Kế toán, công cụ hỗ trợ định giá nguồn nhân lực

Kế toán, công cụ hỗ trợ định giá nguồn nhân lực

{Bài viết đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán (ISSN 1859 – 1914), số 214, Tháng 7/2021 của TS. Đinh Thị Kim Xuyến  và Th.S. Nguyễn Ánh Hồng – Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp}

Nguồn nhân lực là tài sản đặc biệt quan trọng của một doanh nghiệp. Việc định giá nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế do quan niệm của kế toán truyền thống, tất cả các chi phí hình thành vốn nhân lực được coi là một khoản phí trừ vào doanh thu trong kỳ, vì nó không tạo ra bất kỳ tài sản vật chất nào. Tuy nhiên, quan điểm này dần đã được thay đổi với việc định giá nguồn nhân lực, thông qua các phương pháp kế toán nguồn nhân lực.
Từ khóa: Nguồn nhân lực, kế toán nguồn nhân lực; công cụ định giá
Abstract:
Human resources are particularly important assets of an enterprise. The valuation of human resources has many limitations due to the concept of traditional accounting, all costs of human capital formation are considered a fee minus revenue in the period because it does not generate any financial resources. any physical product. However, this view has gradually been changed with the valuation of human resources through human resource accounting methods.
Keywords: Human resources, human resource accounting, valuation tool.

1. Đặt vấn đề
Nguồn nhân lực là tài sản đặc biệt quan trọng của một doanh nghiệp (DN). Sự thành công hay thất bại của DN phụ thuộc vào trình độ và hiệu quả công việc của nguồn nhân lực. Hiện nay, phần lớn các khoản chi phí và đầu tư cho nguồn nhân lực không được đánh giá đúng mức. Hầu hết, các DN đều coi tiền lương hay chi phí đầu tư nâng cao trình độ của nhân viên và các chi phí khác cho nguồn nhân lực là khoản chi tiêu mà không xem đó là khoản chi phí đầu tư vào tài sản là vốn con người.

Trong khi đó, chi phí cho nguồn nhân lực của DN, bao gồm chi phí phát triển đội ngũ nhân sự hay chi phí tuyển dụng đều có xu hướng gia tăng hàng năm. Việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực được xem là một khoản đầu tư hướng về tương lai, với hy vọng chất lượng nguồn nhân sự tốt sẽ giúp các DN phát triển, mở rộng quy mô, thương hiệu và danh tiếng. Nếu DN không tính toán chi tiết theo dõi khoản đầu tư này và đặc biệt không định giá được nguồn lực nhân sự thì việc đầu tư sẽ đi cùng nhiều rủi ro, không đánh giá được hiệu quả đầu tư cho tương lai.

Một trong những nguyên nhân mà DN chưa định giá được nguồn nhân lực hay chưa cung cấp được giá trị thực tế về năng lực và kiến thức của nguồn nhân lực là do: hệ thống kế toán truyền thống chưa đi sâu vào bản chất, chưa vận dụng các thước đo để đo lường, đánh giá được giá trị tài chính lẫn phi tài chính của nguồn lực này. Để hạn chế được những tồn tại đó, kế toán nguồn nhân lực được phát triển như là một bộ phận trực tiếp của kế toán xã hội, nhằm cung cấp thông tin về việc đánh giá, định giá một trong những thành phần quan trọng nhất của DN, đó là định giá nguồn nhân lực.

2. Nguồn nhân lực và vai trò trong sự phát triển của DN
Theo Liên hợp quốc thì “nguồn nhân lực là tất cả những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, năng lực và tính sáng tạo của con người có quan hệ tới sự phát triển của mỗi cá nhân và của đất nước”.[3]
Theo Ngân hàng Thế giới thì “nguồn nhân lực là toàn bộ vốn con người bao gồm: thể lực, trí lực, kỹ năng nghề nghiệp… của mỗi cá nhân”.[3]

Như vậy, nguồn nhân lực được coi như một nguồn vốn bên cạnh các loại vốn vật chất khác như vốn tiền tệ, công nghệ, tài nguyên thiên nhiên… Vốn nhân lực được hiểu chung là một tập hợp các kiến thức và năng lực, kỹ năng và đào tạo, đổi mới và năng lực, thái độ và kỹ năng, khả năng và động cơ học tập của những cá nhân thành lập DN đó.

Nguồn nhân lực giữ vai trò là nhân tố chủ yếu tạo lợi nhuận cho DN thông qua các hoạt động sáng tạo, sản xuất… Thực tế cho thấy, chỉ có con người mới sáng tạo ra các hàng hoá, dịch vụ và kiểm tra được quá trình sản xuất kinh doanh đó. Mặc dù trang thiết bị, tài sản, nguồn tài chính là những nguồn tài nguyên mà các DN đều cần phải có. Tuy nhiên, để các tài nguyên đó được vận hành một cách khoa học và tạo ra hiệu quả trong kinh doanh thì cần phải có sự tham gia của nguồn nhân lực. Không có nhân sự làm việc hiệu quả thì DN không thể nào đạt tới mục tiêu và không có nhân lực thì các nguồn lực khác của DN cũng không thể vận hành.

Nguồn nhân lực giữ vai trò là nguồn lực mang tính chiến lược của DN. Nguồn lực trong DN được cấu thành từ nhiều nguồn khác nhau như nguồn lực tài chính, nguồn lực con người… Tuy nhiên, trong điều kiện xã hội đang chuyển sang nền kinh tế tri thức, hầu hết các ngành nghề đều chịu tác động của cách mạng khoa học công nghệ thì các nhân tố vốn, nguyên vật liệu đang giảm dần vai trò của nó. Bên cạnh đó, nhân tố tri thức của con người ngày càng chiếm vị trí quan trọng. Nguồn nhân lực có tính năng động, sáng tạo và hoạt động trí óc của con người ngày càng trở nên quan trọng để có thể vận hành, nâng cấp, sửa chữa các hệ thống thiết bị máy móc công nghệ cao hay thiết lập hệ thống làm việc khoa học, tận dụng và phát huy hết được hiệu quả của các máy móc, thiết bị trong DN.

DN ngày càng phát triển và nguồn lực con người là vô tận. Nếu biết khai thác nguồn lực này đúng cách sẽ tạo ra nhiều của cải vật chất, thoả mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội nói chung và DN nói riêng.