Dự báo nhiều khó khăn trong triển khai công tác thu những tháng cuối năm 2022

Dự báo nhiều khó khăn trong triển khai công tác thu những tháng cuối năm 2022

Đó là nhận định của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn tại hội nghị giao ban Bộ Tài chính đánh giá tình hình thực hiện công tác tháng 7/2022 và kế hoạch triển khai chương trình công tác tháng 8/2022.

Thu NSNN 7 tháng tăng 8,7% so cùng kỳ.

Báo cáo tại hội nghị giao ban Bộ Tài chính đánh giá tình hình thực hiện công tác tháng 7/2022 và kế hoạch triển khai chương trình công tác tháng 8/2022 diễn ra vào chiều ngày 4/8, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết thu ngân sách tháng 7/2022 do cơ quan Thuế quản lý đạt 122.500 tỷ đồng; lũy kế 7 tháng đạt gần 911.030 tỷ đồng. Loại trừ các yếu tố chính sách miễn, giảm, gia hạn thì 7 tháng đầu năm số thu thuế, phí nội địa (không kể tiền SD đất, cổ tức & LNCL, xổ số và thu chênh lệch thu chi NHNN) tăng 8,7% so cùng kỳ.

Đánh giá kết quả thu 7 tháng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết do thực hiện chính sách gia hạn năm 2021 theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP, trong 7 tháng đầu năm 2021 thực hiện gia hạn kỳ tính thuế tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6 và quý 1, quý 2 làm dịch chuyển nguồn thu sang cuối năm khoảng 83.500 tỷ đồng. Năm 2022, gia hạn theo Nghị định số 34/2022/NĐ-CP ngày 28/05/2022, các doanh nghiệp thuộc đối tượng được gia hạn của kỳ tính thuế tháng 3, tháng 4, tháng 5 và quý 1/2022 đã nộp vào NSNN, số thuế được gia hạn khoảng 41.600 tỷ đồng.

Lĩnh vực đóng góp số thu lớn trong tăng trưởng thu nội địa 7 tháng đầu năm từ ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và dầu khí. Tổng thu từ những ngành này năm 2021 đạt khoảng 140.000 tỷ đồng, chiếm 14% tổng thu thuế phí nội địa; thực hiện 7 tháng đầu năm 2022 tăng 31,4% so cùng kỳ.

Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cũng lưu ý mức thu đối với lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và dầu khí là không bền vững. Thể hiện trong quý I/2022 thu đạt khoảng 48.300 tỷ đồng, tăng 18,1% cùng kỳ, nhưng thu trong quý II/2022 có sự sụt giảm rõ rệt, tổng thu đạt khoảng 40.000 tỷ đồng, bằng 82,8% so quý I/2022.

Dự báo số thu những tháng cuối năm sẽ gặp nhiều khó khăn do tác động của việc Chính phủ ưu tiên kiểm soát lạm phát, tăng cường quản lý việc phát hành trái phiếu đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, kiểm soát chặt chẽ thị trường bất động sản và chứng khoán.

Hóa đơn điện tử phát hành bình quân đạt trên 10 triệu hóa đơn/ngày

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng hóa đơn điện tử của NNT trên phạm vi toàn quốc, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo Cơ quan thuế các cấp thường trực 24/7 để theo dõi, giám sát hoạt động của hệ thống hóa đơn điện tử đảm bảo hoạt động liên tục, ổn định, thông suốt, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh.

Song song với đó, Tổng cục Thuế cũng đang chỉ đạo các đơn vị tiếp tục hoàn thiện, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ dự án hạ tầng kỹ thuật CNTT về hóa đơn điện tử và cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, đảm bảo thông suốt hệ thống, phục vụ tốt nhất yêu cầu kỹ thuật, hạ tầng đường truyền, … trong quá trình thực hiện.

Kết quả kể từ ngày 01/07/2022, thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc, số lượng hóa đơn điện tử phát hành bình quân đạt trên 10 triệu hóa đơn/ngày, tăng trên 40% so với lượng hóa đơn bình quân 1 ngày của tháng 6/2022; có ngày đạt tới trên 26 triệu hóa đơn (ngày 18/7). Đến hết tháng 7/2022, đã có trên 857 triệu hóa đơn điện tử được phát hành.

Đặc biệt trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tăng cường áp dụng trí tuệ nhân tại (AI) vào công tác quản lý thuế. Theo đó, Tổng cục Thuế sẽ báo cáo Bộ triển khai Trung tâm dữ liệu Hóa đơn điện tử và phương án triển khai áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích, quản lý rủi ro từ cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử phục vụ công tác quản lý thuế