Các giải pháp Hỗ trợ Người nộp thuế và Quản lý thu NSNN

Các giải pháp Hỗ trợ Người nộp thuế và Quản lý thu NSNN

Hiện nay, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) đang diễn biến phức tạp, khó lường và chưa dự báo được thời điểm kết thúc, mức độ cũng như phạm vi ảnh hưởng. Đến nay, dịch bệnh đã và lây lan ra trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã và đang ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến nhiều quốc gia và đã có những ảnh hưởng rõ rệt đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta như du lịch, vận tải, hàng không, khai thác cảng, xuất nhập khẩu, sản xuất nông, lâm, thủy hải sản, sản xuất chế biến,…Một số ngành, lĩnh vực bước đầu bị ảnh hưởng, do thiếu hụt lao động tạm thời, gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào, nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đã có dấu hiệu thu hẹp sản xuất kinh doanh, theo đó, ảnh hưởng trực tiếp đến thu thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TTĐB, phí, lệ phí … tại nhiều địa phương trong cả nước.

Để tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền về các giải pháp tháo gỡ kịp thời khó khăn cho DN trong sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn tăng thu bền vững cho NSNN, đồng thời chỉ đạo cơ quan thuế các cấp triển khai mạnh mẽ các giải pháp quản lý thu theo thẩm quyền, tháo gỡ khó khăn ngay cho các DN và quản lý chặt chẽ nguồn thu còn dư địa khai thác tăng thu cho NSNN, ngay từ đầu tháng 2/2020, Cơ quan thuế đã tổ chức đánh giá tác động của tình hình dịch bệnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh, trên cơ sở đó đã tham mưu, dự báo số thu NSNN sát thực tế phát sinh kinh tế theo các kịch bản tăng trưởng kinh tế do Bộ Kế hoạch và đầu tư đánh giá. Để báo cáo Bộ Tài chính, Chính phủ có những giải pháp ứng phó, chủ động trong điều hành chính sách tài chính, tiền tệ và cân đối các mục tiêu phát triển kinh tế vĩ mô, khôi phục nền kinh tế để tăng thu NSNN khi dịch bệnh kết thúc.

Cụ thể, theo đánh giá sơ bộ, trong trường hợp kinh tế giảm 0,55 điểm % so với kế hoạch đề ra thì số thu NSNN do cơ quan thuế quản lý giảm khoảng 2% so với dự toán đã được Quốc hội giao, nếu kinh tế giảm sâu hơn, giảm khoảng 0,84 điểm % thì thu NSNN do cơ quan thuế quản lý dự báo giảm khoảng 2,8-3% so với dự toán. Đây mới chỉ là đánh giá bước đầu tại thời điểm đầu tháng 2/2020, khi đó dịch Covid-19 mới chỉ bùng phát tại Trung Quốc là lây lan sang khoảng 20 quốc gia. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, dịch bệnh đã lây lan trên toàn cầu tại hơn 100 quốc gia với trên 135 nghìn người nhiễm bệnh và gần 5 nghìn người tử vong. Ngày 11/3/2020, Tổ chức y tế thế giới đã công bố tình trạng đại dịch toàn cầu, các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam ngoài Trung Quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu đều bùng phát dịch bệnh ở mức độ nghiêm trọng, theo đó, dự báo ảnh hưởng của dịch bệnh đến kinh tế Việt Nam sẽ có thể nặng nề hơn nữa.

Trước tình hình đó, Tổng cục Thuế đã chủ động phối hợp với các đơn vị thuôc Bộ Tài chính tổ chức rà soát tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh đến từng lĩnh vực, ngành nghề để tham mưu cho Chính phủ ban hành các giải pháp hỗ trợ về tiền thuế, tiền thuê đất cho những đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Theo đó, đã tham mưu cho Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành gói hỗ trợ DN khoảng trên 40.000 tỷ đồng trong đó:

– Hỗ trợ gia hạn thuế GTGT và tiền thuê đất đối với các nhóm ngành, lĩnh vực chịu tác động lớn của dịch bệnh như: hàng không, vận tải, kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, nông nghiệp, sản xuất điện tử, máy vi tính, sản xuất xe ô tô (trừ ô tô dưới 9 chỗ ngồi)…và các DN nhỏ và siêu nhỏ, hộ, cá nhân kinh doanh[1], theo đánh giá của tổng cục Thuế, tổng gói hỗ trợ gia hạn thuế GTGT và tiền thuê đất khoảng 30.000 tỷ đồng. Số thuế GTGT và tiền thuê đất này sẽ được gia hạn trong thời gian 5 tháng và sẽ được nộp vào thời điểm tháng 12/2020. Cơ quan thuế sẽ bố trí lực lượng để tiếp nhận hồ sơ xin gia hạn của NNT và triển khai thực hiện việc gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất của NNT.

– Chính phủ thực hiện nâng mức chiết trừ gia cảnh đối với bản thân người nộp thuế TNCN và người phụ thuộc[2]. Theo Tổng cục Thuế đánh giá mức giảm thu NSNN khi thực hiện chính sách này giảm trừ gia cảnh theo mức mới khoảng 10.300 tỷ đồng.

Để hỗ trợ DN, ngoài việc rà soát, đánh giá tình hình, cung cấp dữ liệu để Bộ Tài chính trình Chính phủ có cơ sở quyết định gói hỗ trợ về tài khóa cho DN là trên 40.000 tỷ đồng nêu trên, để phấn đấu thực hiện nhiệm vụ thu NSNN ở mức cao nhất có thể, tạo nguồn NS để Chính phủ cân đối, triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đã đề ra, đồng thời có nguồn lực phục vụ công tác phòng chống, dập dịch nhanh, giúp DN nhanh chóng khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nguồn tăng thu cho NSNN, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp triển khai các giải pháp sau:

– Tập trung tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển ổn định, vững chắc, thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh ngay sau khi dịch Covid-19 được khống chế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo cơ sở để tăng thu cho NSNN.

– Tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, duy trì dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử. Đảm bảo hệ thống CNTT thông suốt 24/7 để hỗ trợ NNT thực hiện nghĩa vụ với NSNN từ khâu đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử mà không cần phải đến trực tiếp cơ quan thuế, giảm thời gian thực hiện các thủ tục tạo thuận lợi cho NNT thực hiện nghĩa vụ với thu NSNN.

– Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan công an, hải quan, quản lý thị trường để kiểm soát chặt chẽ về giá cả hàng hóa, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, qua đó chống thất thu ngân sách, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng để khuyến khích, thu hút đầu tư trên địa bàn, tạo nguồn tăng thu cho NSNN.

– Rà soát chặt chẽ, hồ sơ khai thuế của NNT trước khi tiến hành thanh tra, kiểm tra tại trụ sở NNT, không tổ chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm, tuy nhiên, không để doanh nghiệp lợi dụng chủ trương này vi phạm pháp luật.

– Tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban ngành và các đơn vị của nội bộ ngành Thuế trong chia sẻ thông tin, kinh nghiệm để quản lý hiệu quả hơn hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng internet như: Facebook, zalo, youtube,… để chống thất thu, mở rộng cơ sở thuế, chống sói mòn nguồn thu, tăng thu cho ngân sách nhà nước.

– Tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ thuế; kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế giá trị gia tăng; khai thác tăng thêm nguồn thu thông qua việc mở rộng cơ sở thuế, rà soát các dự án hết thời gian ưu đãi thuế, các dự án mới phát sinh, các khoản truy thu theo kiến nghị của cơ quan Kiểm toán, Thanh tra;… nhằm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào NSNN./.

[1] Gia hạn thuế GTGT phải nộp các tháng 3, 4, 5, 6, thuế GTGT quý I và quý II (đối với DN khai nộp thuế GTGT theo quý) trong thời gian 5 tháng đối với các nhóm ngành: nông, lâmm thủy sản, sản xuất, chế biến thực phẩm, dệt may, da giày, sản xuất sản phẩm từ cao su, sản xuất điện tử, máy vi tính, sản xuất lắp ráp ô tô (trừ ô tô dưới 9 chỗ ngồi), vận tải đường sắt, đường bộ, đường thủy, hàng không, dịch vụ kho bãi và hỗ trợ vận tải, dịch vụ lưu trú, ăn uống, hoạt động du lịch; các DN nhỏ và siêu nhỏ; gia hạn thuế GTGT, TNCN phải nộp quý I và quý II đối với hộ, cá nhân kinh doanh phải nộp trước ngày 15/12/2020; Gia hạn tiền thuê đất phải nộp kỳ I năm 2020 đối với các nhóm DN, tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng nêu trên trong thời gian 5 tháng và phải nộp trước ngày 15/12/2020.

[2] Mức giảm trừ cho bản thân người lao động từ 9 triệu lên 11 triệu đồng/người, cho người phụ thuộc từ 3,6 triệu lên 4,4 triệu đồng/người.