Cần luật hóa vai trò, trách nhiệm của ngân hàng trong quản lý thuế

Cần luật hóa vai trò, trách nhiệm của ngân hàng trong quản lý thuế

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, Luật sư Hà Huy Phong – Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng, cơ quan thuế là đơn vị nòng cốt và chịu trách nhiệm chính trong hoạt động nghiệp vụ thu thuế, nhưng không phải là duy nhất.

Mọi tổ chức, cá nhân khác trong xã hội đều phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thuế trong việc thực thi nhiệm vụ chung này. Do vậy, việc phối kết hợp từ phía các ngân hàng (NH) với cơ quan thuế là điều cần phải được thực hiện. Đồng thời, nghĩa vụ phối hợp đó cần phải được luật hóa và coi đó là nhiệm vụ do Nhà nước giao chứ không phải là yêu cầu từ phía cơ quan thuế.

Sự hỗ trợ, phối hợp từ Ngân hàng Nhà nước, các NH thương mại trong việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại là hoàn toàn hợp lý và có cơ sở. Ảnh: T.L minh họa

PV: Thưa ông, tại dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) mà Bộ Tài chính vừa trình Quốc hội có quy định: NH thương mại khi tham gia phối hợp thu thuế và thu khác thuộc ngân sách nhà nước (NSNN) có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý thuế, Kho bạc Nhà nước trong việc thực hiện nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử cho người nộp thuế (NNT)… Bên cạnh đó, NH thương mại phải cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng là NNT mở tại NH cho cơ quan quản lý thuế. Ông đánh giá như thế nào về quy định này?

Ông Hà Huy Phong: Theo tôi, có lẽ chúng ta phải nói lại những nguyên tắc và vấn đề căn bản nhất của quản lý thuế để phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan khác. Chúng ta đều biết, thuế là nguồn thu chủ yếu của NSNN và để phục vụ lại hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, của toàn xã hội và của chính đối tượng nộp thuế. Do đó, mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức trong xã hội đều phải có nghĩa vụ đóng góp chung trong việc chống thất thu NSNN.

Cơ quan thuế là bộ phận nghiệp vụ do Nhà nước chỉ định và ủy quyền để thực hiện các thao tác nghiệp vụ thu và quản lý việc thu thuế đó. Cơ quan thuế là đơn vị nòng cốt và chịu trách nhiệm chính trong hoạt động nghiệp vụ thu thuế, nhưng không phải là duy nhất. Mọi tổ chức, cá nhân khác trong xã hội đều phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thuế trong việc thực thi nhiệm vụ chung này.

Chúng ta có thể sửa Luật Quản lý thuế, sửa Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng, nhưng những nguyên tắc về sự phối kết hợp giữa các cơ quan ban ngành trong việc thu thuế thì không thể thay đổi được. Do vậy, việc phối kết hợp từ phía các NH với cơ quan thuế là điều cần phải được thực hiện. Đồng thời, nghĩa vụ phối hợp đó cần phải được luật hóa và coi đó là nhiệm vụ do Nhà nước giao chứ không phải là yêu cầu từ phía cơ quan thuế.

Trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển dịch sang nền kinh tế số, nền kinh tế 4.0 và đặc biệt Bộ Tài chính đang đi đầu trong việc áp dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý, thì việc NH phối hợp với cơ quan thuế, Kho bạc Nhà nước là một việc cần làm và vì quyền lợi của đối tượng nộp thuế.

Dư luận có thể thường nghĩ nhiều về các yếu tố tiêu cực khi cơ quan thuế và NH phối hợp, hỗ trợ nhau, nhưng thực chất thì đại bộ phận NNT sẽ được hưởng lợi nhờ việc liên thông như vậy. Tuy nhiên, những hiệu quả tối ưu từ sự liên thông trên chỉ có thể đạt được khi mỗi bên đều nhận thức sâu sắc được những lợi ích của sự phối hợp với nhau, để cùng hướng đến mục tiêu là giảm bớt thủ tục hành chính, thời gian thực hiện các thủ tục, cũng như tiết kiệm chi phí cho Nhà nước và tạo thuận lợi cho NNT.

Văn minh, minh bạch là tiêu chí mà nền kinh tế và các hoạt động trong nền kinh tế của chúng ta đang hướng tới và ra sức phấn đấu để đạt được. Do đó, theo tôi, không có lý do gì mà NH lại từ chối việc phối hợp, liên thông thông tin với cơ quan thuế.

PV: Vậy nếu NH phối hợp với cơ quan thuế trong quản lý thuế có trái với chức năng của NH hay không, thưa ông?

Ông Hà Huy Phong: Việc phối hợp với cơ quan thuế không phải là một chức năng của NH, mà là một nhiệm vụ, nghĩa vụ pháp lý. Chức năng của NH là các hoạt động cung ứng vốn cho thị trường, huy động vốn và các hoạt động tiền tệ khác và đó là hoạt động thương mại theo nguyên tắc vận hành của nền kinh tế thị trường và cũng là điều kiện để NH có thể tồn tại được.

Nghĩa vụ phối hợp với cơ quan thuế là nghĩa vụ pháp lý của NH với Nhà nước, do Nhà nước quy định và có tính áp đặt theo nguyên tắc chung về quản lý hành chính. Nếu là các giao dịch trên thị trường thì có thể đạt tới sự đồng thuận dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên, nhưng trong trường hợp là yêu cầu thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, thì đó phải là sự chấp hành mệnh lệnh chứ không phải đơn thuần chỉ là thỏa thuận giữa các bên nữa. Hai việc đó hoàn toàn khác nhau nên việc NH phối hợp với cơ quan thuế không bị coi là trái với chức năng của NH.

PV: Như vậy, theo ông, việc phối hợp giữa cơ quan thuế và NH có cần luật hóa, quy định về trách nhiệm của NH trong việc phối hợp với cơ quan thuế để chống thất thu NSNN?

Ông Hà Huy Phong: Như tôi đã đề cập ở trên, việc phối hợp giữa các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ chung do Nhà nước giao là một nghĩa vụ pháp lý, tức là mang tính mệnh lệnh hành chính. Đây là quan hệ quản lý chứ không phải quan hệ giao dịch thương mại thông thường, nên không tồn tại sự mặc cả và thương lượng. Cả NH và cơ quan thuế đều phải thực thi một mệnh lệnh chung, và do đó, nghĩa vụ đó phải được quy định cụ thể, rõ ràng trong quy định của pháp luật, cụ thể là phải được quy định trong luật hoặc nghị định, chứ không thể được quy định bởi các thông tư hoặc văn bản có hiệu lực thấp hơn luật và nghị định được.

PV: Hiện nay, cũng có ý kiến cho rằng đề xuất NH tự khấu trừ thuế, hay cưỡng chế thuế trên tài khoản của khách hàng sẽ ảnh hưởng đến quyền tài sản của tổ chức, cá nhân theo Hiến pháp và các quy định pháp luật khác. Ông có đồng ý với điều này?

Ông Hà Huy Phong: Quyền tài sản của công dân là quyền được Hiến pháp bảo vệ. Không ai bị tước quyền tài sản của mình nếu không có một văn bản có hiệu lực của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. NH không thể tự khấu trừ hay cưỡng chế thuế trên tài khoản của khách hàng. Tuy nhiên, trong trường hợp có quy định của pháp luật (như được quy định trong luật) hoặc có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thì NH buộc phải chấp hành.

Về phía đối tượng nộp thuế, quyền của công dân là được bảo vệ tài sản, nhưng nghĩa vụ với Nhà nước thì công dân cũng phải tuân thủ nghiêm, ở đây nghĩa vụ của công dân là phải nộp thuế đầy đủ.

PV: Với góc nhìn là một luật sư chuyên nghiên cứu về luật pháp, quy định pháp luật, theo ông, các NH nên xử lý thế nào giữa trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của khách hàng và trách nhiệm tuân thủ pháp luật?

Ông Hà Huy Phong: Bảo vệ khách hàng và tuân thủ pháp luật không phải là hai hành động độc lập. Bảo vệ khách hàng cũng là một nghĩa vụ của NH mà pháp luật đã quy định, chứ không phải quy định do NH tự đề ra. Do đó, hai việc đó đều phải nhất quán và được thực hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ.

Quyền lợi của khách hàng phải là quyền lợi chính đáng, hợp pháp, được pháp luật bảo vệ. Trong trường hợp quyền lợi của khách hàng đi trái với pháp luật, vi phạm pháp luật, thì NH không được phép đồng lõa, tiếp tay, mà phải hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước khác xử lý chính hành vi vi phạm đó của khách hàng. Do vậy, NH phải quy định cụ thể và hướng dẫn, giải thích rõ ràng, đầy đủ cho khách hàng về những quyền lợi nào của khách hàng thì được NH bảo vệ và trong trường hợp nào thì NH không có trách nhiệm bảo vệ.

PV: Xin cảm ơn ông!

Diệu Thiện (thực hiện)
TBTC