Đánh giá sát nguồn thu năm 2021 làm nền tảng để xây dựng dự toán thu NSNN năm 2022 và các năm tiếp theo

Đánh giá sát nguồn thu năm 2021 làm nền tảng để xây dựng dự toán thu NSNN năm 2022 và các năm tiếp theo

Đó là khẳng định của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021, được Bộ Tài chính tổ chức sáng ngày 16/7 tại trụ sở Bộ Tài chính. Tham dự hội nghị có đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Hồ Đức Phớc, Ủy viên BCHTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; cùng tập thể lãnh đạo Bộ Tài chính và đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành ở trung ương và địa phương.

Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn phát biểu tham luận tại hội nghị.

Tiến độ thu ngân sách đạt 58,8% dự toán

Phát biểu tại hội nghị, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, với việc nền kinh tế vẫn tiếp nối được đà tăng trưởng và tăng cao so với cùng kỳ, GDP 6 tháng đầu năm đạt 5,64% (mục tiêu 6,5%, cùng kỳ chỉ đạt 1,81%), đồng thời với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, sự ủng hộ, đồng hành của người dân và cộng đồng DN, kết quả thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý 6 tháng đầu năm 2021 đã đạt những kết quả rất toàn diện.

Theo đó, tổng thu NSNN 6 tháng đầu năm 2021 của ngành Tài chính ước đạt 781.180 tỷ đồng, bằng 58,2% dự toán, bằng 116,3% so với cùng kỳ. Trong đó:

Thứ nhất, thu NSNN do cơ quan thuế quản lý là 656.374 tỷ, bằng 58,8% dự toán, bằng 114,3% so với cùng kỳ. bao gồm: Số thu từ dầu thô là 18.725 tỷ đồng, bằng 80,7% dự toán, bằng 87,8% cùng kỳ. Số thu nội địa (không bao gồm dầu thô) do cơ quan thuế quản lý là 637.649 tỷ đồng, bằng 58,3% dự toán, bằng 115,3% cùng kỳ.

Thứ hai, thu cân đối từ xuất nhập khẩu đạt 124.105 tỷ đồng, bằng 69,5% dự toán, bằng 137,5% cùng kỳ.

Thứ ba, thu hồi vốn NSNN tại các tổ chức kinh tế đạt 135 tỷ, bằng 0,3% dự toán, bằng 2% so với cùng kỳ (khoản thu này do Cục Tài chính DN theo dõi quản lý)

Thứ tư, thu viện trợ đạt 556 tỷ, bằng 7% dự toán, bằng 72,6% cùng kỳ.

Như vậy, tiến độ thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý đạt 58,8% dự toán, tăng trưởng 14,3% so với cùng kỳ. Hiện có 60/63 địa phương thu đạt trên 50% dự toán, mặc dù còn 03 địa phương có số thu đạt dưới 50% dự toán là Sơn La, Hòa Bình, Bắc Kạn, tuy nhiên, tỷ trọng thu ngân sách của 3 địa phương này rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 0,75% tổng thu ngân sách của cả nước, đồng thời, với đặc điểm đây là những địa phương có số thu từ thủy điện chiếm tỷ trọng lớn trên tổng thu và thường tập trung phát sinh số nộp vào 6 tháng cuối năm, nên khả năng các địa phương này sẽ hoàn thành dự toán thu của cả năm là khả quan.

Tiến độ thu theo các sắc thuế chính hầu hết đều đạt khá (thuế TNDN đạt 61,5%, thuế TTĐB đạt 61%, thuế GTGT đạt 51,5%, thuế TNCN đạt 68% dự toán;…). Đặc biệt số thu từ 03 khu vực kinh tế (DNNN, DN FDI và khu vực CTN-NQD, là khu vực có số thu chiếm 52,4% tổng thu nội địa) đạt trên 57% dự toán và tăng trưởng trên 26% so cùng kỳ, đây là điều rất đáng khích lệ vì sau nhiều năm thu từ các khu vực này không đạt dự toán thì năm nay đã có tín hiệu đạt khá.

Theo Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn, một điểm nổi bật khác trong 6 tháng đầu năm, đó là công tác tham mưu của Tổng cục Thuế với Bộ Tài chính, từ đó đã trình Chính phủ kịp thời ban hành hoặc duy trì các chính sách hỗ trợ cho NNT gặp khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19. Trong đó, nổi bật nhất là việc Chính phủ kịp thời ban hành Nghị định số 52/NĐ-CP về gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19 trong năm 2021.

Về vấn đề này, ngay từ đầu năm, khi phát sinh đợt dịch thứ 3 và kéo dài trong khoảng 2 tháng (từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 3), thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã chủ động tham mưu với Bộ Tài chính để trình Chính phủ để ban hành Nghị định này. Ngay sau khi Nghị định được ban hành, ngành Thuế đã lập tức thực hiện tuyên truyền đến các đối tượng được thụ hưởng; nâng cấp các ứng dụng, phần mềm, hướng dẫn, hỗ trợ NNT nộp giấy đề nghị gia hạn bằng phương thức điện tử mọi lúc, mọi nơi (24/7). Đảm bảo yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi nhất, tiết kiệm thời gian, chi phí cho NNT và đảm bảo hiệu quả công tác phòng chống dịch.

Qua thống kê, đến nay, ngành Thuế đã nhận được 64.743 đơn đề nghị gia hạn, với tổng số thuế GTGT, TNDN, TNCN và tiền thuê đất được gia hạn 35.247 tỷ đồng. Việc ban hành và thực hiện kịp thời giải pháp nêu trên đã tiếp tục nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng DN, người dân; góp phần hỗ trợ DN, người dân sớm khôi phục và ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện khó khăn bởi dịch bệnh.

Có được kết quả tích cực trong 6 tháng đầu năm 2021, bên cạnh sự cố gắng nỗ lực của cả hệ thống, ngành Thuế còn nhận sự ủng hộ, tham gia chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của chính quyền địa phương thông qua việc phối hợp chỉ đạo, hỗ trợ cơ quan thuế các cấp trong công tác xử lý nợ, quản lý chống thất thu ngân sách. Điều này thể hiện rõ nét nhất ở công tác xử lý nợ thuế theo Nghị quyết 94 của Quốc hội.

Theo đó, Nghị quyết 94 quy định 4 cấp có thẩm quyền ra Quyết định xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp. Trong đó Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định xóa nợ ở mức dưới 5 tỷ đồng. Số liệu tổng hợp cho thấy, tính đến hết tháng 6/2021, các địa phương đã ban hành 960 Quyết định xóa nợ cho 119.509 NNT với tổng số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp được xóa là 3.020 tỷ đồng. Đạt được kết quả tích cực này là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương mà trực tiếp là đồng chí Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đã sát sao chỉ đạo các sở, ngành địa phương phối hợp với cơ quan thuế trong công tác xử lý nợ xấu thời gian qua.

Các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính và đại diện các bộ, ngành tham dự hội nghị.

Cải cách, hiện đại hóa triệt để hệ thống thuế

Với việc thực hiện cải cách, hiện đại hóa hệ thống thuế thời gian qua, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, đến nay gần như 100% DN đã thực hiện khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử. Đối với NNT là cá nhân, cơ quan thuế cũng đã đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ khai thuế điện tử như: hỗ trợ khai thuế, nộp thuế điện tử đối với cá nhân cho thuê nhà; hỗ trợ khai, nộp lệ phí trước bạ điện tử đối với ô tô, xe máy; khai thuế điện tử đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công…

Riêng đối với việc hỗ trợ NNT thực hiện các thủ tục gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất theo Nghị định 52, Tổng cục trưởng cho biết, Tổng cục Thuế đã xây dựng riêng phần mềm để hỗ trợ người dân và DN gửi tờ khai gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất trực tuyến trên hệ thống eTax. Song song với đó, công tác tuyên truyền hỗ trợ NNT cũng đã được cơ quan thuế đẩy mạnh việc thực hiện trực tuyến qua phương thức điện tử, trong đó là hệ thống 479 kênh thông tin của toàn ngành Thuế, hỗ trợ NNT 24/7.

Với các giải pháp có tính căn cơ mà ngành Thuế đã và đang triển khai thực hiện đã hỗ trợ tối đa cho NNT, đặc biệt là mặc dù một số địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và phải thực hiện giãn cách, nhưng NNT hoàn toàn có thể ở nhà để thực hiện khai, nộp thuế trực tuyến vào NSNN. Từ đó, cơ quan thuế cũng hỗ trợ NNT trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế vào NSNN qua phương thức điện tử.

Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn khẳng định, Tổng cục Thuế tiếp tục quán triệt nguyên tắc, cơ quan thuế các cấp tại các địa phương có tình hình dịch phức tạp không thực hiện thanh tra, kiểm tra  tại trụ sở DN. Đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế, hỗ trợ NNT thực hiện điều chỉnh, kê khai lại.

Kết quả 6 tháng đầu năm cho thấy, qua kiểm tra, rà soát hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế, đã kiến nghị xử lý trên 599 tỷ đồng nộp NSNN. Việc kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế thực chất là việc cơ quan thuế đẩy mạnh công tác hỗ trợ NNT thực hiện đúng nghĩa vụ thuế vào NSNN, vì theo quy định, việc kiểm tra này, cơ quan thuế chỉ thông báo cho NNT để thực hiện khai điều chỉnh số thuế phải nộp vào NSNN, không ban hành quyết định xử phạt đối với NNT.

Trong đó, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các Cục Thuế thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra phải đảm bảo linh hoạt, phù hợp với diễn biến dịch Covid của từng địa phương, theo nguyên tắc, các địa phương có dịch bệnh diễn biến phức tạp thì không thực hiện thanh tra, kiểm tra tại trụ sở NNT; tập trung thực hiện kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế.

Đối với các địa phương ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì thực hiện song song việc thanh tra, kiểm tra tại trụ sở NNT và đẩy mạnh kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế. Đồng thời, việc kiểm tra tại trụ sở NNT chỉ thực hiện đối với những đơn vị có rủi ro cao, có dư địa khai thác số thu lớn và phải đảm bảo an toàn, phù hợp với diễn biến thực tế của dịch Covid-19.

Về quản lý thuế đối với các Sàn giao dịch thương mại điện tử, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, Tổng cục Thuế xác định đây là một lĩnh vực mới, có tính chất phức tạp vì phạm vi áp dụng và điều chỉnh khá rộng và đặc biệt có liên quan đến yếu tố thương mại quốc tế, do đó, từ năm 2018, cơ quan thuế đã tổ chức tuyên truyền, làm việc với các tổ chức tại Việt Nam có ký hợp đồng quảng cáo với các nhà cung cấp nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như: Google, Youtube, Facebook…. qua đó, các tổ chức này đã thực hiện kê khai, nộp số tiền thuế trên 3.700 tỷ đồng (6 tháng đầu năm 2021 số thu NSNN đạt 637 tỷ đồng).

Song song với đó, đối với hoạt động cung ứng dịch vụ xuyên biên giới của các cá nhân Việt Nam cho các nhà mạng, trang mạng xã hội, tập đoàn công nghệ của nước ngoài (Facebook, Google, Youtube, Apple…). Tính đến hết tháng 6/2021, đã thu được 454 tỷ đồng vào NSNN.