Ban hành Quy chế đánh giá đối với kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN

Ban hành Quy chế đánh giá đối với kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN

Tại Quyết định số 1529/QĐ-BTC ngày 09/8/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Quy chế đánh giá đối với kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN.



Với kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN được xây dựng dựa trên các cam kết của Việt Nam tại thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kế toán, kiểm toán trong ASEAN.

Theo quy định tại Thỏa thuận, một người có quốc tịch của một nước thành viên ASEAN có đủ tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn và đáp ứng các yêu cầu quy định của Quy chế này có thể đăng ký để được ghi tên vào Đăng bạ Kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN (ACPAR) và nhận danh hiệu ASEAN CPA.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý nghề nghiệp tại mỗi quốc gia thành viên ASEAN (ở Việt Nam là Bộ Tài chính) sẽ ủy quyền cho Ủy ban Giám sát của nước mình (ở Việt Nam là Ủy ban Giám sát của Việt Nam) tiếp nhận hồ sơ, thực hiện quy trình đăng ký của các ASEAN CPA để trình Ủy ban điều phối kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN xem xét phê duyệt và duy trì Đăng bạ ASEAN CPA của quốc gia mình theo quy định của Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về dịch vụ kế toán, kiểm toán trong ASEAN.

Theo Quy chế, ứng viên có thể đăng ký công nhận là ASEAN CPA phải đáp ứng được tất cả các tiêu chuẩn gồm: Có chứng chỉ kiểm toán viên Việt Nam hoặc chứng chỉ kế toán viên Việt Nam; Có thời gian công tác thực tế về kế toán, kiểm toán, tài chính ít nhất 3 năm trong giai đoạn 5 năm liên tục kể từ khi được cấp bằng tốt nghiệp đại học tới thời điểm nộp đơn đăng ký công nhận là ASEAN CPA; Tuân thủ và đảm bảo chương trình cập nhật kiến thức (CPD); Không vi phạm nghiêm trọng các quy định về chuyên môn và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán của Việt Nam và quốc tế.

Quy chế nêu rõ, tất cả các ứng viên đăng ký công nhận là ASEAN CPA và các ASEAN CPA đều phải tuân thủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán của Việt Nam và quốc tế; tuân thủ các quy định về đạo đức, hành vi do Việt Nam và các nước khác nơi ASEAN CPA hành nghề đã lập ra và có hiệu lực.

ASEAN CPA sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với các hoạt động trong quá trình hành nghề kế toán, kiểm toán. Trong quá trình hành nghề kế toán, kiểm toán, ứng viên không được vi phạm nghiêm trọng các quy định về chuyên môn và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán ở Việt Nam hoặc ở nước khác.

Ủy ban Giám sát của Việt Nam thay mặt Ủy ban điều phối kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN thực hiện quy trình đăng ký theo quy định của Thỏa thuận về việc đánh giá kinh nghiệm thực tế làm kế toán, kiểm toán, tài chính của ứng viên.

Đồng thời, Ủy ban Giám sát của Việt Nam phải đảm bảo rằng các tài liệu có liên quan đến việc đánh giá ứng viên để trở thành ASEAN CPA được cung cấp khi có yêu cầu của Ủy ban điều phối kế toán viên chuyên nghiệp tiêu chuẩn ASEAN