Bước chuyển đổi số thành công tại 06 tỉnh, thành phố triển khai hóa đơn điện tử giai đoạn 1

Bước chuyển đổi số thành công tại 06 tỉnh, thành phố triển khai hóa đơn điện tử giai đoạn 1

Ngày 13/6/2019, Quốc hội khoá XIV đã thông qua Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 với hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020. Riêng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2022. Theo đó, kể từ ngày 01/7/2022, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên toàn quốc sẽ áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử.

Với mục tiêu đến ngày 1/7/2022 toàn bộ người nộp thuế sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã phê duyệt việc tổ chức thực hiện triển khai áp dụng hóa đơn điện tử theo lộ trình 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 tại địa bàn 6 tỉnh, thành phố (gồm Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định, Phú Thọ) từ tháng 11/2021; Giai đoạn 2 tại địa bàn 57 tỉnh, thành phố còn lại từ tháng 04/2022.

Với chủ trương đó, ngày 21/11/2021, Tổng cục Thuế đã chính thức kích hoạt Hệ thống Hóa đơn điện tử, triển khai áp dụng giai đoạn 1. Diễn ra chỉ trong hơn 4 tháng qua, giai đoạn 1 triển khai hoá đơn điện tử tại 6 địa phương gồm: Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định, Phú Thọ. Tuy nhiên, đây là các tỉnh, thành phố chiếm khoảng 60% số lượng doanh nghiệp và khoảng 70% lượng hóa đơn điện tử của cả nước.

Thời gian gấp rút, khối lượng công việc đồ sộ, những bước chuyển đổi mạnh mẽ, đòi hỏi ngành Thuế tập trung nguồn nhân lực lớn tại các Cục Thuế có nhiều kinh nghiệm trong triển khai hệ thống Công nghệ thông tin nhằm hoàn thành công tác triển khai theo đúng chỉ đạo của Bộ Tài chính. Việc lựa chọn 6 tỉnh, thành phố này đáp ứng yêu cầu triển khai đối với tất cả các loại hình người nộp thuế khác nhau từ doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ, xuất khẩu, đến hộ kinh doanh, doanh nghiệp tại các địa bàn khó khăn; đảm bảo mô hình triển khai từ Cục Thuế nhỏ đến các Cục Thuế lớn.

Kể từ thời điểm công bố, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo, phối hợp với 6 Cục Thuế triển khai tiếp nhận và xử lý tờ khai đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử của doanh nghiệp, tiếp nhận và cấp mã cơ quan thuế cho hóa đơn điện tử của doanh nghiệp thuộc trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã; tiếp nhận dữ liệu hoá đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế,….Trong suốt quá trình triển khai, Tổng cục Thuế và các Cục Thuế đã tổ chức tiếp nhận, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các vướng mắc thông qua hệ thống đường dây nóng, kênh hỗ trợ điện tử, chatbot… Tổng cục Thuế cũng tổ chức công tác quản trị, vận hành hệ thống Hóa đơn điện tử 24/7 đảm bảo hoạt động ổn định để không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của người nộp thuế.

Hệ thống ứng dụng hóa đơn điện tử của ngành thuế mang tính hiện đại, an toàn, bảo mật cao, có thể xử lý hàng triệu giao dịch theo thời gian thực, có khả năng xử lý khối lượng dữ liệu lớn khoảng 10 tỷ hoá đơn mỗi năm.

Để triển khai được hệ thống ứng dụng hóa đơn điện tử, Tổng cục Thuế cũng đã đánh giá, lựa chọn và công khai các tổ chức cung cấp dịch vụ giải pháp, dịch vụ truyền nhận, lưu trữ hóa đơn điện tử. Các tổ chức này đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người nộp thuế sử dụng hóa đơn điện tử. Hiện nay, Tổng cục Thuế đã kết nối với 25 Tổ chức nhận, truyền và lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử và đăng tải công khai thông tin của 25 Tổ chức truyền nhận và 85 Tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Kết quả triển khai giai đoạn 1, tính đến ngày 31/3 năm nay, hầu hết người nộp thuế đang sử dụng hóa đơn đã chuyển đổi thành công sang sử dụng hóa đơn điện tử; gần 442 nghìn tổ chức, doanh nghiệp tại 6 tỉnh, thành phố; trên 20 nghìn cá nhân, hộ, cá nhân kinh doanh; trên 58 triệu hoá đơn đã được tiếp nhận, xử lý thông tin đăng ký hóa đơn điện tử trên Hệ thống. Những con số biết nói cho thấy sự thần tốc của hệ thống hoá đơn điện tử chỉ sau vài tháng triển khai giai đoạn 1.

Qua thời gian sử dụng hóa đơn điện tử, những tổ chức, cá nhân trên địa bàn 06 tỉnh, thành phố triển khai giai đoạn 1 cũng đã nhận định việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp giảm tới 70% các bước quy trình phát hành, 90% các tranh chấp liên quan đến hóa đơn, rút ngắn tới 99% thời gian thanh toán, quản lý hóa đơn, tiết kiệm 80% chi phí cho mỗi hóa đơn; Giúp người mua dễ dàng tra cứu và đối chiếu được hóa đơn điện tử do người bán cung cấp; Hỗ trợ kiểm soát hoạt động kinh doanh hàng ngày, theo dõi được hóa đơn sử dụng trong kỳ một cách dễ dàng…

Với kinh nghiệm triển khai hóa đơn giai đoạn 1, để hóa đơn điện tử được bao phủ trên toàn quốc, đến cả địa bàn vùng sâu vùng xa, trong thời gian tới ngành Thuế cần sự chung tay của các sở, ban, ngành, các tổ chức tiếp tục triển khai hoá đơn điện tử trên toàn quốc giai đoạn 2