giai đoạn đầu, theo kiến nghị của hiệp hội, cơ quan chủ trì soạn thảo nên cân nhắc mức thuế suất phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận người dân Việt Nam. Đồng thời, theo tôi, việc ban hành Luật Thuế tài sản là cần thiết, nhưng lộ trình nên áp dụng từ năm 2020 trở đi.

Minh Anh – Thiện Trần (thực hiện)
Thoibaotaichinh