Cơ quan thuế đồng loạt vào cuộc tháo gỡ vướng mắc về giảm thuế

Cơ quan thuế đồng loạt vào cuộc tháo gỡ vướng mắc về giảm thuế

Từ ngày 1/2/2022, Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ về giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8% chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, không phải tất cả các hàng hóa, dịch vụ đều được giảm thuế. Vì vậy ngay từ ngày đầu thực hiện chính sách mới, nhiều doanh nghiệp đang phải loay hoay trong việc xác định mã sản phẩm để áp dụng giảm thuế. Để Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ đi vào cuộc sống, cơ quan thuế các cấp đang đồng loạt vào cuộc hướng dẫn, giải đáp vướng mắc giúp doanh nghiệp thụ hưởng đầy đủ chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.

Tiếp nhận hỗ trợ người nộp thuế qua tất cả các kênh thông tin

Ghi nhận công tác hỗ trợ của cơ quan thuế tại các địa phương cho thấy, ngay sau khi xuất hiện một số vướng mắc trong triển khai thực hiện Nghị định 15/2022/NĐ-CP (Nghị định 15) của Chính phủ, Cục Thuế Hà Nội đã có thư ngỏ đến người nộp thuế về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Thư ngỏ của Cục Thuế Hà Nội đã đưa ra hướng dẫn, giải thích, lưu ý và nêu rõ đối tượng thuộc diện được giảm thuế, mức giảm, trình tự thủ tục thực hiện.

Ông Ngô Xuân Tòng – Cục trưởng Cục Thuế Bắc Ninh chia sẻ, thực hiện Nghị định 15 của Chính phủ, cục thuế đã thực hiện tuyên truyền qua các kênh thông tin, tính đến nay, cục thuế đã nhận và trả lời 120 văn bản của người nộp thuế, trả lời 20 câu hỏi trên kênh hỏi đáp. Ngay trong ngày hôm nay, cục thuế sẽ gửi văn bản các lưu ý về thực hiện Nghị định 15 đến toàn bộ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, sau khi tổng hợp các vướng mắc về thực hiện Nghị định 15, cục thuế sẽ hướng dẫn, giải thích và đăng tải công khai trên trang website của cục thuế để người nộp thuế tiện tham khảo, nắm bắt triển khai thực hiện theo đúng quy định.

Ông Lương Xuân Thu – Trưởng phòng Tuyên truyền Hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế Khánh Hòa) cho hay, không phải tất cả các hàng hóa, dịch vụ đều được giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT). Do đó, cơ sở kinh doanh cần căn cứ mã ngành nghề, mặt hành kinh doanh tại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để đối chiếu với Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, Quyết định số 43/2018/QĐ-TTg ngày 1/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống ngành sản phẩm Việt Nam, Phụ lục I, II và III ban hành kèm theo Nghị định 15 để xác định các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% được giảm thuế GTGT xuống còn 8% (theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 15 của Chính phủ nêu trên).

Việc giảm thuế GTGT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 điều này được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Đối với mặt hàng than khai thác bán ra (bao gồm cả trường hợp than khai thác sau đó qua sàng tuyển, phân loại theo quy trình khép kín mới bán ra) thuộc đối tượng giảm GTGT. Mặt hàng than thuộc Phụ lục I ban hành kèm theo nghị định này, tại các khâu khác ngoài khâu khai thác bán ra không được giảm thuế GTGT.

Hướng dẫn người nộp thuế xác định sản phẩm, hàng hóa dịch vụ được giảm thuế

Lãnh đạo Cục Thuế Yên Bái cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 15 trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã phát sinh những vướng mắc từ các chi cục thuế và người nộp thuế trong việc xác định sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được giảm và không được giảm thuế suất thuế GTGT từ 10% xuống 8%; việc giảm thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu theo quy định của Nghị định số 15. Cục thuế đã có công văn gửi văn phòng, các thòng thuộc cục thuế và chi cục thuế các huyện, khu vực, thành phố hướng dẫn một số nội dung về giảm thuế GTGT theo quy định tại Nghị định số 15.

Cụ thể, về việc tra cứu danh mục sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được giảm, không được giảm thuế suất thuế GTGT, Cục Thuế Yên Bái yêu cầu các phòng, chi cục thuế căn cứ Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư 65/2017/TT-BTC ngày 27/6/2017 của Bộ Tài chính; Thông tư 09/2019/TT-BTC ngày 15/2/2019 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại các phụ lục của Thông tư số 65/2017/TT-BTC để tra cứu mã HS code đối với các sản phẩm, hàng hóa không được quy định chi tiết tại Phụ lục I và Phụ lục III Nghị định số 15.

Trường hợp các phòng, các chi cục thuế muốn áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ tra cứu thì truy cập vào website của Tổng cục Hải quan để tra cứu mã sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo đường dẫn: https://tongcuc.customs.gov.vn/Cơ sở dữ liệu về Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu/ 1; tra cứu Biểu thuế – Phân loại HS; sau đó, nhập mã số HS code hàng hóa của doanh nghiệp vào ô “Tìm kiếm”, đối chiếu với danh mục hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế suất thuế GTGT theo quy định tại Phụ lục I và III Nghị định số 15 để xác định sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp được giảm hay không được giảm thuế suất thuế GTGT.

Về giảm thuế GTGT đối với cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu, Cục Thuế Yên Bái đề nghị các chi cục thuế lưu ý hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu thực hiện xuất hóa đơn và xác định số thuế GTGT được giảm theo đúng quy định tại Điểm b, Khoản 3, Nghị định số 15.

Đối với cơ sở kinh doanh quy định tại điểm b khoản 2 điều này, khi lập hoá đơn bán hàng cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng giảm thuế giá trị gia tăng, tại cột “Thành tiền” ghi đầy đủ tiền hàng hóa, dịch vụ trước khi giảm, tại dòng “Cộng tiền hàng hóa, dịch vụ” ghi theo số đã giảm 20% mức tỷ lệ % trên doanh thu, đồng thời ghi chú: “đã giảm… (số tiền) tương ứng 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Ngoài ra, Cục Thuế Yên Bái cũng yêu cầu các đơn vị trong quá trình triển khai nếu phát sinh vướng mắc phản ánh kịp thời về cục thuế để được giải quyết