Các phương pháp nghiên cứu thực nghiệm thao túng lợi nhuận, kinh nghiệm từ thực tế nghiên cứu trên thế giới

Các phương pháp nghiên cứu thực nghiệm thao túng lợi nhuận, kinh nghiệm từ thực tế nghiên cứu trên thế giới

{Bài viết đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán (ISSN 1859 – 1914), số 212, Tháng 5/2021 của Th.S. Nguyễn Thanh Tùng – Khoa Kế toán, Kiểm toán – Học viện Ngân hàng}.

Báo cáo tài chính là một trong những kênh thông tin quan trọng giúp nhà đầu tư và các chủ nợ đánh giá được tình hình tài chính cũng như kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là một trong những loại báo cáo không thể thiếu, trong việc ra quyết định liên quan đến thị trường vốn. Sự minh bạch của báo cáo tài chính thúc đẩy sự tin tưởng trong các giao dịch trong thị trường vốn. Tuy nhiên, trên thực tế, báo cáo tài chính thường bị thao túng hay điều chỉnh theo các mục đích nào đó của người lập, nhất là các chỉ tiêu liên quan đến kết quả kinh doanh như thu nhập hay lợi nhuận. Bài báo trình bày tầm quan trọng của việc nghiên cứu thực nghiệm thao túng lợi nhuận cũng như các phương pháp nghiên cứu thực nghiệm của chủ đề trên, cũng như tác dụng của từng phương pháp.



Khái niệm thao túng lợi nhuận
Có nhiều cách hiểu khác nhau về vấn đề trên. Ronen & Yaari, (2008) đã tóm tắt ba xu hướng khác nhau khi xác định quản lý thu nhập hoặc thao túng lợi nhuận. Cách thứ nhất cho rằng quản lý thu nhập cải thiện lợi ích của các báo cáo tài chính (BCTC), trong khi cách thứ hai cho rằng việc quản lý thu nhập tạo ra “sự trình bày sai và gian lận” trong các báo cáo này; Cách cuối cùng đưa ra khái niệm là thao túng kế toán, để xây dựng triển vọng kinh doanh tươi sáng của công ty.

Healy & Wahlen (1999) thì đưa ra khái niệm quản lý thu nhập hay thao túng lợi nhuận là hoạt động của nhà quản lý xoay quanh việc “đánh giá trong BCTC và cấu trúc các giao dịch” trên BCTC nhằm “đánh lừa một số bên liên quan về kết quả hoạt động kinh tế cơ bản”, hoặc “ảnh hưởng đến kết quả hợp đồng” .
Tầm quan trọng của nghiên cứu thao túng lợi nhuận
Healy & Wahlen (1999) cho rằng, cần có bằng chứng thực nghiệm về việc quản lý thu nhập của các công ty trong việc ban hành các chuẩn mực kế toán hoặc BCTC. Cụ thể, các chuẩn mực và quy định ngành kế toán cần quan tâm đến các vấn đề: Tính thường xuyên của việc quản lý hay thao túng thu nhập trên BCTC đã công bố; đối tượng kế toán cụ thể và phương pháp kế toán sử dụng để quản lý thu nhập; động cơ của việc quản lý thu nhập và thời điểm các công ty thực hiện điều này; tác động của quản lý thu nhập đối với người sử dụng BCTC hoặc ảnh hưởng của nó đến việc phân bổ các nguồn lực hạn chế trong nền kinh tế như thế nào.

Bằng chứng thực nghiệm về vấn đề này, sẽ giúp cơ quan quản lý lĩnh vực kế toán – kiểm toán giảm bớt mức độ và cách thức thực hiện cũng như tác động tiêu cực của việc quản lý, thao túng thu nhập. Ví dụ, các cơ quan quản lý có thể phải ban hành các tiêu chuẩn mới hoặc sửa đổi các quy định hiện hành, nếu bằng chứng thực nghiệm cho thấy mức độ phổ biến và mức độ quản lý thu nhập đủ lớn – nó có tác động lớn đến nền kinh tế.

Ngoài ra, thao tác kế toán được sử dụng trong quản lý thu nhập giúp các cơ quan quản lý xác định hoặc tập trung vào các khoản mục hoặc chuẩn mực kế toán cần được sửa đổi. Động lực của các hoạt động quản lý thu nhập có thể cho phép người lập kế toán xác định các biện pháp, để cải thiện việc thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động đó.

Việc ban hành các quy định liên quan đến quản lý thu nhập ngày càng cần thiết. Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, sự bảo vệ của nhà đầu tư đang giảm dần do ảnh hưởng của quản lý, thao túng thu nhập, chẳng hạn như Leuz, Nanda, & Wysocki, (2003); Nabar & Boonlert-U-Thai, (2007). Bởi lẽ, việc chủ sở hữu hạn chế trong việc kiểm soát tình hình nội bộ của doanh nghiệp (DN) đã khuyến khích sự “phán xét” và “cấu trúc hóa” thông tin kinh doanh của người quản lý DN.

Các phương pháp nghiên cứu thực nghiệm thao túng lợi nhuận trên thế giới

Lựa chọn phương pháp kế toán
Theo Sun & Rath, (2010), phương pháp này thường được sử dụng, từ năm 1970-1980. Việc sử dụng phương pháp kế toán khác nhau, sẽ dẫn đến các kết quả về doanh thu và chi phí khác nhau. Ví dụ, việc lựa chọn phương pháp tính giá xuất kho hàng hóa, sản phẩm sẽ ảnh hưởng đến giá vốn hàng bán; việc lựa chọn phương pháp khấu hao tài sản cố định có ảnh hưởng đến chi phí khấu hao; các phương pháp lựa chọn ghi nhận doanh thu hợp đồng xây dựng khác nhau dẫn đến lợi nhuận kế toán từng kỳ khác nhau,… Thông thường, các tác giả sẽ sử dụng biện pháp so sánh giữa hai xu hướng làm tăng và giảm lợi nhuận bằng việc lựa chọn phương pháp kế toán thích hợp.

Cách này tuy dễ tìm ra bằng chứng nhưng mức độ sử dụng quản lý thu nhập của các DN theo cách này ít. Bởi theo Sun (2010#12) mọi điều chỉnh về chính sách kế toán đều có thể dễ phát hiện bởi quy định phải trình bày chúng trên BCTC. Cho nên, các nhà quản lý sẽ thường thao túng lợi nhuận qua các khoản dồn tích chứ không bằng thay đổi chính sách kế toán, để ít bị phát hiện hơn. Một lý do khác là, theo Healy (1985 #29) thì chi phí quản lý thu nhập bằng các khoản dồn tích là thấp hơn so với việc thay đổi một chính sách, thủ tục đang được thực thi trong công ty.

Thông qua các hoạt động sản xuất – kinh doanh thực tế
Phương pháp này được sử dụng thông qua việc nghiên cứu các hoạt động kinh doanh cụ thể, ví dụ, các công ty tập trung vào chính sách cụ thể nhằm làm có được doanh thu nhiều hơn trong kỳ hiện tại. Các khoản chiết khấu, giảm giá, khuyến mại,… làm tăng khối lượng hàng bán ra, qua đó làm tăng doanh thu trong kỳ mặc dù giá bán có thể giảm trong kỳ. Tuy nhiên, doanh thu trong kỳ sau có thể sụt giảm nếu như không còn các chính sách bán hàng đó nữa. Hay như là quyết định thanh lý tài sản cố định có thể làm gia tăng lợi nhuận trong kỳ đó của DN nhiều hơn các kỳ khác. Ví dụ như nghiên cứu của Bartov (1993) sử dụng một mô hình có hai biến độc lập là EPS và DETEQ (equal long-term liability dividing owner equity) và biến phụ thuộc là thu nhập từ việc bán tài sản đó. Kết quả nghiên cứu của Bartov (1993) chỉ ra quyết định bán tài sản có thể bị ảnh hưởng bởi cả hai biến, hay cả hai lý do thao túng lợi nhuận hoặc hệ số nợ phải trả – vốn chủ sở hữu.

Hoặc nếu như doanh thu ít có thể điều chỉnh, nhà quản lý có thể thay đổi giá vốn hàng bán trong kỳ bằng việc thay đổi giá thành sản xuất tính trên một đơn vị sản phẩm của kỳ đó. Ví dụ, họ có thể thay đổi sản lượng sản xuất của từng kỳ, qua đó làm tăng giảm chi phí sản xuất chung tính trên một đơn vị sản phẩm, theo Roychowdhury, (2006). Một trong những kết luận của tác giả này là mức độ dự trữ hàng tồn kho có mối liên hệ tích cực với quản lý thu nhập, thông qua các hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế.
Hay một cách khác, để điều chỉnh chi phí trong kỳ là việc sử dụng chi phí R&D. Nghiên cứu của Dechow & Sloan (1991) đưa ra kết luận, trong năm cuối cùng làm việc của mình, các nhà quản lý thường báo cáo ít hơn chi phí R&D nhằm mục đích tối đa hóa lợi của nhà quản lý khi nghỉ hưu. Vì các lợi ích (compensation) của các nhà quản lý khi nghỉ hưu, thường được tính toán dựa trên kết quả kinh doanh của các năm làm việc cuối cùng của họ. Do đó, họ sẽ có động lực trì hoãn ghi nhận chi phí trong các năm này. Bushee, (1998) cũng đưa ra bằng chứng về việc cắt giảm chi phí R&D, vì mục tiêu điều chỉnh thu nhập trong ngắn hạn. Động lực này sẽ tăng, nhất là ở các công ty có số lượng chủ sở hữu nhiều và thay đổi thường xuyên. Các nhà đầu tư này gây áp lực lên các nhà quản lý, trong việc trì hoãn sự sụt giảm của thu nhập báo cáo.

Tuy nhiên, theo Sun & Rath (2010), việc nghiên cứu thao túng lợi nhuận qua việc thực hiện các hoạt động sản xuất – kinh doanh là khó khăn, bởi vì thiếu một thước đo cho việc quy kết khi nào thì các giao dịch trên là theo ý chủ quan người lập.