Năm 2020, phấn đấu lọt Top 4 ASEAN về mức độ thuận lợi thuế

Năm 2020, phấn đấu lọt Top 4 ASEAN về mức độ thuận lợi thuế

Nhờ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, Tổng cục Thuế không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý thu, chống thất thu ngân sách, mà còn mang lại sự hài lòng cho người nộp thuế. Ngành Thuế phấn đấu năm 2020, đưa Việt Nam lọt Top 4 nước đứng đầu ASEAN về mức độ thuận lợi về thuế.

Người nộp thuế thao tác check mã xác nhận đã đăng ký làm thủ tục quyết toán thuế trực tuyến tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: NM.

Cải cách toàn diện về cơ chế, chính sách và tổ chức bộ máy

Thực hiện Kế hoạch cải cách công tác quản lý thuế giai đoạn 2019 – 2020, Tổng cục Thuế đã thực hiện hàng loạt các chương trình cải cách, từ cải cách thể chế, chính sách đến cơ cấu bộ máy tổ chức. Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, nhiều quy định đang được sửa đổi, bổ sung theo hướng đơn giản, dễ thực hiện.

Về chính sách, ngoài Luật Quản lý thuế số 38 đã được Quốc hội ban hành, hiện Tổng cục Thuế đang hoàn thiện dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung các thông tư về thuế giá trị gia tăng (GTGT), dự kiến sẽ ban hành trong năm 2020; thông tư hợp nhất hướng dẫn về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thay thế các thông tư hiện hành để thực hiện thống nhất, thuận lợi trong việc tra cứu, áp dụng; thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 44/2017/TT-BTC về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý hóa giống nhau…

Về thể chế, kế hoạch cải cách đặt ra 7 nhiệm vụ gắn với các nội dung quản lý thuế cụ thể, đó là: hoàn thiện các quy định để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng quản lý rủi ro; hoàn thiện các quy định đối với giá chuyển nhượng; sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách theo hướng xã hội hoá hoạt động quản lý thuế đối với đại lý thuế, nhân viên đại lý thuế; sửa đổi bổ sung quy định đối với cá nhân kinh doanh; hoàn thiện chế độ kế toán thuế nội địa; xây dựng, hoàn thiện quy định về hoá đơn điện tử, hoá đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế; hoàn thiện quy định để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu người nộp thuế.

Đề cập đến kết quả đã đạt được trong việc cải cách thể chế, ông Cao Anh Tuấn – Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết từ năm 2019 đến nay, Tổng cục Thuế đã tham mưu với Bộ Tài chính trình Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các quy định về thể chế quản lý thuế; hoàn thiện các quy định để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng quản lý rủi ro; hoàn thiện các quy định đối với giá chuyển nhượng; sửa đổi, bổ sung quy định đối với cá nhân kinh doanh; xây dựng, hoàn thiện quy định về hoá đơn điện tử, hoá đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế…

Về tổ chức bộ máy, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, hiện Tổng cục Thuế đã kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế, theo Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, theo đó Tổng cục Thuế đã giải thể 27 đầu mối cấp phòng, giảm 56 phó trưởng phòng tại cơ quan Tổng cục Thuế.

Tại cấp cục thuế, ngành Thuế đã hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm 62 đầu mối cấp phòng. Hệ thống chi cục thuế cũng đã được sắp xếp lại theo mô hình mới, từ 711 chi cục, còn 415 chi cục thuế; từ 5.073 đội thuế còn 2.973 đội, giảm 2.100 đội thuế.

Nhiều chương trình cải cách sẽ tiếp tục được thực hiện

Chiến lược cải cách hệ thống thuế 2011 – 2020 của Thủ tướng Chính phủ là “phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam là một trong 4 nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á trong xếp hạng có mức độ thuận lợi về thuế”. Do đó, để đạt được mục tiêu này, Tổng cục Thuế cho biết sẽ phải quyết tâm, nỗ lực hơn nữa trong việc cải các công tác quản lý thuế. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, nội dung cải cách, hiện đại hoá trên tất cả các lĩnh vực đã được ban hành trong Kế hoạch cải cách quản lý thuế giai đoạn 2019 – 2020.

Cụ thể, về thể chế quản lý thuế, Tổng cục Thuế cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện theo hướng đơn giản, đồng bộ, minh bạch, phù hợp với mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, trong đó tập trung hoàn thiện và trình Chính phủ các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý thuế sửa đổi.

Ngành Thuế áp dụng thống nhất các biện pháp quản lý rủi ro trong tất cả các khâu của công tác thanh tra kiểm tra trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin; đổi mới hoạt động công tác thanh tra, kiểm tra kể từ khâu thu thập, trao đổi thông tin với các bên liên quan, đến tổ chức xây dựng và triển khai có hiệu quả các chương trình thanh tra, kiểm tra đối với từng nhóm đối tượng, lĩnh vực, chuyên ngành, trong đó chú trọng đến thanh tra giá chuyển nhượng.

Đối với công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, Tổng cục Thuế cho biết từ nay đến cuối năm 2020 sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách về quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế; áp dụng quản lý rủi ro trong công tác quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế; xây dựng và áp dụng các quy chế phối hợp giữa các ngành Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước; quy chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, tòa án liên quan đến lĩnh vực quản lý nợ; hoàn thành sổ tay hướng dẫn kỹ năng quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế; phối hợp với các đơn vị tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế.

Nói về việc đưa công nghệ thông tin áp dụng trong công tác quản lý thuế, ông Đặng Ngọc Minh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, trong năm 2020 sẽ tiếp tục phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp thông qua việc đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ thuế điện tử. Ngành Thuế tiếp tục triển khai có hiệu quả hoá đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế, dịch vụ một cửa điện tử và hỗ trợ trực tuyến tập trung tại Tổng cục Thuế.

“Tổng cục Thuế đang xây dựng kho cơ sở dữ liệu, cũng như hệ thống khai thác dữ liệu, tổng hợp báo cáo phục vụ công tác quản lý thuế theo hướng tập trung; đẩy mạnh việc áp dụng hóa đơn điện tử theo đúng lộ trình. Với trang thiết bị công nghệ thông tin hiện có, ngành Thuế hoàn toàn có thể đáp ứng được công tác quản lý thuế hiện đại, mang lại sự thuận lợi cho người nộp thuế” – ông Minh nói./