Ngành Thuế tăng cường triển khai công tác chuẩn bị để sẵn sàng áp dụng HĐĐT tại 57 tỉnh, thành phố

Ngành Thuế tăng cường triển khai công tác chuẩn bị để sẵn sàng áp dụng HĐĐT tại 57 tỉnh, thành phố

Ngày 24/2/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành Quyết định số 206/QĐ-BTC ngày 24/2/2022 triển khai áp dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) tại 57 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Quyết định 206). Triển khai ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính, ngày 25/2/2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn đã tổ chức họp rà soát tiến độ triển khai HĐĐT giai đoạn 2 tại 57 tỉnh, thành phố và ban hành Thông báo số 62/TB-TCT chỉ đạo các Cục Thuế thực hiện.

Ngành Thuế tiếp tục thành lập các Trung tâm điều hành triển khai HĐĐT, công bố đường dây nóng tại Cục Thuế và Chi cục Thuế để tiếp nhận và hỗ trợ người nộp thuế.

Quyết định 206 quy định việc triển khai áp dụng HĐĐT đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên địa bàn 57 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (trừ một số trường hợp không đủ điều kiện theo quy định). Thời gian thực hiện từ tháng 04/2022.

Quyết định quy định trách nhiệm Cục Thuế 57 tỉnh, thành phố. Cụ thể:

Thứ nhất, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo triển khai áp dụng HĐĐT tại địa phương nêu tại Quyết định này do Lãnh đạo tỉnh, thành phố làm Trưởng Ban và thành viên là đại diện lãnh đạo của Cục Thuế và các sở, ban, ngành có liên quan (sau đây gọi là Ban Chỉ đạo)Ban Chỉ đạo có Tổ thường trực triển khai do Cục trưởng Cục Thuế làm Tổ trưởng và thành viên là đại diện lãnh đạo, công chức các Chi cục, Phòng thuộc Cục Thuế và đại diện các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan trên địa bàn;

Thứ hai, chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các báo đài, tổ chức truyền thông tại địa phương để tuyên truyền kịp thời lợi ích của việc thực hiện HĐĐT và những nội dung mới của HĐĐT theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC. Chuẩn bị và cung cấp nội dung tuyên truyền phù hợp từng đối tượng khác nhau và bằng các hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng liên tục trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện;

Thứ ba, rà soát, phân loại người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn là đối tượng sử dụng các loại HĐĐT theo quy định để thông báo đến từng đơn vị các nội dung ngay từ ngày bắt đầu triển khai thực hiện; chuẩn bị điều kiện về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để thực hiện việc lập, chuyển dữ liệu HĐĐT đến cơ quan thuế, gửi HĐĐT cho người mua và các nội dung khác về quản lý, sử dụng HĐĐT;

Thứ tư, rà soát và thông báo đến các tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT trên địa bàn về việc triển khai HĐĐT để các tổ chức chuẩn bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng được việc cung cấp dịch vụ HĐĐT cho khách hàng theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC;

Thứ năm, tổ chức tập huấn cho người nộp thuế và cán bộ thuế quy định về HĐĐT tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC để đảm bảo triển khai thực hiện HĐĐT có kết quả;

Thứ sáu, thành lập Trung tâm điều hành triển khai và công bố đường dây nóng tại Cục Thuế và Chi cục Thuế để tiếp nhận và hỗ trợ người nộp thuế triển khai HĐĐT. Thường xuyên rà soát, nắm bắt các vướng mắc trong quá trình chuẩn bị và trong thời gian đầu thực hiện HĐĐT để xử lý ngay các vướng mắc phát sinh tại địa phương.

Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, các Cục Thuế phải kịp thời báo cáo Uỷ ban nhân dân, Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính để tháo gỡ kịp thời.