Ngành Thuế tăng cường công tác thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế

Ngành Thuế tăng cường công tác thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế

Tổng cục Thuế vừa ban hành văn bản số 769/TCT-TTKT ngày 17/3/2022 yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp chống thất thu, đảm bảo thu đúng, đủ vào ngân sách nhà nước (NSNN). Trong đó tập trung thanh kiểm tra đối với một số ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao, đặc biệt là các doanh nghiệp có rủi ro cao về hoàn thuế, hóa đơn, giao dịch liên kết, kinh doanh thương mại điện tử cũng như các ngành nghề tăng trưởng mạnh, có dư địa thu.

Đối với lĩnh vực hóa đơn, văn bản số 769/TCT-TTKT yêu cầu toàn Ngành tăng cường công tác thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế tại doanh nghiệp kết hợp với việc kiểm tra sử dụng hóa đơn nhằm phát hiện việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, qua đó xử lý vi phạm về hóa đơn, thuế theo quy định.

Tăng cường công tác quản lý hoàn thuế, đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng theo quy định. Đánh giá rủi ro để lựa chọn, rà soát và kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao, kiểm tra chặt chẽ số chi hoàn thuế giá trị gia tăng, phát hiện kịp thời những trường hợp lợi dụng chính sách để hoàn thuế không đúng đối tượng, sai mục đích…

Đối với hoạt động thương mại điện tử, Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan Thuế các cấp tăng cường các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác thanh kiểm tra đối với loại hình kinh doanh thương mại điện tử trên toàn quốc, đặc biệt chú trọng các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam và hoạt động thông qua các sàn thương mại điện tử. Rà soát dữ liệu về các tổ chức, cá nhân có thu nhập nhận được từ các trang mạng xã hội để có thông báo yêu cầu kê khai nộp thuế…

Đồng thời, triển khai đôn đốc thu nộp đầy đủ, kịp thời số tiền tăng thu qua thanh kiểm tra và nợ đọng thuế. Các đoàn thanh kiểm tra theo dõi, đẩy mạnh việc đôn đốc thu hồi kịp thời các khoản tiền thuế, tiền phạt qua thanh kiểm tra vào NSNN; triển khai quyết liệt các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế để thu hồi nợ thuế vào NSNN; tập trung xử lý miễn tiền chậm nộp theo Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 và Nghị định số 92/2021/NĐ-CP; phối hợp chặt chẽ với Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, cơ quan kế hoạch đầu tư… thực hiện nhiệm vụ đôn đốc thu hồi tiền thuế nợ vào NSNN.

Đối với công tác chống thất thu ngân sách, Tổng cục Thuế yêu cầu cơ quan thuế chủ động lập kế hoạch phối hợp với các cơ quan, ban ngành trên địa bàn. Trong đó, cơ quan thuế cần tham mưu cấp ủy và chính quyền địa phương chỉ đạo cơ quan công an và các ban ngành triển khai quy chế phối hợp để đấu tranh chống các hành vi trốn, gian lận thuế, tội phạm về thuế.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành để nắm bắt thông tin, phát hiện kịp thời các doanh nghiệp có rủi ro cao việc chuyển giá, chuyển lợi nhuận, tránh thuế để tập trung thanh kiểm tra và xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp có hành vi vi phạm về thuế trong lĩnh vực giá chuyển nhượng…