Chính sách thuế phải tác động và kiểm soát thuốc lá: khuyến nghị từ SEATCA

Chính sách thuế phải tác động và kiểm soát thuốc lá: khuyến nghị từ SEATCA

Chính phủ các nước ASEAN cần hành động nhiều hơn để chính sách thuế thuốc lá trở nên hiệu quả. Đây là khuyến nghị chính được Liên minh phòng chống tác hại thuốc lá khu vực Đông Nam Á (SEATCA) đưa ra tại báo cáo “Chỉ số thuế lần thứ hai của SEATCA: Triển khai mục 6 của Công ước khung của Liên Hợp Quốc về kiểm soát thuốc lá tại các nước ASEAN”.

Chỉ số thuế thuốc lá của SEATCA là báo cáo đầu tiên trên thế giới theo dõi sự phát triển của chính sách thuế thuốc lá dựa vào mục 6 của Công ước khung của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về kiểm soát thuốc lá. Theo đó, báo cáo chỉ ra rằng, trong khi một số quốc gia đã có những bước phát triển quan trọng trong việc triển khai và áp dụng chính sách thuế thuốc lá, thì trong một vài năm trở lại đây, khu vực ASEAN lại chậm do sự phát triển kinh tế và thu nhập gia tăng. Bà Sophapan Ratanachena – Quản lý chương trình thuế thuốc lá của SEATCA cho biết, hầu hết các quốc gia đều không có chính sách thuế thuốc lá dài hạn với điều chỉnh tài chính thường xuyên và các mục tiêu y tế công cộng. Nguyên nhân tạo ra những trở ngại này là do cấu trúc thuế không hiệu quả, như hệ thống thuế nhiều tầng của Indonesia (chỉ có thuế tương đối). Bên cạnh đó, năng lực quản lý thuế yếu và sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá làm yếu đi các chính sách thuế hoặc làm giảm các nỗ lực thu thuế. Theo thống kê của SEATCA, Thái Lan hiện là nước có mức thuế bán lẻ cao nhất (70%), tiếp theo là Singapore (66.2%) và Brunei (62%), trong khi thấp nhất là Campuchia (25-31.1%) và Lào (16-19.7%). Cũng theo SEATCA, chỉ có 4 nước (Brunei, Phillipines, Malaysia, Singapore) trong 10 nước trong khu vực ASEAN đánh thuế tất cả các mặt hàng thuốc lá. Lào, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đã có quy định trích phần thu từ thuế TTĐB đối với thuốc lá cho mục tiêu nâng cao sức khoẻ và bảo hiểm y tế toàn dân.

Chính vì vậy, SEATCA kêu gọi chính phủ các nước cần triển khai các chính sách thuế thuốc lá dài hạn, bao gồm các mục tiêu y tế công cộng; áp dụng hệ thống thuế TTĐB đơn nhất, hoặc hệ thống thuế hỗn hợp bao gồm quy định mức sàn thuế thấp nhất đối với thuốc lá; đánh thuế tất cả các mặt hàng thuốc lá; yêu cầu giấy phép cho tất cả các giai đoạn của việc sản xuất và buôn bán thuốc lá; yếu cầu tất cả các công ty thuốc lá nộp bản báo cáo tài chính định kỳ; thiết lập hệ thống theo dõi, đóng dấu định danh để làm giảm rủi ro và hỗ trợ trong việc điều tra buôn bán thuốc lá lậu; cấm thuốc lá miễn thuế; triển khai bộ quy tắc ứng xử đối với các bộ, ngành và cán bộ nhà nước nhằm nghiêm cấm những tương tác không cần thiết giữa chính phủ và ngành công nghiệp thuốc lá.

Nhấn mạnh điều này, bà Ratanachena cho hay: “Tăng thuế cao, tăng cường quản lí thuế thuốc lá và bảo vệ chính sách thuế khỏi các tác động của ngành công nghiệp thuốc lá có tầm quan trọng ngang nhau trong việc bảo vệ tính mạng của người dân, tăng thu NSNN và hạn chế buôn bán lậu thuốc lá”. Mặt khác, thông tin này cũng tương đồng với nghị quyết tháng 6/2017 của Hội đồng kinh tế và xã hội Liên Hiệp Quốc (ECOSOC) nhằm chú trọng vào nghị trình Addis Ababa. Nghị trình này nhận định, thuế thuốc lá là một phương pháp quan trọng và có hiệu quả trong việc giảm sử dụng thuốc lá và giá thành chăm sóc sức khoẻ, đồng thời là một nguồn thu nhập công đề phục vụ cho mục đích phát triển tại nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, nghị trình cũng khuyến khích các cơ quan của Liên Hiệp Quốc phát triển và triển khai các chính sách phòng chống sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá để đảm bảo hiệu quả giữa những hoạt động của Liên Hiệp Quốc và ngành công nghiệp thuốc lá.

Thúy Nga
Tapchithue