Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi): Đề xuất nhiều biện pháp quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử

Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi): Đề xuất nhiều biện pháp quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử

hand reaching images streaming from the deep

Kinh doanh thương mại điện tử là một loại hình kinh doanh mới đang phát triển mạnh. Nguồn: internet

Tại dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đang được lấy ý kiến đóng góp rộng rãi, Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tửnhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế, đảm bảo ngăn ngừa, phòng chống các hệ quả tiêu cực của thương mại điện tử và mở rộng cơ sở thu thuế.

Kinh doanh thương mại điện tử là một loại hình kinh doanh mới đang phát triển mạnh ở các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có ưu điểm nổi bật hơn so với kinh doanh truyền thống ở tính linh hoạt cao độ về mặt cung ứng và giảm thiểu phí tổn cho các đối tác kinh doanh và thúc đẩy sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Thời gian gần đây, ở Việt Nam, việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, quảng cáo… thông qua các phương tiện như phát sóng truyền hình, các website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, các mạng xã hội của nước ngoài… ngày càng phát triển mạnh mẽ nhờ sự thuận lợi của loại hình kinh doanh qua mạng.

Về quản lý thuế đối với hoạt động này, Luật Quản lý thuế hiện hành đã tạo nền tảng và mở đường cho việc phát triển các quy định và kỹ năng mới của quản lý thuế hiện đại, cho phép cơ quan thuế chủ động trong quản lý người nộp thuế kinh doanh trong môi trường truyền thống và thương mại điện tử thông qua cơ chế tự khai – tự nộp, nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên thứ 3 (bao gồm cả thông tin dạng dữ liệu điện tử), hiện đại hóa công tác quản lý thuế (khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử).

Tuy nhiên, để thực sự thúc đẩy giao dịch điện tử trong quản lý thuế nói chung và thương mại điện tử nói riêng nhằm vừa tạo thuận lợi cho người nộp thuế, vừa đảm bảo ngăn ngừa, phòng chống các hệ quả tiêu cực của thương mại điện tử và mở rộng cơ sở thu thuế, Bộ Tài chính cho rằng, cần có các quy định cụ thể cũng như chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp quản lý thuế đối với hình thức kinh doanh mới này.

Theo đó, tại Dự thảo Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đã đề xuất bổ sung những quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử theo hướng xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế online.

Bộ Tài chính cũng đề xuất bổ sung quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của các tổ chức, cá nhân với cơ quan thuế. Trong đó, Bộ Công Thương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính trong việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử; Kết nối, cung cấp thông tin liên quan để quản lý thuế đối với các thương nhân, tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính trong việc xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia, các tiện ích tích hợp thanh toán điện tử để sử dụng rộng rãi cho các mô hình thương mại điện tử; Thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong thương mại điện tử.

Ngân hàng thương mại có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp theo quy định pháp luật về thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử có phát sinh thu nhập từ Việt Nam theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…

Bàn về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, đề xuất trên của Bộ Tài chính là hợp lý bởi thương mại điện tử là lĩnh vực rất rộng, nếu chỉ ngành Thuế thì không thể quản lý được mà cần có sự phối hợp, vào cuộc của các bộ, ngành trong quản lý thuế đối với lĩnh vực này.

Tapchitaichinh