Chuyên gia phản hồi về đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt của TP.HCM

Chuyên gia phản hồi về đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt của TP.HCM

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa có góp ý gửi Bộ Tài chính về dự thảo “Đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách Nhà nước.”

Theo đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Tài chính có thể nghiên cứu, bổ sung vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với một số loại hàng hóa, dịch vụ điện thoại di động, camera, nước hoa, mỹ phẩm, dịch vụ kinh doanh game, dịch vụ thẩm mỹ.

Đánh giá về đề xuất bổ sung đối tượng chịu thuế thu nhập đặc biệt đối với điện thoại di động, camera, mỹ phẩm và dịch vụ thẩm mỹ, giới chuyên gia cho rằng đây là đề xuất thiếu tính khoa học và thực tiễn.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng tiêu dùng phải dựa trên cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn thì mới thuyết phục được những người làm chính sách.

Hơn nữa, những đề xuất này cần được số đông người dân chấp nhận được, chứ không thể đưa ra những ý tưởng “trên trời” như vậy.

Theo vị chuyên gia kinh tế này, các quốc gia đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào các mặt hàng có thể gây tác hại đến sức khỏe của người tiêu dùng, đến thuần phong mỹ tục, văn hóa, đến môi trường để hạn chế sử dụng, hoặc không sử dụng những sản phẩm này.

Một số quốc gia cũng đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với một số loại hàng hóa đặc biệt mà những người có thu nhập cao trong xã hội mới có khả năng sử dụng để điều tiết thu nhập từ người có thu nhập cao, đảm bảo công bằng giữa các thành phần trong xã hội.

Ngoài ra, một số quốc gia đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào một số mặt hàng không cần thiết trong cuộc sống nhằm khuyến khích việc tiết kiệm thu nhập của người tiêu dùng, từ đó hướng nguồn thu nhập đến mục đích tốt hơn, có ích hơn.

Trở lại đề xuất của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Thịnh cho rằng, điện thoại di động và camera là bước phát triển cao của đời sống xã hội và đang là mục tiêu hướng đến của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Những sản phẩm này trở thành nhu cầu thông thường của mọi người, đặc biệt trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, điện thoại di động đã trở thành vật bất li thân với hầu hết người dân Việt Nam.

Người dân sử dụng điện thoại thông minh để thực hiện các giao dịch khác nhau từ giao dịch tài chính, ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, mua bán hàng hóa trên mạng, trả tiền điện, nước…

Rõ ràng, chúng ta muốn mở rộng cách mạng công nghiệp lần thứ tư, muốn phát triển trí tuệ thông minh thì việc người dân sử dụng điện thoại di động là việc quan trọng và cần thiết.

Có thể thấy, điện thoại thông minh đã rất phổ biến đến cả các vùng nông thôn. Những nông dân có thể sử dụng điện thoại di động để biết nhiệt độ, độ ẩm không khí trong vườn, từ đó giúp ích cho việc chăm sóc cây trồng.

“Chính vì vậy, theo tôi không nên đánh thuế vào điện thoại di động, vì đây là sản phẩm đại trà và là sản phẩm cần khuyến khích phát triển,” ông Thịnh nói.

Tuy nhiên, theo ông Thịnh, nhìn ở góc độ không muốn khuyến khích người dân tiêu tốn vào việc không cần thiết, tiết kiệm thu nhập cá nhân để sử dụng vào việc có ích hơn thì cơ quan quản lý có thể xem xét đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào một số dòng điện thoại di động có giá trị cao.

Tương tự, đối với mặt hàng nước hoa cũng đã trở nên thông dụng với tất cả mọi người, không chỉ với nữ giới, thậm chí nam giới cũng sử dụng. Rõ ràng không khuyến khích sử dụng là không hợp lý, vì đây là nhu cầu làm đẹp bản thân, làm xã hội đẹp hơn, đặc biệt là việc làm đẹp này phù hợp với mức thu nhập của người dân.

Như vậy không nên đánh thuế đối với mỹ phẩm son phấn nước hoa. Tuy nhiên, có một số dịch vụ làm đẹp cao cấp, người tiêu dùng phải bỏ ra chi phí lớn, vượt quá mức sống và nhu cầu của đại bộ phận người dân, chúng ta cũng nên xem xét có một mức thuế suất tiêu thụ đặc biệt, ông Thịnh đề xuất.

Có quan điểm khá tương đồng, ông Nguyễn Văn Được – Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, việc mở rộng cơ sở tính thuế, hay mở rộng đối tượng thu thuế là điều nên làm. Tuy nhiên, không nên tăng thuế chỉ vì mục đích tăng thu ngân sách mà cần phải xem xét nhiều yếu tố khác.

Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế gián thu đánh vào người tiêu dùng để điều tiết nền kinh tế vĩ mô, điều chỉnh hành vi người tiêu dùng hạn chế sử dụng hàng hóa dịch vụ đấy.

Việc mở rộng cơ sở tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điện thoại, nước hoa, camera và các dịch vụ thẩm mỹ là không hợp lý. Rõ ràng là các sản phẩm này không gây hại nhiều đối với người tiêu dùng. Thực tế, chưa có công trình nào chứng minh các sản phẩm này gây hại. Ngược lại, các sản phẩm này có rất nhiều tác dụng cho nền kinh tế, kích thích tiêu dùng và mang lại lợi ích cho toàn xã hội.

Đặc biệt, với nền kinh tế phát triển như hiện nay thì thông tin là tiền bạc, các thông tin cần nhanh. Chính vì vậy, việc đánh thuế vào các sản phẩm công nghệ như điện thoại sẽ làm hạn chế sự phát triển của nền kinh tế, ảnh hưởng lớn đến việc phát triển thanh toán online, nộp thuế điện tử, phát triển nền kinh tế số hóa… mà Chính phủ đang khuyến khích thực hiện.

Có quan điểm không đồng tình với ý kiến đề xuất của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho rằng, mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt là đánh vào mặt hàng xa xỉ và hạn chế người dân tiêu dùng những mặt hàng không có lợi, điều tiết, phân phối lại thu nhập tầng lớp giàu có trong xã hội.

Tuy nhiên, đối với camera giám sát và điện thoại di động thì tất cả người dân đều có nhu cầu sử dụng, nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào những mặt hàng mà người dân ai cũng cần là không hợp lý.

Theo ông Nguyễn Thanh Hà, dù cơ quan quản lý mong muốn mở rộng nguồn thu để tăng thuế, nhưng thay vì mở rộng mặt hàng chịu thuế thu nhập đặc biệt, cơ quan quản lý nên kiểm soát nguồn thu, kiểm soát đối tượng nộp thuế tiêu thụ đặc biệt hiệu quả hơn.

Vị luật sư này cho rằng, phần lớn mặt hàng xa xỉ như rượu, xì gà hoặc những hàng hóa thuộc đối tượng thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay nhà nước khó thu thuế, bởi vì những mặt hàng này là hàng xách tay rất nhiều nên không kiểm soát được.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh thì gợi mở, thay vì đánh thuế các mặt hàng như Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, nên tăng thuế thu nhập đặc biệt đối với mặt hàng rượu, bia, nước ngọt, thuốc lá, vì đây là những mặt hàng gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, tác hại nhiều về mặt xã hội.

Hơn nữa, hiện nay thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia của Việt Nam vẫn thấp so với khu vực và thế giới. Trong khi đó, việc tiêu thụ rượu, bia ở Việt Nam rất lớn so với thế giới, nên cần phải có biện pháp hạn chế tiêu dùng những sản phẩm gây hại này./.

Văn Giáp
TTXVN