Chuyển đổi số để công tác quản trị Tài chính – Kế toán – Thuế trong doanh nghiệp hiệu quả

Chuyển đổi số để công tác quản trị Tài chính – Kế toán – Thuế trong doanh nghiệp hiệu quả

Mới đây, hội thảo về chuyển đổi số hoạt động tài chính – kế toán – thuế đã đưa ra nhiều góc nhìn mới và giải pháp cho doanh nghiệp tiếp cận và dễ dàng chuyển đổi số mảng công tác này để tối ưu hiệu quả hoạt động, phục hồi kết quả kinh doanh trong bối cảnh mới.

Hội thảo giải đáp băn khoăn về chuyển đổi số cho gần 1000 người làm công tác tài chính – kế toán

Thiết lập lại trạng thái bình thường mới, doanh nghiệp đứng trước bài toán kinh doanh an toàn trong dịch bệnh, đồng thời, nắm bắt thời cơ để phục hồi và tái sinh doanh nghiệp. Với vai trò là mạch máu của mọi hoạt động, tài chính – kế toán cần được đầu tư chuyển đổi số để cung cấp dữ liệu chính xác, kịp thời cho người làm công tác quản lý, điều hành, ra các quyết định kịp thời.

Nắm bắt xu hướng chung đó, Thời báo Tài chính Việt Nam, Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, Câu lạc bộ Kế toán trưởng toàn quốc phối hợp cùng Công ty Cổ phần MISA thực hiện Hội thảo trực tuyến hoàn toàn miễn phí với chủ đề “Chuyển đổi số trong công tác quản trị tài chính, kế toán, thuế tại doanh nghiệp”. Hội thảo đã thu hút gần 1000 người làm công tác tài chính – kế toán tham gia để tìm lời giải cho các khó khăn khi tiếp cận với chuyển đổi số.

———————————————————————–

PGS.TS. Đặng Văn Thanh chia sẻ về những tác động của cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0 tới ngành tài chính – kế toán – thuế

Chia sẻ tại sự kiện, PGS.TS Đặng Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam – nhấn mạnh: “Chuyển đổi số đã và đang có những tác động mạnh mẽ đến ngành Tài chính. Trong đó, đặt ra 2 xu hướng cho ngành đó: một là yêu cầu hội nhập quốc tế cần hài hòa nguyên tắc thông lệ chuẩn mực kế toán quốc tế và áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS); hai là sử dụng thành tựu KH-CN, CMCN 4.0: hình thành môn học Kế toán số (Digital Accounting); đổi mới quy trình, phương pháp kế toán và nhận thức mới về chức năng kế toán: Thêm chức năng tư vấn”.

——————————————————————————————–

Ông Phạm Thu Phong – Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam phát biểu

“Dưới tác động của đại dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp đã và đang nỗ lực tìm cách thay đổi để thích nghi và phát triển, trong đó nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Với mạch máu của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính sẽ là một trong những yếu tố then chốt, thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác” – ông Phong chia sẻ.

——————————————————————————————–

Chia sẻ việc áp dụng thành công chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế IFRS tại Việt Nam, ông Trịnh Đức Vinh – Chủ nhiệm CLB đã cung cấp những thông tin hữu ích dành cho các doanh nghiệp tại hội thảo

Để hiểu rõ cách thức giúp doanh nghiệp áp dụng thành công chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế IFRS tại Việt Nam, diễn giả Trịnh Đức Vinh – Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán – Bộ Tài chính đã gợi ý một số các giải pháp cho doanh nghiệp như: số hóa dữ liệu, tích hợp hệ thống kế toán với hệ thống quản trị doanh nghiệp, ứng dụng phần mềm kế toán có tính tự động hóa cao trong ghi nhận, hạch toán dữ liệu và xây dựng được một trung tâm dữ liệu kế toán dùng chung cho toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp.

——————————————————————————————–

Ông Nguyễn Văn Phụng – Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết: “Cơ quan thuế không còn là đầu mối xử lý dữ liệu quản lý thuế, thay vào đó là một hệ thống tương tác liền mạch và liên hoàn giữa các chủ thể tham gia vào các giao dịch kinh doanh với nhau, với cơ quan thuế và với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trên nền tảng kỹ thuật số”

Đề cập đến việc chuyển đổi số lĩnh vực thuế, ông Nguyễn Văn Phụng cho biết, chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong ngành Thuế hiện nay đã giúp gắn kết giữa hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế với quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế: “Ứng dụng điện tử giúp thay đổi cách xác định nghĩa vụ thuế chuyển dần từ hệ thống tự khai, tự tính sang hệ thống xác định nghĩa vụ thuế, gắn với thời gian thực phát sinh nghĩa vụ thuế. Người nộp thuế hiện nay là trung tâm của hệ thống quản lý thuế, có thể tự kiểm tra tính chính xác về nghĩa vụ thuế của mình mà hệ thống công nghệ đã tự tính” – ông Phụng nói