Tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử – cầu nối giữa cơ quan thuế và người nộp thuế

Tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử – cầu nối giữa cơ quan thuế và người nộp thuế

Thực hiện chủ trương “Chuyển đổi số” của Chính phủ, ngành Thuế nói riêng và ngành Tài chính nói chung đang nỗ lực cải cách, hiện đại hóa mô hình hoạt động, từ việc hoàn thiện môi trường pháp lý đến phát triển hạ tầng số, dữ liệu số và các ứng dụng, dịch vụ công quốc gia.

Một trong những giải pháp mang tính đột phá của ngành Thuế, góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo thuận lợi, giảm chi phí, tăng năng suất hoạt động của doanh nghiệp cũng như chuyển đổi cách thức tổ chức, quản lý của cơ quan thuế, đó chính là việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử theo Luật Quản lý Thuế số 38/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 13/06/2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ và Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/09/2021 của Bộ Tài chính, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2022.

Để thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử, đáp ứng mục tiêu Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, bên cạnh việc định hướng quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước, sự đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, còn có sự tham gia rộng rãi của toàn xã hội, đặc biệt là các tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử.

Theo quy định về hóa đơn điện tử, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh khi sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, sử dụng hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử. Trừ trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế không phải trả tiền dịch vụ và các tổ chức kết nối chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử theo hình thức gửi trực tiếp đến cơ quan thuế thì có thể đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử thông qua Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử là tổ chức cung cấp giải pháp trong việc khởi tạo, kết nối nhận, truyền, nhận, lưu trữ, xử lý dữ liệu của hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và không có mã của cơ quan thuế. Tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử bao gồm: Tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và không có mã của cơ quan thuế cho người bán và người mua; tổ chức kết nối nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử với cơ quan thuế.

Tiêu chí đối với tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và không có mã cho người bán và người mua, bao gồm:

(1) Về chủ thể:

– Là tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin được thành lập theo pháp luật Việt Nam;

– Thông tin về dịch vụ hóa đơn điện tử được công khai trên trang thông tin điện tử của tổ chức;

(2) Về nhân sự: Có tối thiểu 5 nhân sự trình độ đại học chuyên ngành về công nghệ thông tin;

(3) Về kỹ thuật: Có hạ tầng kỹ thuật, thiết bị công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm đáp ứng yêu cầu:

– Cung cấp giải pháp khởi tạo, xử lý, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và hóa đơn điện tử không có mã cho người bán và người mua theo quy định của pháp luật về hoá đơn điện tử và pháp luật khác có liên quan;

– Có giải pháp nhận, truyền dữ liệu hóa đơn điện tử với người sử dụng dịch vụ; giải pháp truyền, nhận dữ liệu hoá đơn điện tử với cơ quan thuế thông qua tổ chức nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hoá đơn điện tử. Thông tin quá trình nhận, truyền dữ liệu phải được ghi nhật ký để phục vụ công tác đối soát;

– Có giải pháp sao lưu, khôi phục, bảo mật dữ liệu hoá đơn điện tử;

– Có tài liệu kết quả kiểm thử kỹ thuật thành công về giải pháp truyền nhận dữ liệu hoá đơn điện tử với tổ chức cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử.

Theo quy định tại Thông tư số 78/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, sau khi tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử gửi hồ sơ chứng minh đáp ứng các tiêu chí nêu trên, tài liệu mô tả dịch vụ và cam kết thực hiện đến Tổng cục Thuế. Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Tổng cục Thuế sẽ thực hiện đăng công khai tài liệu mô tả dịch vụ và cam kết của tổ chức lên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Còn tiêu chí đối với tổ chức cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử được quy định bao gồm:

(1) Về chủ thể:

– Là tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam, có tối thiểu 05 năm hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin;

– Thông tin về dịch vụ hóa đơn điện tử được công khai trên trang thông tin điện tử của tổ chức;

(2) Về tài chính: Có ký quỹ tại một ngân hàng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam hoặc có giấy bảo lãnh của một ngân hàng hoạt động hợp pháp tại Việt Nam với giá trị không dưới 5 tỷ đồng để giải quyết các rủi ro và bồi thường thiệt hại có thể xảy ra trong quá trình cung cấp dịch vụ;

(3) Về nhân sự: Có tối thiểu 20 nhân sự trình độ đại học chuyên ngành về công nghệ thông tin;

(4) Về kỹ thuật: Có hạ tầng kỹ thuật, thiết bị công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm đáp ứng yêu cầu:

– Cung cấp giải pháp khởi tạo, xử lý, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định của pháp luật về hoá đơn điện tử và pháp luật khác có liên quan;

– Có giải pháp kết nối, nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử với tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và không có mã cho người bán và người mua; giải pháp kết nối nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử với cơ quan thuế. Thông tin quá trình nhận, truyền dữ liệu phải được ghi nhật ký để phục vụ công tác đối soát;

– Hệ thống hạ tầng kỹ thuật cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử được vận hành trên môi trường trung tâm dữ liệu chính và trung tâm dữ liệu dự phòng. Trung tâm dự phòng cách xa trung tâm dữ liệu chính tối thiểu 20km và sẵn sàng hoạt động khi hệ thống chính gặp sự cố;

– Hệ thống có khả năng phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn các truy nhập không hợp pháp, các hình thức tấn công trên môi trường mạng để bảo đảm tính bảo mật, toàn vẹn của dữ liệu trao đổi giữa các bên tham gia;

– Có hệ thống sao lưu, khôi phục dữ liệu;

– Kết nối với Tổng cục Thuế thông qua kênh thuê riêng hoặc kênh MPLS VPN Layer 3 hoặc tương đương, gồm 1 kênh truyền chính và 2 kênh truyền dự phòng. Mỗi kênh truyền có băng thông tối thiểu 20 Mbps; sử dụng dịch vụ Web (Web Service) hoặc hàng đợi (Queue) có mã hóa làm phương thức để kết nối; sử dụng giao thức SOAP/TCP để đóng gói và truyền nhận dữ liệu.

Tổ chức cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử đáp ứng đầy đủ các tiêu chí nêu trên gửi văn bản đề nghị ký hợp đồng cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hoá đơn kèm theo hồ sơ chứng minh tới Tổng cục Thuế. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức cung cấp đầy đủ hồ sơ chứng minh, Tổng cục Thuế phối hợp với tổ chức thực hiện kết nối kỹ thuật và kiểm tra truyền nhận dữ liệu giữa hai bên. Sau khi kết nối thành công, Tổng cục Thuế và tổ chức ký hợp đồng cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn với cơ quan thuế. Thông tin về tổ chức cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn của cơ quan thuế sẽ được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

Các tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử đóng một vai trò trung gian rất quan trọng, nhằm kết nối giữa cơ quan thuế và người nộp thuế. Do vậy, các tổ chức này cần chứng minh đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định, đặc biệt là khả năng đáp ứng các tiêu chí về kỹ thuật để có thể hoàn thành vai trò hỗ trợ người nộp thuế có các giải pháp kết nối, nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử, đáp ứng các điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin để từ đó áp dụng hóa đơn điện tử một cách nhanh chóng, an toàn, hiệu quả.

Hy vọng với sự nỗ lực của cơ quan thuế, sự đồng lòng của người nộp thuế trong việc thực hiện Chuyển đổi số, và sự tham gia tích cực của các tổ chức cung cấp dịch vụ trong việc phát triển những dịch vụ mới, sáng tạo, giúp người dân, doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ công của cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan thuế nói riêng sẽ góp phần cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa ngành Thuế, đáp ứng những chuyển đổi trong cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 tại Việt Nam