Nâng cao hiệu quả ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về kinh tế tập thể

Nâng cao hiệu quả ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về kinh tế tập thể

{Bài viết đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán (ISSN 1859 – 1914), số 212, Tháng 5/2021 của TS. Nguyễn Minh Sơn – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội và ThS. Trần Vũ Thanh – Vụ Kinh tế Quốc hội}.

Qua phân tích tình hình ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về kinh tế tập thể, các tác giả đã chỉ ra kết quả tích cực, những mặt còn tồn tại, hạn chế trong ban hành cũng như trong quá trình thực hiện để kịp thời kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện chính sách, pháp luật, nhất là pháp luật về hợp tác xã. Góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về kinh tế tập thể.
Từ khóa: Chính sách và pháp luật, kinh tế tập thể, hợp tác xã.


1. Tình hình ban hành chính sách, pháp luật về KTTT
1.1. Đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển KTTT
Kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) là thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đóng góp không nhỏ trong thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, là đầu mối tổ chức sản xuất, xác lập quan hệ sản xuất mới, giải quyết vấn đề lao động, việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Khuyến khích phát triển KTTT luôn là nội dung được quan tâm sâu sắc, khẳng định trong đường lối, chủ trương của Đảng. Ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 13-NQ/TW), nhấn mạnh: “Tiếp tục phát triển KTTT trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn, trong đó trọng tâm là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Phát triển KTTT trong nông nghiệp, nông thôn phải trên cơ sở bảo đảm quyền tự chủ của kinh tế hộ, trang trại, hỗ trợ đắc lực cho kinh tế hộ, trang trại phát triển; Gắn với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Không ngừng phát triển sức sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế”. Quá trình thực hiện Nghị quyết cho thấy đã đạt nhiều kết quả quan trọng, tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của KTTT trong nền kinh tế quốc dân.

Để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 56-KL/TW, ngày 21/2/2013 và Kết luận số 70-KL/TW, ngày 09/3/2020 về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, Khoá IX. Các kết luận của Bộ Chính trị đã chỉ rõ những mặt làm được, những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện và đề ra những định hướng lớn, quan trọng thúc đẩy KTTT tiếp tục phát triển và đóng góp quan trọng hơn, trong những giai đoạn tiếp theo.

1.2. Việc xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật về KTTT
Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Quốc hội đã ban hành Luật HTX năm 2003, Luật HTX năm 2012; cùng với nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước đã tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ cho HTX phát triển. Bản chất HTX dần được khẳng định, thể hiện tư duy mới về HTX, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, phù hợp với cơ chế thị trường.

Trong giai đoạn 2003- 2012, triển khai Luật HTX năm 2003, Chính phủ đã ban hành 34 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 25 Quyết định và 04 Chỉ thị thi hành pháp luật đối với KTTT, HTX. Các Bộ, ngành ban hành 54 Thông tư, 24 Quyết định, 3 Chỉ thị về lĩnh vực HTX.

Luật HTX năm 2003, cùng các văn bản hướng dẫn thi hành đã thể chế hóa quan điểm mới của Nghị quyết 13-NQ/TW, giúp cho việc tổ chức lại và khuyến khích thành lập mới HTX trên toàn quốc. Theo đó, HTX được thành lập dựa trên sở hữu của các xã viên và sở hữu tập thể, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm; Phân định rõ hơn chức năng của ban quản trị và chức năng điều hành của Chủ nhiệm HTX; Tiếp tục đơn giản hóa và minh bạch thủ tục thành lập và đăng ký kinh doanh; Mở rộng đối tượng là các pháp nhân, cán bộ, công chức có thể tham gia HTX. Việc triển khai Luật HTX năm 2003, đã đóng góp nhất định trong việc phát triển HTX, góp phần vào việc hoàn thiện quan hệ sản xuất và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, Luật HTX năm 2003 đã bộc lộ một số hạn chế như: Chưa thể hiện rõ bản chất tổ chức HTX với các giá trị và nguyên tắc tổ chức, hoạt động của HTX; Chưa làm rõ đặc trưng khác biệt so với HTX kiểu cũ, các loại hình doanh nghiệp và tổ chức khác; Chưa thể hiện rõ nội hàm hợp tác của tổ chức HTX là phục vụ và mang lại lợi ích cho xã viên với tư cách vừa là người chủ vừa là khách hàng của HTX. Tình hình thực tiễn đòi hỏi khung pháp luật về HTX cần được sửa đổi, bổ sung phù hợp với kinh nghiệm quốc tế và đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Năm 2012, Luật HTX mới được ban hành, cơ bản đã thể chế hóa đầy đủ quan điểm về bản chất tổ chức HTX đã được đề ra trong Nghị quyết số 13-NQ/TW, đã được tiếp thu kinh nghiệm phổ biến trên thế giới và phù hợp với xu hướng mới phát triển HTX ở nước ta. Từ khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành 29 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 17 Quyết định và 03 Chỉ thị; các Bộ, ngành ban hành 35 Thông tư, 19 Quyết định, 4 Chỉ thị và nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện.

Bên cạnh đó, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 32/2016/QH14, ngày 23/11/2016 về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó đã yêu cầu xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo môi trường thuận lợi cho các HTX nông nghiệp phát triển; thúc đẩy và nhân rộng mô hình liên doanh, liên kết có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

Từ sau khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực thi hành, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển HTX cũng đã được ban hành như chính sách hỗ trợ chung về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; Ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; Tiếp cận vốn và Quỹ hỗ trợ phát triển HTX; Tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế – xã hội; Thành lập mới HTX, Liên hiệp HTX (LHHTX). Bên cạnh đó, các HTX nông nghiệp còn có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi riêng về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đất đai, tín dụng, vốn, giống, chế biến sản phẩm. Ngoài ra, các HTX còn được hưởng các chính sách hỗ trợ khác như chính sách bảo hiểm xã hội, y tế, tài sản, mùa màng, hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của HTX với doanh nghiệp,… Các chính sách hỗ trợ phát triển HTX bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực.