Chính sách ưu đãi thuế và tác động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững

Chính sách ưu đãi thuế và tác động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững

Ưu đãi thuế là một trong những nội dung quan trọng của Việt Nam kể từ khi thực hiện mở cửa nền kinh tế. Các hình thức ưu đãi thuế ở Việt Nam khá đa dạng, bao gồm ưu đãi về thuế suất, ưu đãi về đối tượng và thời gian miễn thuế, giảm thuế hay các hình thức ưu đãi khác. Cùng với các biện pháp kinh tế, việc áp dụng các chính sách ưu đãi thuế thời gian qua đã góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp (DN) mở rộng sản xuất, hướng tới phát triển bền vững.

Để có thêm một góc nhìn về nội dung trên, Cổng TTĐT Tổng cục Thuế xin trân trọng giới thiệu bài viết của ThS. Phạm Thị Thu Hồng – Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính). Bài viết được đăng trên Tạp chí Thuế số 28 (907) ngày 11/7/2022.

Việc áp dụng các chính sách ưu đãi thuế thời gian qua đã góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy DN mở rộng sản xuất, hướng tới phát triển bền vững.

Thực trạng chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam

Theo quy định của Luật Thuế TNDN hiện hành, thuế suất thuế TNDN phổ thông là 22% (áp dụng từ 1/1/2014), riêng đối với các DN có tổng doanh thu không quá 20 tỷ đồng/năm được áp dụng thuế suất 20% từ 1/7/2013. Kể từ 1/1/2016 thì mức thuế suất thuế TNDN phổ thông là 20%. Các mức thuế suất ưu đãi khác và thời hạn áp dụng ưu đãi về thuế suất cũng được quy định cho từng đối tượng.

Cụ thể, mức 10% cho thu nhập của DN từ thực hiện hoạt động xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao và môi trường…; 15% cho thu nhập của DN trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; 17% cho thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới; 20% trong thời gian 10 năm đối với thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Ngoài ra, Việt Nam còn đang có sự ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế.

Theo đó, thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới và DN công nghệ cao, DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 9 năm tiếp theo. Thu nhập của DN thực hiện dự án đầu tư mới tại khu công nghiệp được miễn thuế tối đa không quá 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá 4 năm tiếp theo.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều (Luật 32/2013/QH13). Luật Thuế TNDN còn bổ sung quy định DN đang hoạt động có dự án đầu tư mở rộng vào lĩnh vực và địa bàn ưu đãi thuế nếu đáp ứng tiêu chí quy định của Luật. DN thực hiện chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên cho tổ chức, cá nhân ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn được giảm 50% số thuế TNDN tính trên phần thu nhập từ chuyển giao công nghệ.

Bên cạnh đó, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (SDĐPNN) có hiệu lực từ 1/1/2012 có quy định về miễn thuế đối với đất của dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư; dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; giảm 50% số thuế phải nộp đối với đất của dự án đầu tư thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư; dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.

Luật Đầu tư và Điều 6 Thông tư số 83/2016/TT-BTC quy định ưu đãi bổ sung về thuế SDĐPNN, cụ thể là: miễn thuế SDĐPNN đối với dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên; giảm 50% số thuế SDĐPNN đối với dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên (không bao gồm lao động làm việc không trọn thời gian và lao động có hợp đồng lao động dưới 12 tháng). Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được áp dụng đối với: toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp và toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho các tổ chức đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp…

Mặt khác, chính sách thuế GTGT được áp dụng đối với các loại hàng hóa, dịch vụ và thống nhất từ khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công đến thương mại. Theo đó, hầu hết các khu kinh tế đều được hưởng các chính sách thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định hiện hành. Phần lớn các ưu đãi được hưởng liên quan đến đối tượng không phải chịu thuế GTGT.

Tương tự, mức ưu đãi cao nhất về thuế xuất khẩu, nhập khẩu dành cho các khu chế xuất, hàng hóa tại khu chế xuất là đối tượng không chịu thuế xuất khẩu, nhập khẩu. Hầu hết các khu kinh tế đều được hưởng ưu đãi về miễn thuế nhập khẩu đối với các hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định trong khu kinh tế và các nguyên vật liệu trong nước chưa sản xuất được.

Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% áp dụng đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện và bộ phận phụ trợ sản xuất, lắp ráp sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm do các DN sản xuất, lắp ráp các sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm. Ngoài ra, Luật Thuế TTĐB hiện hành cũng quy định đối tượng không chịu thuế là hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan, hàng hóa từ nội địa bán vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan, hàng hóa được mua bán giữa các khu phi thuế quan với nhau, trừ xe ô tô chở người dưới 24 chỗ. Như vậy có thể thấy, chính sách ưu đãi thuế đã được cải cách từng bước rõ ràng, phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế xã hội.

Đến nay, hầu hết các quy định về ưu đãi thuế đã đảm bảo mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển, phù hợp với các cam kết quốc tế. Đồng thời, góp phần thực hiện điều tiết thu nhập của dân cư một cách hợp lý, từng bước thực hiện công bằng xã hội. Việc áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế còn góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển nguồn nhân lực và khoa học, công nghệ.

Mặc dù, ưu đãi thuế sẽ làm giảm nguồn thu NSNN trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài số tiền thuế miễn giảm sẽ được bổ sung vào nguồn vốn để DN tái đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng thêm thu nhập và sẽ tăng thuế TNDN nộp NSNN.

Giải pháp hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế

Tuy nhiên, vấn đề ưu đãi thuế vẫn còn một số bất cập, trước hết là chính sách ưu đãi vẫn còn tương đối phức tạp do phạm vi rộng và chưa ổn định do phải sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu của định hướng phát triển kinh tế xã hội và thu hút đầu tư từng thời kỳ.

Bên cạnh đó, ưu đãi thuế TNDN đối với việc phân bổ nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn mà Nhà nước khuyến khích còn hạn chế. Ngoài ra, hệ thống chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam chủ yếu dựa trên lợi nhuận, như ưu đãi về giảm mức thuế suất, áp dụng thời gian miễn thuế, giảm thuế TNDN, nên hiệu quả chưa cao, trong khi chi phí thuế bỏ ra khá lớn.

Đơn cử chi phí của việc áp dụng ưu đãi thuế không chỉ là phần giảm thu ngân sách, mà còn là các chi phí gián tiếp khác liên quan đến công tác quản lý thuế, tuyên truyền chính sách, nâng cấp các ứng dụng tin học phục vụ quản lý… và sẽ tăng cao khi chính sách thuế trở nên phức tạp hơn. Do đó, thời gian tới, chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam cần được hoàn thiện theo hướng, chỉ áp dụng có chọn lọc và ưu tiên thu hút đầu tư nhiều hơn vào khu công nghệ cao, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, dự án đầu tư thuộc lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp có ứng dụng công nghệ cao, áp dụng các biện pháp khoa học và công nghệ mới để sản xuất, chế biến.

Cùng với đó, nên định hướng ưu đãi thuế TNDN không phân biệt dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng. Đặc biệt, cần hướng tới áp dụng hình thức ưu đãi thuế TNDN mới là giảm trừ thuế theo đầu tư, cho phép tính vào chi phí được trừ ở mức cao hơn mức DN thực chi cho các khoản chi mà Nhà nước khuyến khích – như cách mà nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng.

Song song với đó, rà soát lại chính sách ưu đãi về đất đai, nhằm đảm bảo tính đồng bộ giữa pháp luật đất đai, pháp luật về đầu tư và các chính sách khác. Cần lưu ý, việc ưu đãi phải thực chất và chỉ nên thực hiện đối với các dự án đầu tư vào các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường, đầu tư vào địa bàn kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn