Chuẩn bị “khai tử” hóa đơn giấy truyền thống

Chuẩn bị “khai tử” hóa đơn giấy truyền thống

Bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế)

Luật Quản lý thuế (sửa đổi) vừa công bố hôm qua (4/7/2019), dành hẳn một chương quy định về việc áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử. “Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để ngành thuế mở rộng hóa đơn điện tử (HĐĐT) và “khai tử” hóa đơn giấy truyền thống”, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế) khẳng định.

Nghị định 119/2018/NĐ-CP (Nghị định 119) quy định về HĐĐT có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, nhưng vì sao đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn, thưa bà?

Không chỉ cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có tham gia hoạt động kinh doanh, mà bản thân ngành thuế cũng mong muốn sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 119. Là một trong những thành viên tham gia xây dựng Nghị định 119 cũng như thông tư hướng dẫn, tôi muốn mọi người chia sẻ với ngành thuế trong việc ban hành thông tư hướng dẫn có thể nói là quá chậm.

Không đơn thuần như việc xây dựng các hướng dẫn nghị định khác là cụ thể hoá cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục, hồ sơ, mẫu biểu… hướng dẫn về HĐĐT phải dựa trên nền tảng công nghệ thông tin với một hệ thống dữ liệu khổng lồ để đáp ứng yêu cầu sử dụng HĐĐT, đặc biệt là HĐĐT có mã của cơ quan thuế (HĐĐT được cơ quan thuế cấp mã trước khi tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua, bao gồm cả trường hợp hóa đơn được khởi tạo từ máy tính có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế) của mọi tổ chức, cá nhân, cơ sở kinh doanh.

Chúng tôi ước tính, mỗi năm cơ quan thuế phải xác nhận (cấp mã) hàng tỷ hoá đơn. Số lượng HĐĐT mỗi năm gia tăng thêm hàng trăm triệu do giao dịch trong nền kinh tế tăng, do số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng. Nếu không chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, sẽ dẫn đến ách tắc, gây ngưng trệ hoạt động sản xuất – kinh doanh, đặc biệt là vào những thời điểm giao dịch, thanh toán hàng hoá, dịch vụ tăng mạnh, mỗi giây có hàng ngàn giao dịch yêu cầu cấp cơ quan thuế xác nhận.

Chậm trễ hướng dẫn liệu có dẫn đến trì hoãn trong việc sử dụng HĐĐT không?

HĐĐT được bắt đầu áp dụng kể từ ngày 1/1/2011 theo quy định tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP. Năm 2015, Bộ Tài chính thí điểm áp dụng HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế đối với một số doanh nghiệp tại Hà Nội và TP.HCM. Năm 2018, sau thời gian thí điểm, Bộ Tài chính quyết định mở rộng đối tượng áp dụng HĐĐT có mã xác thực và mở rộng địa bàn áp dụng HĐĐT có mã xác thực ra ngoài Hà Nội và TP.HCM.

Nghị định 119 có hiệu lực kể từ ngày 1/11/2018, nhưng đến hết ngày 31/10/2020, Nghị định 51/2010/NĐ-CP vẫn còn hiệu lực. Theo đó, đến ngày 31/10/2020, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã thông báo phát hành HĐĐT thông thường hoặc đã đăng ký áp dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế vẫn tiếp tục sử dụng HĐĐT.

Đối với cơ sở kinh doanh thành lập sau ngày 1/11/2018, nếu đáp ứng đủ điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin, sổ sách kế toán, hoá đơn, chứng từ và được cơ quan thuế thông báo áp dụng HĐĐT thì áp dụng ngay HĐĐT, còn nếu không vẫn được sử dụng hoá đơn tự in, đặt in. Còn kể từ ngày 1/11/2020, tất cả doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cơ sở kinh doanh phải áp dụng HĐĐT theo Nghị định 119.

Như vậy, việc chưa có thông tư hướng dẫn không ảnh hưởng đến việc sử dụng HĐĐT, chính vì vậy, cơ quan thuế đang tiếp tục mở rộng đối tượng sử dụng HĐĐT, đặc biệt là HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế.

Từ nay đến ngày 1/11/2020 không còn nhiều thời gian, liệu có ban hành kịp thông tư hướng dẫn triển khai Nghị định 119 không, thưa bà?

Cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục về khởi tạo, lập, sử dụng, quản lý HĐĐT không có vấn đề gì. Tuy nhiên, khi “khai tử” hoá đơn giấy truyền thống, tất cả mọi tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và cơ sở kinh doanh đều phải sử dụng HĐĐT, đặc biệt là HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế, nên cơ quan thuế cần phải có thời gian để tổ chức xây dựng, quản lý và phát triển cơ sở dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; tổ chức thu thập, xử lý thông tin, quản lý cơ sở dữ liệu hóa đơn và bảo đảm duy trì, vận hành, bảo mật, bảo đảm an toàn, an ninh hệ thống thông tin về hóa đơn; xây dựng định dạng chuẩn về hóa đơn. Mọi việc đang tiến triển theo đúng lộ trình, nếu không có gì thay đổi thì từ ngày 1/11/2020 sẽ áp dụng HĐĐT trên toàn quốc và chính thức “khai tử” hoá đơn giấy truyền thống.

Trong trường hợp bất khả kháng, thì sau ngày 1/11/2020 vẫn triển khai song song cả Nghị định 51/2010/NĐ-CP và Nghị định 119/2018/NĐ-CP vì Luật Quản lý thuế (sửa đổi) vừa mới được Quốc hội thông qua quy định, kể từ ngày 1/7/2022 mới bắt buộc áp dụng các quy định về HĐĐT, chứng từ điện tử, còn trước thời điểm này chỉ khuyến khích áp dụng HĐĐT, chứng từ điện tử.

Theo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), kể từ ngày 1/7/2022 sẽ “khai tử” hóa đơn giấy, bắt buộc phải sử dụng HĐĐT. Đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, việc sử dụng HĐĐT không có vấn đề gì, nhưng hộ kinh doanh nhỏ chắc khá lo lắng khi bắt buộc phải sử dụng HĐĐT?

Đúng là với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế dù là siêu nhỏ, việc áp dụng HĐĐT không có vấn đề gì vì các cơ sở này đều có hệ thống máy tính kết nối Internet, chủ doanh nghiệp, người đứng đầu tổ chức kinh tế và nhân sự kế toán của các tổ chức này dễ dàng quen với việc khởi tạo, lập và sử dụng HĐĐT.

Với cá nhân kinh doanh trẻ thì việc sử dụng HĐĐT cũng không có vấn đề gì vì họ đều sử dụng smartphone và các thiết bị điện tử thông minh có kết nối Internet. Chỉ có hộ kinh doanh nhỏ và người đã lớn tuổi tham gia kinh doanh gặp khó khăn trong việc sử dụng HĐĐT, bởi vậy, cơ quan thuế sẽ tăng cường hướng dẫn, tập huấn. Ngoài ra, chúng tôi đang nghiên cứu phần mềm ứng dụng để một chiếc điện thoại thông thường cũng có thể khởi tạo được HĐĐT.

Mạnh Bôn
Baodautu