Mở rộng hình thức nộp thuế điện tử: các Bộ, ngành cần chung tay

Mở rộng hình thức nộp thuế điện tử: các Bộ, ngành cần chung tay

Nhằm tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho Người nộp thuế; trong những năm qua, Tổng cục Thuế đã triển khai nhiều dịch vụ thuế điện tử như: cung cấp dịch vụ khai thuế điện tử cho doanh nghiệp với số lượng doanh nghiệp thực hiện đạt 99,8% số doanh nghiệp đang hoạt động; triển khai dịch vụ hoàn thuế điện tử đạt tỷ lệ 95% tổng số hồ sơ hoàn thuế GTGT đã giải quyết và tổng số tiền được hoàn của trường hợp hoàn xuất khẩu và đầu tư; thí điểm dịch vụ hóa đơn điện tử, thí điểm khai thuế điện tử đối với cá nhân cho thuê tài sản.

Ảnh minh họa, nguồn: TBTC

Đặc biệt, để tạo thuận lợi cho Người nộp thuế và với xu thế mở rộng các hình thức nộp tiền thuế vào NSNN, Tổng cục Thuế đã ký thỏa thuận phối hợp thu NSNN với 51 ngân hàng thương mại (34 ngân hàng trong nước, 17 ngân hàng nước ngoài). Đến nay, dịch vụ nộp thuế điện tử đối với doanh nghiệp đã hoạt động hiệu quả với việc có đến hơn 99% số doanh nghiệp thực hiện các nghĩa vụ thuế bằng phương thức điện tử.

Trong thời gian qua, Luật Quản lý Thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 (hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020) cũng đã có quy định về nộp thuế vào ngân sách nhà nước thông qua nhiều hình thức trong đó có “ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác và tổ chức dịch vụ theo quy định của pháp luật”(Điều 56). Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 về đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau; Tổng cục Thuế đã và đang kiến nghị với các cấp có thẩm quyền để sửa đổi các chính sách nhằm mở rộng thêm các hình thức nộp thuế điện tử, trong đó có hình thức trung gian thanh toán.

Tuy nhiên, việc sửa đổi này đang gặp một số vướng mắc như:

– Điều 26 Nghị định 83/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã có quy định về nộp thuế “thông qua ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác và tổ chức dịch vụ theo quy định của pháp luật”, nhưng tại Điều 28 cũng Nghị định nêu trên lại chỉ quy định “ngày nộp tiền thuế là ngày NNT thực hiện trích tài khoản của mình tại ngân hàng và được hệ thống của ngân hàng xác nhận giao dịch nộp thuế đã thành công”, mà chưa có quy định về việc xác định đã nộp thuế của NNT qua trung gian thanh toán hoặc tổ chức khác ngoài ngân hàng.

– Thông tư số 328/2016/TT-BTC ngày 26/12/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn thu và quản lý các khoản thu ngân sách nhà nước qua Kho bạc nhà nước cũng chưa có quy định về thu NSNN qua trung gian thanh toán.

Trong thời gian tới, để tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức trung gian thanh toán nói chung cũng như để những quy định về đa dạng các hình thức nộp thuế vào NSNN của Luật Quản lý thuế đi vào cuộc sống, thiết nghĩ không chỉ cần nỗ lực của riêng ngành Thuế mà còn cần sự phối hợp chặt chẽ của nhiều bộ ngành khác, cũng như sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ.

TCT