Nâng cao hiệu quả hệ thống kiểm soát nội bộ tại các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam

Nâng cao hiệu quả hệ thống kiểm soát nội bộ tại các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam

{Bài viết đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán (ISSN 1859 – 1914), số 210, Tháng 3/2021 của Ths. Trịnh Ngọc Anh – Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH)}.


Mục tiêu của nghiên cứu là xác định và đo lường mức độ tác động của các nhân tố đến hiệu quả hệ thống kiểm soát nội bộ (KSNB) tại các doanh nghiệp (DN) viễn thông Việt Nam theo hướng quản trị rủi ro, từ đó có những hàm ý chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hệ thống KSNB, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho các DN. Tác giả đã sử dụng kết hợp phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng để thực hiện đề tài nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu đã xác định có 8 nhân tố tác động đến hiệu quả hệ thống KSNB tại các DN viễn thông Việt Nam, đó là Môi trường quản lý; Thiết lập mục tiêu; Nhận dạng sự kiện tiềm tàng; Đánh giá rủi ro; Phản ứng với rủi ro; Các hoạt động kiểm soát; Thông tin và truyền thông và Hoạt động giám sát.
Từ khóa: Kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro, viễn thông.


1. Đặt vấn đề
Toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế là cơ hội để phát triển nhưng cũng ẩn chứa rất nhiều thách thức đối với mọi nền kinh tế, đặc biệt là ở những quốc gia đang phát triển. Đặc biệt, khi mở cửa thị trường theo các cam kết hội nhập với khu vực và thế giới thì những ngành sản xuất, dịch vụ trong nước sẽ phải đối mặt với một áp lực cạnh tranh rất lớn. Các DN nước ngoài với khả năng to lớn về vốn, công nghệ hiện đại và bề dày kinh nghiệm quản lý kinh doanh sẽ là những đối thủ quá tầm đối với các DN Việt Nam.

Đối với ngành viễn thông Việt Nam, do vai trò quan trọng của ngành vừa là một ngành hạ tầng, vừa là một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự xã hội, nâng cao dân trí của người dân, yêu cầu sớm có một kế hoạch phát triển cho phù hợp với tình hình mới lại càng cấp bách hơn. Để khắc phục những hạn chế đang tồn tại và chuẩn bị tốt nhất cho quá trình hội nhập sâu rộng, ngay từ bây giờ, ngành viễn thông Việt Nam cần có những biện pháp phát triển mới theo hướng bền vững. Theo đó, đi đôi với sự phát triển và tốc độ tăng trưởng kinh doanh thì các DN viễn thông phải hết sức chú ý, cảnh giác với những rủi ro trong các hoạt động do môi trường cạnh tranh mang đến.

Rủi ro luôn là vấn đề thường mắc phải hầu hết các bộ phận trong DN. Các DN viễn thông đang chịu áp lực to lớn về tốc độ tăng trưởng, nếu quản lý và kiểm soát của mỗi DN không theo kịp được sự phát triển trong hoạt động thì nguy cơ xảy ra rủi ro rất lớn. Rủi ro trong ngành viễn thông thường bao gồm rủi ro từ cạnh tranh về giá; rủi ro cạnh tranh về khuyến mại; rủi ro từ chiến lược kinh doanh; rủi ro hạ tầng – chất lượng dịch vụ. Vì vậy, việc đảm bảo tính bền vững và ổn định trong phát triển trở thành mục tiêu quan trọng trong quản lý và điều hành của các DN viễn thông. Một trong những giải pháp mang tính chiến lược và cấp thiết là tổ chức lại và nâng cao hệ thống KSNB trong DN viễn thông. Chính vì thế, việc nghiên cứu nhằm đề xuất những giải pháp hoàn thiện hệ thống KSNB có khả năng ứng phó với những thay đổi do rủi ro trong hoạt động từ môi trường cạnh tranh của các DN viễn thông, là vấn đề cần thiết hiện nay.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Tổng quan nghiên cứu
Theo Tatiana Dănescu và các cộng sự (2012), những thông tin tài chính hữu ích cho quá trình đưa ra quyết định nội bộ cũng như những người sử dụng với mục đích khác phải hợp lý, có thể so sánh được và đáng tin cậy. Kiến thức, hiểu biết và vận dụng chuẩn mực tài chính kế toán, những thủ tục và chính sách đặc biệt quan trọng để đảm bảo miêu tả vững vàng về biểu hiện và tình hình tài chính, hoặc để tuân thủ những khuôn khổ ràng buộc cơ bản. Cơ chế KSNB thích hợp, đáp ứng đủ các yêu cầu trên sẽ ngăn ngừa được các rủi ro ảnh hưởng đến các báo cáo kế toán – tài chính một cách hiệu quả và nhanh chóng. Để đạt được những mục tiêu đó, DN cần phải có một công cụ quản trị dự báo rủi ro xảy ra trong tương lai. Theo đó, DN có thể thực hiện các hoạt động KSNB nhằm ứng phó với những rủi ro tiềm ẩn một cách nhanh nhất.

Tác giả Nguyễn Thu Hoài (2011) đã đề cập tới hệ thống KSNB trong điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin, luận án cũng nêu ra được đặc điểm hoạt động sản xuất – kinh doanh tại các đơn vị thuộc công ty xi măng. Từ đó đánh giá được thực trạng và đưa ra giải pháp hoàn thiện hệ thống KSNB cho công ty, với việc ưu tiên các vấn đề về ứng dụng ERP, hệ thống đánh giá rủi ro, môi trường kiểm soát, hệ thống kế toán, thủ tục kiểm soát.
Còn tác giả Bùi Thị Minh Hải (2012) đã nghiên cứu đánh giá được thực trạng hệ thống KSNB trong các công ty may mặc Việt Nam, lập mẫu bảng câu hỏi điều tra các công ty, thông qua việc khảo sát các yếu tố thuộc hệ thống KSNB của DN như môi trường kiểm soát, hệ thống thông tin, các thủ tục kiểm soát, từ đó đưa ra các giải pháp hoàn thiện.

Tác giả Nguyễn Thị Lan Anh (2013) đã tổng hợp toàn diện các quan điểm khác nhau về hệ thống KSNB, đồng thời chỉ ra được những đặc điểm của các tập đoàn nói chung và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam nói riêng, tác động đến việc thiết kế và vận hành hệ thống KSNB. Tác giả đã tiến hành khảo sát và phân tích các yếu tố cấu thành của hệ thống KSNB, tại Tập đoàn Hoá chất Việt Nam. Trên cơ sở đó, đánh giá những điểm mạnh và điểm yếu của các yếu tố cấu thành nên hệ thống KSNB. Các nguyên nhân được luận giải và là cơ sở đề xuất được những quan điểm và giải pháp khả thi, nhằm hoàn thiện hệ thống KSNB tại Tập đoàn.

Tác giả Huỳnh Xuân Lợi (2013) đã đánh giá thực trạng hệ thống KSNB trong các công ty vừa và nhỏ tại Bình Định, xác định các nguyên nhân ảnh hưởng đến các nhân tố cấu thành nên hệ thống KSNB của các đơn vị. Từ đó đề ra các giải pháp hoàn thiện hệ thống KSNB cho các công ty, nhằm giúp cho công ty có thể ứng phó, bảo đảm an toàn các hoạt động của đơn vị trước các rủi ro tiềm ẩn trong kinh doanh.

\2.2. Khái quát về KSNB theo hướng ứng phó với rủi ro trong DN viễn thông
Theo COSO năm 2004, hệ thống KSNB theo hướng quản trị rủi ro ra đời đã cung cấp một định nghĩa thống nhất, một cách hiểu chung nhất được chấp nhận rộng rãi về vấn đề quản trị rủi ro thông qua hệ thống KSNB, hỗ trợ các nhà quản lý DN kiểm soát tốt hơn các hoạt động của đơn vị theo hướng ứng phó rủi ro có thể xảy ra một cách chủ động. Theo đó, hệ thống KSNB theo hướng ứng phó với rủi ro trong DN bao gồm 8 yếu tố. Đó là: Môi trường kiểm soát; Thiết lập mục tiêu, Nhận dạng sự kiện tiềm tàng, Đánh giá rủi ro; Phản ứng rủi ro; Các hoạt động kiểm soát; Thông tin, truyền thông và Giám sát. Kiểm soát và ứng phó với rủi ro thông qua việc xây dựng hệ thống KSNB, đang được xem là một xu hướng mới của các nền kinh tế, một cách thức tốt nhất để đảm bảo nguồn lực bên trong và bên ngoài của DN, được sử dụng một cách hữu hiệu và hiệu quả, nhằm mục đích tối thiểu hóa rủi ro và tối đa hóa lợi nhuận.