Đảm bảo công bằng về chính sách thuế với Grab và Uber

Đảm bảo công bằng về chính sách thuế với Grab và Uber

Thời gian qua, đã có một số ý kiến cho rằng chính sách thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải Uber, Grab chưa đảm bảo công bằng, bình đẳng với các DN kinh doanh vận tải taxi truyền thống. Tuy nhiên, đại diện Vụ Chính sách thuế (BTC) cho biết, pháp luật về thuế hiện hành áp dụng thống nhất giữa các loại hình DN (về mức thuế suất, điều kiện ưu đãi, chế độ miễn, giảm thuế).

Tại các công văn giải đáp (công văn số 11828/BTC-CST ngày 24/8/2016 gửi Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, công văn số 3166 /BTC-CST ngày 10/3/2017 trả lời Hiệp hội taxi TP. HCM, công văn số 5471/BTC-CST ngày 27/4/2017 trả lời Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), Bộ Tài chính đã có hướng dẫn cụ thể:

Pháp luật về thuế hiện hành áp dụng thống nhất giữa các loại hình doanh nghiệp. Doanh nghiệp xác định được doanh thu, chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh thì phải nộp thuế theo phương pháp kê khai. Phương pháp tỷ lệ trên doanh thu tính thuế chỉ áp dụng đối với nhà thầu nước ngoài không đáp ứng điều kiện nộp thuế theo phương pháp kê khai, tổ chức không phải là doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp, cá nhân kinh doanh có hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ mà các đơn vị này xác định được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh. Theo đó:

Đối với hoạt động kinh doanh vận tải Uber, Grab

Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan không đáp ứng điều kiện nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, không đáp ứng nộp thuế TNDN trên cơ sở kê khai doanh thu, chi phí để xác định thu nhập chịu thuế. Căn cứ quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 và điểm a khoản 2 Điều 13 Thông tư số 60/2012/TT-BTC ngày 12/4/2012 và Thông tư số 103/2014/TT-BTC ngày 06/8/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam thì nghĩa vụ thuế của Uber B.V Hà Lan như sau:

+ Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu được hưởng là 3%;

+ Tỷ lệ % để tính thuế TNDN trên doanh thu được hưởng là 2%.

– Đối với tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã) kinh doanh vận tải được thành lập theo quy định của pháp luật ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan để kinh doanh có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế GTGT, thuế TNDN đối với phần doanh thu được hưởng theo hợp đồng (không bao gồm phần doanh thu của Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan).

– Đối với cá nhân ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan để kinh doanh vận tải thì nghĩa vụ thuế như sau:

+ Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu được hưởng là 3%;

+ Tỷ lệ % để tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trên doanh thu được hưởng là 1,5%.

Đối với hoạt động kinh doanh vận tải Grab, Tổng cục Thuế đã ban hành công văn số 384/TCT-TNCN ngày 08/02/2017 gửi Cục thuế một số tỉnh, thành phố đang triển khai mô hình này hướng dẫn về chính sách thuế thực hiện thống nhất theo nguyên tắc hợp đồng hợp tác kinh doanh chia sẻ doanh thu như áp dụng đối với Uber.

Hoạt động kinh doanh taxi truyền thống

Một số doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống đề nghị được áp dụng cách tính doanh thu tính thuế như đã hướng dẫn đối với Uber, Grab hoặc cho taxi truyền thống nộp thuế GTGT với thuế suất 5% thay vì 10% như hiện nay; đồng thời kiến nghị doanh thu tính thuế đối với Uber, Grab phải trên cơ sở 100% doanh thu.

– Về thuế GTGT, pháp luật thuế hiện hành đã quy định: Đối với phương pháp khấu trừ thuế GTGT, doanh nghiệp áp dụng thuế suất thuế GTGT đối với dịch vụ vận tải là 10%, thuế GTGT phải nộp bằng thuế GTGT đầu ra trừ thuế GTGT đầu vào. Do vậy, khi xác định thuế GTGT phải nộp doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT của các chi phí đầu vào (như chi phí văn phòng, sửa chữa, mua sắm tài sản cố định…). Theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 thì thuế suất thuế GTGT dần được quy về áp dụng thống nhất 10%, thuế suất 5% chỉ áp dụng đối với hàng hóa thiết yếu và thuế suất 0% áp dụng đối với hàng xuất khẩu. Do vậy, kiến nghị “cho taxi truyền thống nộp thuế GTGT với thuế suất 5%” là không có cơ sở.

– Về thuế TNDN: Toàn bộ doanh thu từ hoạt động kinh doanh vận tải đều phải kê khai, nộp thuế. Đối với từng tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh chia sẻ doanh thu có nghĩa vụ nộp thuế trên phần doanh thu được chia theo thỏa thuận hợp tác.

Nếu xác định doanh thu tính thuế của Uber, Grab là 100% doanh thu vận tải thu được từ khách hàng sẽ dẫn đến việc đánh thuế trùng và không hợp lý, vì: trong số 100% doanh thu vận tải thu được từ khách hàng, Uber chỉ được hưởng 20% doanh thu vận tải; phần còn lại 80% doanh thu vận tải được chia cho tổ chức, cá nhân hợp tác với Uber theo thỏa thuận hợp đồng hợp tác kinh doanh và tổ chức, cá nhân này phải kê khai, nộp thuế theo quy định đối với phần doanh thu được hưởng.

Theo số liệu của ngành thuế, tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, trong số 10 doanh nghiệp có doanh thu lớn thì 02 doanh nghiệp phát sinh số thuế GTGT còn được khấu trừ, không phát sinh số thuế GTGT phải nộp (Công ty TNHH du lịch Mai Linh; Công ty TNHH du lịch Thành Bưởi), một số doanh nghiệp khác mức tỷ lệ nộp thuế GTGT/doanh thu dưới 3% (Công ty cổ phần Gia Định, Công ty vận chuyển Sài Gòn Tourist, hợp tác xã vận tải số 10). Về thuế TNDN, hầu hết các doanh nghiệp đều có mức tỷ lệ nộp thuế TNDN/doanh thu thấp hoặc không phát sinh thuế TNDN phải nộp, mức tỷ lệ nộp khoảng 0,01% đến 0,06%. Riêng Công ty TNHH Ánh Dương mức tỷ lệ nộp thuế TNDN là 1,97%/doanh thu (tương đương mức khoán của Uber). Với thông tin cho rằng “taxi truyền thống đang phải chịu khá nhiều loại thuế, phí với mức thuế suất chênh lệch khá xa so với Grab, Uber” là không đúng. Bộ Tài chính đang chỉ đạo Tổng cục Thuế rà soát các trường hợp có dấu hiệu rủi ro gian lận về thuế để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Mof.gov.vn