Chuyển đổi số: Hiệu quả rõ rệt nhìn từ ngành Thuế

Chuyển đổi số: Hiệu quả rõ rệt nhìn từ ngành Thuế

Nhờ quyết liệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, tập trung triển khai các giải pháp chuyển đổi số, ngành Tài chính đã đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, hiệu quả tác động rõ rệt nhất là lĩnh vực thuế.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đem lại hiệu quả thiết thực nhất trong công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế.

Tạo thuận lợi tối đa cho người dân và DN

Xác định chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi người dân, DN tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại, thời gian qua, ngành Tài chính đã đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý.

Trong đó, việc đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào các quy trình giải quyết công việc đã giúp chất lượng hiệu quả của các hoạt động nghiệp vụ được nâng cao, không còn tình trạng tồn đọng giải quyết hồ sơ, hạn chế ở mức thấp nhất những sai sót và rút ngắn được thời gian khi giải quyết các yêu cầu của người dân, DN.

Điều này cùng với nỗ lực đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đã tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí và đem lại sự hài lòng cho các tổ chức, cá nhân, DN khi tham gia giao dịch với cơ quan tài chính. Theo thống kê, hiện tổng số DVCTT thực tế triển khai của Bộ Tài chính là 868, trong đó mức độ 1 và 2 đạt tỷ lệ lần lượt là 10,48% và 29,84%, còn lại mức độ 3 và 4 chiếm tới 59,68%.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã kết nối với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và hoàn thành cung cấp dữ liệu 15/15 chỉ tiêu kinh tế xã hội phải báo cáo; 5/9 chỉ tiêu điều hành hàng ngày quan trọng như thu NSNN, chứng khoán, thuế, hải quan…

Đến nay, hệ thống đã phục vụ rất tốt cho công tác điều hành của lãnh đạo Bộ Tài chính, cũng như cung cấp dữ liệu đầy đủ lên hệ thống thông tin, phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ.

Hiệu quả rõ rệt nhìn từ ngành Thuế

Hiệu quả thiết thực nhất trong công tác chuyển đổi số của ngành Tài chính là lĩnh vực thuế. Theo đó, cùng với việc tiếp tục triển khai thực hiện các dịch vụ thuế điện tử truyền thống như khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, toàn ngành thuế đã đưa vào vận hành hàng loạt giải pháp số hóa mới trong công tác quản lý.

Cụ thể, đầu tháng 4 hệ thống hóa đơn điện tử trên toàn quốc, ứng dụng eTax Mobile dành cho người nộp thuế là cá nhân, hay Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú ở Việt Nam đã được đưa vào vận hành.

Với ứng dụng eTax Mobile, do được xây dựng gắn với xu thế chung của các ứng dụng di động thông minh, đã giúp cá nhân, hộ kinh doanh chủ động hơn trong việc tra cứu các thông tin về thuế TNCN, GTGT và thực hiện nghĩa vụ một cách dễ dàng, nhanh chóng mà không cần phải đến trực tiếp, gọi điện, gửi mail cho cơ quan thuế…

Đáng chú ý, những giải pháp số hóa mà ngành Thuế đang triển khai đều hướng đến đơn giản hóa thủ tục hành chính, mang lại tiện ích tối đa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế.

Theo thống kê đến ngày 4/5/2022, chỉ sau hơn 1 tháng công bố, đã có 129,4 nghìn lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng eTax Mobile, 45.866 tài khoản đăng ký giao dịch, 23.809 giao dịch qua ngân hàng thương mại với tổng số tiền trên 159 tỷ đồng.

Đối với hóa đơn điện tử, đến 3/5, trên toàn quốc, đã có 643.596 DN và 37.667 hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đăng ký và sử dụng.

Tổng số hóa đơn điện tử đã phát hành trên cả nước đạt khoảng 221 triệu. Đối với Cổng thông tin điện tử cho nhà cung cấp nước ngoài, kể từ ngày 21/4 đến nay đã có nhiều nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, trong đó 5 nhà cung cấp đã khai nộp 42,3 tỷ đồng vào NSNN.