Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: thu ngân sách nhà nước ngày càng bền vững

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: thu ngân sách nhà nước ngày càng bền vững

Chiều 31/10, tại phiên thảo luận của kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV về tình hình kinh tế – xã hội và NSNN, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã tham gia giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Thu NSNN 4 năm đều vượt dự toán

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, thu NSNN 4 năm qua đều vượt dự toán, trong đó năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp vượt thu của ngân sách trung ương. Các chỉ tiêu tổng thu, tỷ lệ huy động vào NSNN và cơ cấu thu nội địa cơ bản đạt mục tiêu của kế hoạch 5 năm.

Theo đó, tổng thu 5 năm 2016 – 2020 ước đạt kế hoạch là 6,8 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ huy động thu vào NSNN đạt 24,4% GDP, trong đó từ thuế, phí xấp xỉ 21% GDP. Tỷ trọng thu nội địa đến năm 2020 đạt gần 84% trong tổng thu NSNN.

Về chi, cơ cấu chi NSNN chuyển dịch tích cực, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch 5 năm. Trong đó, tỷ trọng dự toán chi cho đầu tư phát triển đều tăng dần. Dự toán năm 2017 là 25,7%, đến 2020 là 26,9% và thực hiện 5 năm 2016 – 2020 ước đạt 27 – 28% tổng chi NSNN trong khi mục tiêu đề ra là 25 – 26%.

Tổng chi đầu tư phát triển NSNN 5 năm ước đạt thực tế là 2,15 triệu tỷ đồng, gồm cả nguồn tăng thu của NSNN, vượt mức kế hoạch đề ra là 2 triệu tỷ đồng.

Tỷ trọng dự toán chi thường xuyên giảm dần, dự toán năm 2017 là 64,4% thì đến năm 2020 dự kiến là 60,5% (nếu được QH thông qua), thấp hơn so với mục tiêu của kế hoạch 5 năm là 64%, trong khi vẫn bảo đảm nguồn thực hiện cải cách tiền lương tăng khoảng 7%/năm theo Nghị quyết của Quốc hội và các nhiệm vụ chi cho quốc phòng – an ninh, chính sách an sinh xã hội cấp thiết khác.

Dự toán cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trên cơ sở quán triệt yêu cầu sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp, qua đó cơ cấu lại nguồn để ưu tiên bố trí thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội. Lũy kế 5 năm đã giảm chi thường xuyên cho các nhiệm vụ này của NSNN là khoảng 27-28 nghìn tỷ đồng.

Trong thời gian tới, cần tiếp tục cơ cấu lại NSNN trên cơ sở đẩy mạnh thực chất hơn nữa nhiệm vụ sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cắt giảm các nhiệm vụ chi không cần thiết, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng của NSNN.

Bội chi NSNN đã được kiểm soát cả số tuyệt đối và số tương đối. Năm 2020 dự toán bội chi là 3,44% GDP. Như vậy, bình quân cả giai đoạn 2016 – 2020 là 3,6 – 3,7% GDP, vượt mục tiêu đề ra cả giai đoạn là 3,9% và năm 2020 dự kiến bội chi dưới 3,5% GDP.

Nhờ kiểm soát tốt bội chi, các khoản vay bảo lãnh của Chính phủ nên tốc độ tăng nợ công đã giảm hơn một nửa và tăng thấp hơn tốc độ tăng GDP danh nghĩa. Nếu như giai đoạn 2011 – 2015 tốc độ tăng nợ công là 18,1%/năm trong khi GDP danh nghĩa là 14,5%/năm, thì giai đoạn năm 2016 – 2018 tốc độ tăng nợ công 8,2%/năm trong khi GDP danh nghĩa là 9,7%/năm. Nhờ vậy, tỷ lệ nợ công đến cuối năm 2020 ước tính là 54,3% GDP, trong khi năm 2016, năm đầu của thời kỳ là 63,7% GDP. Kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ tăng bình quân từ mức 3,9 năm của năm 2011 lên mức 13,5 năm của 9 tháng đầu năm 2019.

Tỷ lệ huy động từ thuế, phí có xu hướng giảm dần

Tuy nhiên, công tác thu NSNN cũng còn gặp nhiều khó khăn như nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu. Trong đó, tỷ lệ huy động từ thuế, phí có xu hướng giảm dần. Năm 2019 – 2020 chưa đạt mục tiêu là 21% GDP, mặc dù bình quân cả giai đoạn đạt mục tiêu là 21% GDP. Nguyên nhân chủ yếu là do đóng góp từ thu xuất nhập khẩu và dầu thô giảm rất nhanh. Bình quân giai đoạn 2006 – 2010, 2 khoản thu này đóng góp khoảng 10,5% GDP thì đến giai đoạn 2011 – 2015 còn 7,3% GDP và đến giai đoạn 2016-2020 giảm còn 4,5% GDP; dự kiến năm 2019 còn 4,2% GDP; năm 2020 còn 3,6% GDP.

Trong khi triển khai các giải pháp điều chỉnh chính sách thu theo kế hoạch 5 năm gặp nhiều khó khăn, trong kế hoạch 5 năm 2016-2020 đặt ra yêu cầu điều chỉnh chính sách thu để thu tăng thêm khoảng 300 nghìn tỷ đồng để bù đắp khoản thu từ xuất nhập khẩu và dầu thô. Bên cạnh đó, năng lực sản xuất của một số ngành đã đi vào ổn định, khó đạt mức tăng trưởng cao như dự toán năm 2020.

Cùng với đó, thu nội địa của một số địa phương trọng điểm có điều tiết về NSTW tổng số thu chiếm 2/3 tổng thu nội địa của cả nước tăng rất chậm, như Hà Nội thu nội địa của năm 2017 tăng 17,6%, nhưng đến năm 2020 chỉ tăng còn 6,5%. TP HCM năm 2017 thu nội địa tăng 15,7% nhưng đến năm 2020 chỉ còn 12,3% và tương tự Bình Dương, năm 2017 là 17,3% và năm 2020 còn 9,9%. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến cân đối thu của NSTW gặp khó khăn. 5 năm 2016-2020 ước đạt 55-56% tổng thu NSNN, thấp hơn mục tiêu đề ra.

Để cải thiện vấn đề này, thời gian qua, Bộ Tài chính đã và đang nghiên cứu để tiếp tục điều chỉnh chính sách thu, vừa đảm bảo tính cạnh tranh của môi trường đầu tư, đồng thời huy động hợp lý cho NSNN phù hợp với thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng tăng cường các giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chống chuyển giá, thu hồi nợ đọng thuế, hoàn thành các mục tiêu của kế hoạch 5 năm ở mức cao nhất; nghiên cứu để xây dựng, hoàn chỉnh chính sách thu, các quy định phân cấp nguồn thu giữa các cấp ngân sách theo hướng đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.

Đối với một số ý kiến cho rằng, thu NSNN chưa thực sự bền vững, thu NSNN vượt dự toán trong khi thu từ sản xuất kinh doanh không đạt dự toán, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, đúng là thu NSNN 4 năm qua luôn vượt dự toán và thu của 3 khu vực kinh tế không đạt dự toán. Ở đây có nguyên nhân chủ quan của việc giao dự toán. Những năm qua, do thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu giảm nhanh, dự toán năm 2020 thu từ dầu thô chiếm 2,3% tổng thu NSNN; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 13,8% và thu từ tiền sử dụng đất chiếm 6%, cho nên dự toán thu hàng năm tập trung vào 3 khu vực kinh tế chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu NSNN. Dự toán năm 2020, 3 khu vực kinh tế này chiếm 45% tổng thu ngân sách và cũng tập trung vào các địa phương trọng điểm kinh tế.

Về vấn đề này, năm 2018, Bộ Tài chính đã báo cáo Quốc hội và từng bước điều chỉnh sát hơn với thực tiễn, thể hiện, số địa phương không đạt dự toán thu nội địa không kể tiền đất và xổ số kiến thiết đã giảm trong những năm gần đây. Cụ thể, nếu như năm 2017 là 34 địa phương, thì đến năm 2018 còn 22 địa phương và dự kiến năm 2019 còn 15 địa phương.

Tuy nhiên, việc dự báo nguồn thu ở địa phương cũng có nhiều khó khăn, như khi xây dựng dự toán, đánh giá trong năm tới năng lực sản xuất của địa phương sẽ tăng lên do 1 hoặc 2, hoặc 3 dự án mới đi vào hoạt động, nhưng thực tế chậm tiến độ dẫn đến giảm thu trong năm. Hay một số địa phương có thủy điện vừa và nhỏ phụ thuộc nhiều vào thời tiết và kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, xét về mặt bền vững của ngân sách, thì thu NSNN ngày càng bền vững hơn.

Thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn là khoản thu quan trọng, cốt lõi. Dự toán thu nội địa năm 2020 ở mức 83,6% tổng thu NSNN, trong đó thu từ 3 khu vực kinh tế đạt gần 45% tổng thu NSNN và năm 2017 mới đạt 39%, tỷ lệ này đang tăng rất nhanh. Thu tiền sử dụng đất năm 2020 chỉ chiếm 6% và thu quyền khai thác khoáng sản chỉ chiếm 0,3% tổng thu NSNN.

Chủ động rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các luật thuế

Về điều chỉnh chính sách thuế, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, tỷ trọng đóng góp thu từ hoạt động xuất nhập khẩu có xu hướng giảm do tác động của việc thực hiện các cam kết hội nhập. Cùng với mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng cũng đã có những tác động đáng kể đến việc cơ cấu lại thu NSNN.

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các luật thuế. Thu thập kinh nghiệm quốc tế để xây dựng đề án Luật sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, gồm: thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường theo đúng quy định. Dự án luật đã đưa ra các nội dung nhằm giải quyết các bất cập, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, mở rộng cơ sở thuế, như là vấn đề rà soát, sửa đổi tổng thể chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và các vướng mắc như một số đại biểu Quốc hội nêu như chuyển các mặt hàng phân bón máy móc, thiết bị chuyên dùng nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng sang đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.

Các luật thuế nêu trên là các luật rất quan trọng có tác động lớn tới nhiều mặt của đời sống kinh tế- xã hội. Việc nghiên cứu, sửa đổi, cần có sự đánh giá thấu đáo, phù hợp với các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, do vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục rà soát đánh giá tổng thể, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để báo cáo với Chính phủ, Quốc hội trong thời gian tới. Các nội dung trên, Bộ Tài chính cũng đã tham mưu để đưa vào báo cáo chính trị và báo cáo kinh tế- xã hội để định hướng cho giai đoạn tiếp theo 2021-2025.

Về công tác chống thất thu và thu hồi nợ đọng thuế, trong 10 tháng đầu năm 2019, toàn ngành tài chính đã thực hiện hơn 73,9 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó, kiến nghị xử lý tài chính hơn 48,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thu nộp vào NSNN 14,8 nghìn tỷ đồng, kiến nghị tài chính khác là 33 nghìn tỷ đồng, riêng số giảm lỗ là 29,9 nghìn tỷ đồng, số thực nộp vào NSNN là 10,3 nghìn tỷ đồng.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã và đang đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và người dân. Về công tác thu hồi nợ đọng thuế, trong tổng số tiền nợ thuế do ngành thuế quản lý tính đến hết tháng 10/2019 thì nợ có khả năng thu chiếm 52,2%, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm 2018; nợ không có khả năng thu hồi chiếm 47,8% và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ đọng có khả năng thu trên tổng thu nội địa đã giảm. Nếu năm 2015 là 7,7% thì đến cuối tháng 10/2019 còn 3,65%.

Minh Huệ
TCT