Góp ý hoàn thiện dự án Luật Thuế Tài sản

Góp ý hoàn thiện dự án Luật Thuế Tài sản

Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tài sản – một dự luật quan trọng, có tác động ảnh hưởng trực tiếp không chỉ tới DN mà còn đến cả các mặt của đời sống xã hội. Chính vì thế, ngay sau khi được công khai, dự luật này đã thu hút sự quam tâm của dư luận với những tác động dự kiến phát sinh khi áp dụng vào thực tế. Để ghi nhận kịp thời những đánh giá về các các nội dung trong dự luật này trên cả giác độ chuyên môn và thực tế; đồng thời tạo dựng diễn đàn mở để các diễn giả, chuyên gia kinh tế, tài chính có thể trao đổi chuyên sâu, đóng góp ý kiến với dự thảo luật, từ số này, Tạp chí Thuế sẽ mở chuyên mục nhiều kỳ nhằm ghi nhận các ý kiến đóng góp.

Kỳ 1: Những nội dung cơ bản của dự án Luật Thuế tài sản

Đất phi nông nghiệp sử dụng để kinh doanh; nhà có giá trị trên 700 triệu đồng; ôtô, du thuyền, tàu bay có giá trị từ 1,5 tỷ đồng dự kiến sẽ phải chịu thuế từ 0,3 – 0,4%. Đây là những nội dung chính trong dự thảo đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tài sản đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến phản biện của các bộ, ngành, tổ chức xã hội để hoàn thiện trước khi trình Chính.

Sự cần thiết của dự án Luật Thuế tài sản

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, thuế tài sản là sắc thuế ra đời sớm trong hệ thống thuế của đa số các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển. Hiện có 174/193 nước thực hiện thu thuế tài sản với nhiều tên gọi khác nhau. Đối tượng chịu thuế tài sản ở các nước chủ yếu là đất và nhà, trong đó, thuế tài sản ở các nước thể hiện vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách của các quốc gia, chiếm tỷ lệ trung bình 3-4% so với tổng thu thuế ở các nước phát triển, một số nước như Nhật Bản, tỷ lệ này lên đến 8% như Nhật Bản. Ở các nước đang phát triển và chuyển đổi, tỷ lệ này thấp hơn. Xét trong giai đoạn 2005-2013, tỷ lệ thu thuế tài sản so với GDP ở các nước phát triển và một số nước đang phát triển ở khu vực châu Á là khoảng 2% GDP.

Ở Việt Nam, đánh giá kết quả thuế thu hàng năm cho thấy, trong quá trình sử dụng tài sản, thuế SDĐPNN, thuế SDĐNN chỉ chiếm khoảng 0,036% GDP và mới điều tiết đối với đất. Để bao quát nguồn thu từ tài sản, thực hiện cải cách và xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, cần thiết phải nghiên cứu điều chỉnh mức thu thuế trong quá trình sử dụng đối với đất và nghiên cứu bổ sung thu thuế đối với nhà và các tài sản khác cho phù hợp. Việc đề xuất dự án dự luật để đưa vào cuộc sống cũng sẽ giúp tăng cường quản lý sử dụng tài sản của tổ chức, cá nhân, đồng thời, có thêm nguồn lực đầu tư trở lại đất đai, điều tiết một phần nhỏ thu nhập của tổ chức, cá nhân có nhiều tài sản nhà, đất, góp phần đảm bảo công bằng xã hội.

Theo tính toán của Ban soạn thảo, trên cơ sở diện tích đất theo số liệu thống kê năm 2015 và giá 1m2 đất tại ảng giá đất do UBND cấp tỉnh công bố cho giai đoạn 2015-2020; số liệu về nhà ở năm 2011 tại Đề án Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ Xây dựng, số liệu về nhà ở tính đến năm 2014 do Bộ Xây dựng cung cấp; và số liệu thu thuế SDĐPNN qua các năm, nếu áp thuế suất theo phương án 1 (0,3%), dự kiến số thu từ thuế tài sản là khoảng 22.700 tỷ đồng (nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 1 tỷ đồng) hoặc khoảng 23.300 tỷ đồng (nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng). Còn áp dụng phương án 2 (0,4%) sẽ thu được 30.300 tỷ đồng (nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 1 tỷ đồng) hoặc khoảng 31.000 tỷ đồng (nếu áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng).

Từ những phân tích nêu trên, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội đưa dự án Luật Thuế tài sản vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Trong đó, đối tượng chịu thuế tài sản bao gồm đất ở tại nông thôn và đô thị, đất SXKD phi nông nghiệp; đất công nghiệp, khu chế xuất, thương mại dịch vụ…, đất phi nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế nhưng sử dụng vào mục đích kinh doanh hoặc để ở; nhà và công trình xây dựng trên đất (nhà gồm nhà ở, nhà và công trình thương mại, dịch vụ); tàu bay, du thuyền, ôtô có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên).

Tính thuế dựa trên giá trị tài sản

Bộ Tài chính cho biết, để đảm bảo đơn giản, dễ hiểu và khả thi trong quá trình áp dụng, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và thông lệ quốc tế, giá tính thuế đối với đất được xác định bằng diện tích nhân với giá 1m2. Trong đó, diện tích đất tính thuế được ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, hoặc trên quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, hoặc hợp đồng giao đất, hợp đồng cho thuê đất. Đối với đất xây dựng nhà chung cư, diện tích đất tính thuế được xác định bằng diện tích nhà của 1 hộ gia đình nhân (x) với hệ số xác định diện tích đất tính thuế theo quy định.

Về giá tính thuế, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án đối với đất. Phương án 1 là theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh công bố tại thời điểm tính thuế. Với phương án này, Bộ Tài chính cho rằng, khá đơn giản và khả thi. Tuy nhiên, nhược điểm là, mỗi m2 giá đất tính thuế chưa theo sát biến động thị trường. Phương án 2, tính theo giá một m2 đất trên thị trường tại thời điểm tính thuế. Song, cách tính này chưa phù hợp với Việt Nam, do chưa có hệ thống định giá tài sản đáp ứng yêu cầu. Với phân tích trên, Bộ Tài chính cho rằng, nên thực hiện phương án 1. Riêng với nhà được đề nghị xác định bằng toàn bộ diện tích nhà sử dụng theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật về nhà ở nhân với giá 1m2 nhà tính thuế.

Ngoài ra, dự án luật cũng đưa ra 2 phương án tính thuế tài sản đối với ôtô, tàu bay, du thuyền là sẽ tính thuế với các tài sản có giá trị từ 1,5 tỷ đồng trở lên, hoặc không đánh thuế. Tuy nhiên, để đảm bảo tính ổn định của giá tính thuế, thuận lợi cho người nộp thuế, dự thảo cũng đề nghị quy định giá tính thuế được ổn định 5 năm, kể từ ngày luật có hiệu lực thi hành.

Về thuế suất, Bộ Tài chính cho biết, theo kinh nghiệm các nước, thì mức thuế tài sản trên thế giới thấp nhất là 0,2%. Tuy nhiên, hiện đa số các nước áp dụng thuế suất từ 0,5% đến 2%. Trên cơ sở này, dự án đề xuất 2 phương án tính thuế. Theo đó, phương án 1, áp dụng mức thuế suất thuế chung là 0,3%; phương án 2 sẽ áp dụng mức thuế chung là 0,4%.

Cụ thể, tại phương án 1 đối với đất ở (bao gồm cả trường hợp sử dụng kinh doanh;xây dựng nhà chung cư) sẽ áp dụng mức thuế suất 0,3% trên toàn bộ giá trị đất. Đối với nhà, ban soạn thảo đã đưa ra 2 cách tính. Cách 1, giá tính thuế đối với nhà từ 1 tỷ đồng trở xuống hưởng thuế 0%, từ 1 tỷ đồng trở lên áp thuế 0,3%; Cách 2, giá tính thuế đối với nhà từ 700 triệu đồng trở xuống không tính thuế, còn từ 700 triệu đồng trở lên áp mức thuế 0,3%.Việc đánh thuế trên toàn bộ giá trị đất ở với mức thuế suất cao và đánh thuế đối với nhà ở sẽ tác động đến người dân, đặc biệt là đối với những người có quyền sở hữu, quyền sử dụng đất, nhà ở có giá trị lớn, nhưng không có thu nhập để đóng thuế. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết, dự án luật cho phép chậm nộp tiền thuế. Theo đó,người nộp thuế không có khả năng nộp thuế thì được chậm nộp và không bị tính phạt, song phải có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi chuyển giao quyền sở hữu, sử dụng tài sản.

Theo phương án 2 (áp dụng mức thuế chung là 0,4%), dự thảo đưa ra cách tính. Đối với đất ở (bao gồm sử dụng để kinh doanh; xây nhà chung cư) áp dụng mức thuế suất là 0,4% trên toàn bộ giá trị đất.Trong khi đó với nhà có 2 phương án lựa chọn. Hoặc giá tính thuế đối với nhà từ 1 tỷ đồng trở xuống hưởng thuế 0%, từ 1 tỷ đồng trở lên áp thuế 0,4%; hoặc giá tính thuế đối với nhà từ 700 triệu đồng trở xuống không tính thuế, còn từ 700 triệu đồng trở lên áp mức thuế 0,4%.

Trên cơ sở phân tích những ưu, nhược điểm đồng thời để phù hợp với các nước, khai thác tốt nguồn thu, và ổn định NSNN, ban soạn thảo đề nghị thực hiện theo phương án 2 và áp dụng ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng.

Qua các phương án tính thuế tài sản đối với nhà và đất mà dự thảo đưa ra có thể thấy, Bộ Tài chính đã áp dụng giá trị làm căn cứ tính ngưỡng không chịu thuế thay vì tính theo diện tích. Bộ Tài chính lý giải, tuy áp dụng theo diện tích đơn giản, dễ thực hiện, thuận lợi trong việc xác định số thuế phải nộp; ổn định, không thay đổi theo thời giá; nhưng lại có nhược điểm là điều tiết cả đối với người sử dụng nhà có giá trị không lớn, nhà đơn sơ, nhà thiếu kiên cố, nhà tại nông thôn có diện tích vượt ngưỡng không chịu thuế nhưng giá trị thấp; trong khi đó lại không điều tiết đối với nhà giá trị lớn nhưng diện tích nằm trong ngưỡng không chịu thuế. Do vậy, việc áp dụng ngưỡng không chịu thuế theo giá trị nhằm đảm bảo mục tiêu của thuế tài sản, không điều tiết đối với nhà có giá trị dưới ngưỡng không chịu thuế, điều tiết cao đối với nhà có giá trị lớn, đảm bảo công bằng xã hội.

Nhà ở xã hội được miễn thuế tài sản

Cùng với đề xuất các trường hợp phải chịu thuế tài sản, dự án đã đưa ra 10 trường hợp được miễn và 5 trường hợp được giảm thuế trên cơ sở kế thừa các quy định miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hiện hành. Cụ thể, dự án đề xuất miễn thuế tài sản với đất, nhà ở của dự án đầu tư thuộc lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư, địa bàn có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn; dự án đầu tư thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; DN sử dụng trên 50% lao động là thương binh, bệnh binh, người khuyết tật; đất của cơ sở thực hiện xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường; đất ở trong hạn mức giao mới, nhà ở của người hoạt động cách mạng trước 19/8/1945; thương binh hạng 1/4, 2/4, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sĩ; đất xây dựng nhà tình nghĩa; đất ở trong hạn mức giao mới, nhà ở của hộ nghèo; nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; người nộp thuế gặp khó khăn do sự kiện bất khả kháng nếu thiệt hại trên 50% giá tính thuế; tàu bay, du thuyền, ôtô của cơ quan nhà nước… Đặc biệt, nhà ở xã hội, nhà ở công vụ cũng là đối tượng được miễn thuế tài sản.

Cùng với đó, 5 trường hợp được giảm 50% thuế tài sản trong đó người nộp thuế có số thuế phải nộp hàng năm từ 50.000 đồng trở xuống; đất ở trong hạn mức giao mới; nhà ở của thương binh hạng 3 và 4; người nộp thuế gặp khó khăn do sự kiện bất khả kháng nếu giá trị thiệt hại lên từ 20-50% giá tính thuế…

Dự kiến, nếu dự án luật này được thông qua, đạo luật này sẽ bãi bỏ Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp số 48/2012/QH12, Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Nhóm PV thực hiện