Hoàn thiện tổ chức công tác kế toán tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM

Hoàn thiện tổ chức công tác kế toán tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM

{Bài viết đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán (ISSN 1859 – 1914), số 210, Tháng 3/2021 của   PGS.TS. Trần Văn Tùng, Ths. Ngô Ngọc Nguyên Thảo và Ths. Trần Phương Hải  – Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH)}


Các bệnh viện đã và đang chủ động cơ cấu lại bộ máy tổ chức, tăng cường công tác quản lý, trong đó chú trọng đến việc hoàn thiện tổ chức công tác kế toán tại đơn vị mình. Trong bài viết này, tác giả đã sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính nhằm tìm hiểu, đánh giá thực trạng tổ chức công tác kế toán của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM. Trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp, nhằm hoàn thiện tổ chức công tác kế toán của Bệnh viện.
Từ khóa: Kế toán; tổ chức công tác kế toán; Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM.


1. Đặt vấn đề
Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các bệnh viện, đặc biệt là hệ thống bệnh viện công lập đã và đang là vấn đề được quan tâm đặc biệt của ngành y tế. Nằm trong hệ thống bệnh viện công lập của cả nước, những năm qua, bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM đã có những bước phát triển và nhiều thay đổi trong mô hình quản lý cũng như hoạt động của mình, để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Lãnh đạo Bệnh viện đã chủ động cơ cấu lại bộ máy tổ chức, tăng cường công tác quản lý, trong đó chú trọng đến nâng cao vai trò của công tác kế toán.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, công tác kế toán ở đơn vị còn nhiều bất cập khi chuyển đổi sang cơ chế tài chính mới, chưa đáp ứng được nhu cầu quản lý trong bối cảnh mới. Thực tế này, đòi hỏi công tác kế toán của Bệnh viện phải được hoàn thiện trong thời gian tới.

2. Cơ sở lý thuyết
Tổng quan vấn đề nghiên cứu
Salah A. Hammad và các cộng sự (2010) đã đề xuất các khuôn khổ để kiểm tra mối quan hệ giữa các yếu tố ngữ cảnh, hệ thống kế toán quản lý và hiệu quả quản lý trong ngành y tế. Đặc biệt, nghiên cứu phát hiện ra các yếu tố thuộc ngữ cảnh ảnh hưởng đến thiết kế của công tác kế toán quản lý và qua đó tăng cường hiệu suất quản lý tại các bệnh viện Ai Cập.

Nathan Carroll và Justin C. Lord (2016) đã đề xuất giải pháp, nhằm áp dụng phương pháp kế toán chi phí ước tính cho các bệnh viện. Trong nghiên cứu xem xét các tài liệu về các chi phí tương đối lợi ích của các phương pháp kế toán khác nhau và các tài liệu quan trọng mô tả phương pháp nào được các bệnh viện sử dụng phổ biến nhất. Nó tiếp tục gợi ý rằng, bệnh viện đã không áp dụng các hệ thống kế toán chi phí phức tạp bởi vì đặc điểm của việc tổ chức công tác kế toán của bệnh viện sẽ làm chi phí tổ chức cao mà lợi ích của thông tin chi phí dịch vụ tương đối thấp.

Leslie G. Eldenburg và cộng sự (2017) đã trình bày tổng quan về tổ chức công tác kế toán quản trị và kiểm soát quản lý trong hệ thống quản lý của bệnh viện. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tùy theo đặc điểm hoạt động cũng như hình thức sở hữu của bệnh viện mà nhu cầu sử dụng thông tin kế toán phục vụ quản lý sẽ khác nhau, từ đó việc tổ chức công tác kế toán cũng khác nhau.

Ngô Nữ Quỳnh Trang (2014) đã tập trung nghiên cứu sâu những vấn đề lý luận cơ bản tổ chức công tác kế toán ở các đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực y tế. Khảo sát, phân tích để tìm hiểu, đánh giá thực trạng tổ chức công tác kế toán tại bệnh viện. Theo đó, công tác kế toán của các đơn vị ngành y tế nói chung và của Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng nói riêng, hiện tại còn nhiều bất cập. Do vậy, việc hoàn thiện tổ chức công tác kế toán cho bệnh viện là cần thiết như: Hoàn thiện các quy trình kế toán nhằm hướng dẫn cụ thể cho các cá nhân và đơn vị thực thi tốt chính sách, chế độ kế toán theo quy định; Cần chú trọng nâng cao trình độ nhân viên kế toán, nhằm đáp ứng tốt nghiệp vụ chuyên môn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công việc. Đồng thời, chú trọng hơn nữa trong việc đầu tư trang thiết bị, áp dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực kế toán nhằm đảm bảo việc xử lý công việc được kịp thời và chính xác.

Lê Thị Thúy Hằng (2017) đã dựa trên cơ sở khảo sát thực tế đã thu thập các số liệu và các tài liệu của bệnh viện nhằm phân tích, đánh giá thực trạng tổ chức kế toán ở bệnh viện. Có thể nhận thấy, trong quá trình hoạt động, tổ chức kế toán ở đơn vị đã góp phần đáng kể vào việc đáp ứng yêu cầu về cung cấp thông tin tài chính trung thực và có tác động tích cực đến công tác quản lý tài chính của đơn vị, để ngày càng phù hợp hơn với cơ chế tự chủ tài chính tại đơn vị.

Lê Văn Lượm (2019) đã phân tích và đánh giá thực trạng về tổ chức công tác kế toán tại Bệnh viện Trà Vinh, từ đó đề xuất những giải pháp có tính khả thi và thực tiễn góp phần hoàn thiện công tác kế toán tại đơn vị. Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tài chính trong bối cảnh tự chủ hiện nay, hướng tới nâng cao chất lượng dịch vụ y tế của đơn vị.

Qua các nghiên cứu được thực hiện trên, ở một khía cạnh khác nhau của từng đơn vị, đã phần nào phản ánh cơ bản được lĩnh vực và đơn vị cụ thể trong nghiên cứu của chúng tôi. Tuy nhiên, số lượng nghiên cứu vẫn chưa nhiều, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, tài chính và kế toán của bệnh viện.

Khái quát về tổ chức công tác kế toán trong các đơn vị sự nghiệp
Theo Nathan Carroll và Justin C. Lord (2016), tổ chức công tác kế toán là tổ chức thu nhận, hệ thống hoá và cung cấp toàn bộ thông tin về tình hình sử dụng tài sản, kinh phí của đơn vị nhằm phục vụ công tác quản lý tài chính và công tác nghiệp vụ ở đơn vị đó. Việc tổ chức công tác kế toán khoa học sẽ có tác dụng tích cực như: (1) Cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác cho hoạt động quản lý nói chung; (2) Tạo dựng được bộ máy kế toán gọn nhẹ mà hiệu quả; (3) Là cơ sở quan trọng để quản lý tài chính hiệu quả. Tổ chức công tác kế toán khoa học không những tiết kiệm được thời gian, nhân lực mà còn góp phần không nhỏ vào việc quản lý và sử dụng kinh phí có hiệu quả.

Theo Thông tư 107/2017/TT – BTC của Bộ Tài chính thì nội dung tổ chức công tác kế toán trong một đơn vị hành chính sự nghiệp bao gồm:

Thứ nhất, công tác lập và chấp hành dự toán thu, chi
Lập dự toán đối với đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên. Lập dự toán đối với đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (do giá, phí dịch vụ sự nghiệp công chưa kết cấu đủ chi phí, được Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo giá, phí chưa tính đủ chi phí) thì căn cứ tình hình thực hiện năm hiện hành, nhiệm vụ của năm kế hoạch, đơn vị lập kế hoạch về số lượng, khối lượng dịch vụ sự nghiệp công và dự toán thu, chi (bao gồm cả phần kinh phí ngân sách Nhà nước (NSNN) hỗ trợ do giá, phí dịch vụ sự nghiệp công chưa kết cấu đủ chi phí) báo cáo cơ quan quản lý cấp trên theo quy định. Việc phân bổ và giao dự toán của cơ quan quản lý cấp trên cho đơn vị sự nghiệp công cũng như đơn vị này chấp hành dự toán thu, chi được thực hiện theo quy định của Luật NSNN.

Thứ hai, công tác kế toán theo quá trình xử lý thông tin bao gồm:
+ Vận dụng hệ thống chứng từ kế toán: Tại Chương II, Điều 3, Thông tư 107/2017/TT – BTC của Bộ Tài chính. Quy định rõ về chứng từ kế toán, các đơn vị hành chính, sự nghiệp đều phải sử dụng thống nhất mẫu chứng từ kế toán thuộc loại bắt buộc quy định trong thông tư này. Trong quá trình thực hiện, các đơn vị không được sửa đổi biểu mẫu chứng từ thuộc loại bắt buộc. Ngoài các chứng từ kế toán bắt buộc được quy định tại thông tư này và các văn bản khác, đơn vị hành chính, sự nghiệp được tự thiết kế mẫu chứng từ để phản ánh các nghiệp vụ kinh tế phát sinh.
+ Vận dụng hệ thống tài khoản kế toán: Hệ thống tài khoản kế toán áp dụng cho các đơn vị sự nghiệp do Bộ Tài chính quy định thống nhất về loại tài khoản, số lượng tài khoản, ký hiệu, tên gọi và nội dung ghi chép của từng tài khoản. Các đơn vị sự nghiệp khác nhau, có đặc điểm và hình thức hoạt động khác nhau nên cần phải sử dụng các tài khoản kế toán chi tiết khác nhau để thu nhận, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin phục vụ cho yêu cầu quản lý tại đơn vị.
+ Vận dụng hệ thống sổ kế toán: Mỗi đơn vị kế toán chỉ sử dụng một hệ thống sổ kế toán cho một kỳ kế toán năm, bao gồm sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết. Tùy theo hình thức kế toán đơn vị áp dụng, đơn vị phải mở đầy đủ các sổ kế toán tổng hợp, sổ kế toán chi tiết và thực hiện đầy đủ, đúng nội dung, trình tự và phương pháp ghi chép đối với từng mẫu sổ kế toán.
+ Vận dụng hệ thống báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán: Báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán dùng để tổng hợp tình hình về tài sản, tiếp nhận và sử dụng kinh phí NSNN; Tình hình thu, chi và kết quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp trong kỳ kế toán, cung cấp thông tin kinh tế, tài chính chủ yếu cho việc đánh giá tình hình thực trạng của đơn vị, là căn cứ quan trọng giúp cơ quan Nhà nước, lãnh đạo đơn vị kiểm tra, giám sát điều hành hoạt động của đơn vị.

Thứ ba, công tác kiểm tra kế toán và công khai tài chính
Theo Luật Kế toán 2015, kiểm tra kế toán là một trong những nội dung quan trọng của tổ chức công tác kế toán trong đơn vị nhằm đảm bảo thực hiện nghiêm túc Luật Kế toán, chuẩn mực, chế độ kế toán và các quy định pháp lý có liên quan, đồng thời ngăn ngừa hiện tượng tham ô, lãng phí hoặc kịp thời sửa chữa, bổ sung, chỉnh sửa những vấn đề có khiếm khuyết. Nội dung kiểm tra kế toán gồm: (1) Kiểm tra việc thực hiện các nội dung công tác kế toán; (2) Kiểm tra việc tổ chức bộ máy kế toán và người làm kế toán; (3) Kiểm tra việc tổ chức quản lý và hoạt động nghề nghiệp kế toán; (4) Kiểm tra việc chấp hành các quy định khác của pháp luật về kế toán. Công khai tài chính ở các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định tại Thông tư số 61/2017/TT-BTC, ngày 15/6/2017 hướng dẫn về công khai ngân sách đối với đơn vị dự toán ngân sách, tổ chức được NSNN hỗ trợ. Các nội dung công khai tài chính bao gồm: (1) Công khai kinh phí NSNN hỗ trợ; (2) Công khai số liệu và thuyết minh tình hình thực hiện dự toán NSNN hỗ trợ (quý, 6 tháng, năm); (3) Công khai quyết toán NSNN hỗ trợ.

3. Phương pháp nghiên cứu và mô hình nghiên cứu
Để thực hiện đề tài, tác giả sử dụng nhóm phương pháp nghiên cứu định tính như khảo sát, thống kê mô tả, phân tích và nội suy nhằm tìm hiểu, đánh giá thực trạng tổ chức công tác kế toán của bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện tổ chức công tác kế toán của Bệnh viện. Dữ liệu sử dụng trong nghiên cứu chủ yếu là dữ liệu thứ cấp, bao gồm tài liệu phản ảnh về tổ chức bộ máy kế toán; tổ chức hệ thống thông tin kế toán của bệnh viện.
Ngoài ra, tác giả còn sử dụng dữ liệu sơ cấp thông qua việc khảo sát cán bộ nhân viên thuộc các bộ phận kế toán có liên quan của Phòng Tài chính – Kế toán của Bệnh viện và Ban Giám đốc Bệnh viện, với phiếu khảo sát được thiết kế sẵn. Số lượng cán bộ nhân viên được khảo sát là 25. Nội dung khảo sát là xoay quanh việc thực hiện những nội dung tổ chức công tác kế toán theo quy định của Thông tư 107/2017/TT – BTC tại bệnh viện. Tác giả gửi phiếu khảo sát, thông tin thu thập được tác giả tiến hành tổng hợp ý kiến trả lời của các đối tượng nghiên cứu, bằng cách thống kê mô tả các câu trả lời của các đối tượng và tính phần trăm các câu trả lời với sự hỗ trợ của phần mềm Excel.

4. Thực trạng tổ chức công tác kế toán tại bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM

Thực trạng tổ chức nhân lực và trang bị phần mềm kế toán của Bệnh viện
Trong công tác quản lý tài chính của đơn vị, trong đó đơn vị 100% tự đảm bảo chi thường xuyên. Đơn vị đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ. Bắt đầu từ 01/01/2018, đơn vị áp dụng chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành theo Thông tư số 107/2017/TT – BTC, ngày 10/10/2017 (giai đoạn trước áp dụng Quyết định số 19/2006/QĐ – BTC, ngày 30/3/2006). Trong đó, mô hình tổ chức bộ máy kế toán của đơn vị vừa tập trung, vừa phân tán.