Các nhân tố ảnh hưởng đến vận dụng phương pháp ABC tại các doanh nghiệp sản xuất thép trên địa bàn TP.HCM

Các nhân tố ảnh hưởng đến vận dụng phương pháp ABC tại các doanh nghiệp sản xuất thép trên địa bàn TP.HCM

{Bài viết đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán (ISSN 1859 – 1914), số 208 + 209, Tháng 1+2/2021 của PGS.TS. Trần Văn Tùng, Ths. Ngô Ngọc Nguyên Thảo, Ths. Trần Phương Hải – Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH)}.

Trong phạm vi bài viết này, nhóm tác giả sử dụng kết hợp phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng trên cơ sở sử dụng việc kiểm định độ tin cậy Cronbach’s Alpha, kiểm định nhân tố khám phá (EFA) và phân tích hồi quy, nhằm kiểm chứng các nhân tố ảnh hưởng đến việc việc vận dụng phương pháp ABC tại các doanh nghiệp sản xuất thép trên địa bàn TP.HCM. Từ đó, đề xuất các kiến nghị, nhằm có thể vận dụng phương pháp này cho các doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 5 nhân tố bao gồm: Nhận thức của nhà quản trị; Kỹ thuật vận dụng; Trình độ nhân viên kế toán; Huấn luyện đào tạo; Nguồn lực thực hiện. Đều tác động cùng chiều đến việc vận dụng phương pháp chi phí ABC tại các doanh nghiệp sản xuất thép trên địa bàn TP.HCM, trong đó, nhân tố nhận thức của nhà quản trị tác động mạnh nhất.
Từ khóa: Kế toán quản trị, phương pháp ABC, cơ sở hoạt động, sản xuất thép, TP.HCM.


1. Đặt vấn đề
Hệ thống kế toán chi phí truyền thống ngày càng bộc lộ rõ nét những hạn chế trong thực tiễn. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, những dây chuyền sản xuất tự động đã trở nên phổ biến, nhiều loại sản phẩm được sản xuất ra hàng loạt, chi phí lao động chiếm tỷ trọng ngày càng nhỏ trong tổng chi phí sản xuất, trong khi chi phí quản lý và sản xuất ngày càng tăng dần lên và chiếm tỷ trọng lớn, cho nên phân bổ chi phí gián tiếp dựa trên tiêu thức phân bổ đơn giản trở nên không còn phù hợp nữa.
Theo Kaplan and Cooper (1998), ứng dụng phương pháp tính giá thành dựa trên cơ sở hoạt động ABC (Activity Based Costing), gọi tắt là phương pháp ABC, có thể giúp nhân viên nắm rõ toàn bộ chi phí liên quan, giúp họ có thể phân tích chi phí và xác định những hoạt động nào mang lại giá trị cộng thêm và hoạt động nào không mang lại giá trị, qua đó cải thiện hiệu quả hoạt động. Đây là một quy trình hoàn thiện liên tục, bắt đầu từ việc phân tích chi phí, cắt giảm những hoạt động không tạo ra giá trị cộng thêm và qua đó đạt được hiệu suất chung. Phương pháp này giúp công ty tạo ra những sản phẩm tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của thị trường với chi phí cạnh tranh.

Phân tích lợi nhuận sản phẩm và lợi nhuận do khách hàng mang lại, phương pháp này đã góp phần tích cực vào quá trình ra quyết định của cấp quản lý. Công ty có thể nâng cao hiệu suất hoạt động và giảm chi phí mà không hy sinh giá trị mang lại cho khách hàng. Phương pháp ABC giúp công ty mô hình hóa tác động của việc cắt giảm chi phí và kiểm soát chi phí tiết kiệm được. Phương pháp ABC được áp dụng cho bất kỳ công ty nào và đều có thể tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp (DN).

2. Cơ sở lý thuyết
Khái niệm và đặc điểm của phương pháp ABC
Theo Maher (2006), ABC là công cụ quản trị dựa trên hoạt động. Trước hết, chi phí được phân bổ cho các hoạt động, sau đó sẽ phân bổ cho từng sản phẩm, dịch vụ dựa trên các hoạt động mà sản phẩm hay dịch vụ này đã tiêu dùng. ABC cung cấp thông tin về hoạt động và nguồn lực cần thiết để thực hiện chúng. Vì thế, ABC không chỉ đơn thuần là quá trình phân bổ chi phí mà còn làm thay đổi tư duy nhà quản lý từ chỗ cắt giảm chi phí sang nâng cao giá trị DN. Phương pháp chi phí dựa trên cơ sở hoạt động khắc phục được những nhược điểm của phương pháp tính giá thành theo hệ thống. Phương pháp ABC được xem là một công cụ quản lý chi phí chiến lược, giúp DN xác định hoạt động nào tạo ra giá trị, hoạt động nào không tạo ra giá trị để từ đó không ngừng cải tiến quá trình kinh doanh nhằm hạ giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN.

Theo Kaplan and Cooper (1998), phương pháp ABC có những đặc điểm sau: Giá thành theo phương pháp ABC bao gồm toàn bộ các chi phí phát sinh trong kỳ, kể cả chi phí gián tiếp như chi phí bán hàng, chi phí quản lý DN; Phương pháp ABC phân bổ chi phí phát sinh vào giá thành mỗi sản phẩm dựa trên mức chi phí thực tế cho mỗi hoạt động và mức độ đóng góp của mỗi hoạt động vào quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; Phương pháp ABC sử dụng một hệ thống các tiêu thức phân bổ được xây dựng trên cơ sở phân tích chi tiết mối quan hệ nhân quả giữa chi phí phát sinh cho từng hoạt động và mức độ tham gia của từng hoạt động vào quá trình sản xuất và kinh doanh sản phẩm. Cho nên, phương pháp ABC sẽ giúp cho người quản lý đưa ra những quyết định chính xác về giá thành sản phẩm.

Trình tự thực hiện phương pháp ABC
Nhìn chung, có rất nhiều tài liệu mô phỏng về trình tự thực hiện theo phương pháp ABC, tuy nhiên tất cả các tài liệu này đều thống nhất về các bước thực hiện chính của phương pháp này. Theo Ray H. Garrison và cộng sự (2012), dựa trên quan điểm tính phí thì quy trình thực hiện phương pháp ABC thực hiện qua 4 bước theo Hình 1.

Bước 1: Nhận diện các chi phí trực tiếp. Thông thường, đối với các DN sản xuất, chi phí được tập hợp và tính thẳng vào đối tượng chịu chi phí để tính giá thành là chi phí vật liệu, nhân công trực tiếp. Do đó, độ tin cậy về yếu tố chi phí này chiếm trong giá thành sản phẩm thường rất cao.

Bước 2: Nhận diện các hoạt động. Tuỳ thuộc vào đặc điểm sản xuất – kinh doanh và quy trình công nghệ, mỗi DN có các hoạt động tạo ra chi phí gián tiếp khác nhau. Các hoạt động đó thường xuất phát từ khâu đầu tiên của quá trình sản xuất, vận hành máy, kiểm tra sản phẩm và nghiệm thu… Do vậy, mỗi một hoạt động cần tập hợp chi phí riêng, sau đó chọn tiêu thức khoa học phân bổ chi phí vào các đối tượng tính giá thành.

Bước 3: Chọn tiêu thức phân bổ nguồn lực cho các hoạt động. Sau khi chi phí gián tiếp được tập hợp cho từng hoạt động, sẽ tiến hành phân bổ cho từng đối tượng tính giá theo các tiêu thức khoa học. Do vậy, cần chọn tiêu thức đảm bảo tính đại diện của chi phí, tiêu thức dễ tính toán, phù hợp với các nguyên tắc và chuẩn mực của kế toán Việt Nam.

Bước 4: Phân bổ chi phí các hoạt động vào các đối tượng chịu chi phí. Dựa trên chi phí của từng nhóm hoạt động, kế toán chọn các tiêu thức khoa học phân bổ chi phí cho từng sản phẩm, dịch vụ. Nếu hoạt động liên quan đến một loại sản phẩm thì kế toán kết chuyển toàn bộ chi phí đó cho đối tượng tính giá thành. Nếu hoạt động liên quan tới hai loại sản phẩm trở lên thì phải tính toán hệ số phân bổ, sau đó xác định mức phân bổ chi phí của từng hoạt động cho từng loại sản phẩm cụ thể.

3. Phương pháp nghiên cứu và mô hình nghiên cứu
3.1. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu được tiến hành thông qua 2 bước: (1) Bước 1: Nghiên cứu định tính bằng xây dựng phát triển hệ thống khái niệm/thang đo và các biến quan sát và hiệu chỉnh biến quan sát phù hợp với thực tế; Bước 2: Nghiên cứu định lượng. Sử dụng hệ số tin cậy Cronbach Alpha để kiểm định mức độ chặt chẽ mà các mục hỏi trong thang đo tương quan với nhau; Phân tích nhân tố khám phá (EFA) được sử dụng để kiểm định các nhân tố ảnh hưởng và nhận diện các yếu tố được cho là phù hợp. Đồng thời, sử dụng phân tích hồi quy tuyến tính đa biến xác định các nhân tố và mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố đến việc vận dụng phương pháp ABC cho các DN sản xuất thép trên địa bàn TP.HCM.