Nghiên cứu về tính hữu hiệu của hệ thống thông tin kế toán trong các doanh nghiệp dệt may Việt Nam

Nghiên cứu về tính hữu hiệu của hệ thống thông tin kế toán trong các doanh nghiệp dệt may Việt Nam

{Bài viết đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán (ISSN 1859 – 1914), số 210, Tháng 3/2021 của  PGS.TS. Trần Mạnh Dũng – Đại học Kinh tế Quốc Dân) và Ths. NCS. Nguyễn Thị Hoài Thu – Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Đại học Thái Nguyên}


Nghiên cứu này được thực hiện, nhằm xem xét và phân tích tính hữu hiệu của hệ thống thông tin kế toán (HTTTKT) trong các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Nghiên cứu đã đề xuất tiêu chí đo lường tính hữu hiệu của HTTTKT, trong các doanh nghiệp nói chung và trong các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nói riêng. Tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu hỗn hợp, kết hợp giữa phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng. Kết quả nghiên cứu đã đưa ra bốn thành phần đo lường tính hữu hiệu của HTTTKT; đó là chất lượng HTTTKT, chất lượng thông tin kế toán do HTTTKT tạo ra, những ảnh hưởng tích cực đối với cá nhân và tổ chức.
Từ khóa: Hệ thống thông tin kế toán, tính hữu hiệu, doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Abstract
This main purpose of study is to consider and analyze the effectiveness of accounting information system (AIS) in the textile and garment firms in Vietnam. The study has proposed the criteria of the effectiveness of AIS in the textile and garment firms in Vietnam. We employ mixed research methodology, combining qualititive and quantitative research approaches. The results showed four components to measure the effectiveness of AIS, including the quality of AIS, the quality of accounting information, positive individual impact and organization impact.
Key words: Accounting information system, the effectiveness, the textile and garment enterprise in Vietnam.


1. Giới thiệu
Hệ thống thông tin kế toán là một bộ phận quan trọng của hệ thống thông tin (HTTT), việc đánh giá tính hữu hiệu của HTTTKT dựa trên việc đánh giá tính hữu hiệu của HTTT. Tính hữu hiệu là một khái niệm luôn hiện hữu trong các lý thuyết về HTTT. Đánh giá HTTT hữu hiệu là việc đo lường và phân tích sự hài lòng của người sử dụng hệ thống được thúc đẩy, dựa trên yêu cầu của nhà quản lý nhằm cải thiện HTTT (Bailey và Pearson, 1983). Các nghiên cứu trước đều cho rằng, một hệ thống hữu hiệu là một hệ thống mà người sử dụng hài lòng về tổng thể hệ thống, về phần cứng và phần mềm của hệ thống, về thông tin mà hệ thống cung cấp hay chính là nhận thức của người sử dụng về mức độ mà hệ thống đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng. Trong bối cảnh HTTTKT, sự hài lòng của người sử dụng đối với HTTTKT là thang đo các khía cạnh xã hội của hệ thống gồm cả thông tin đầu ra của hệ thống và quy trình sản xuất đầu ra. Tính hữu hiệu của HTTTKT cũng cần phải đặt trong bối cảnh tổ chức. Tính hữu hiệu của HTTTKT được đánh giá không chỉ theo khía cạnh mục đích của hệ thống, mà còn phải được đánh giá phụ thuộc vào những các yếu tố của tổ chức. Trong nghiên cứu này, tính hữu hiệu của HTTTKT là sự hài lòng của người sử dụng về HTTTKT, về chất lượng thông tin mà HTTTKT cung cấp và về những lợi ích mà HTTTKT mang lại cho cá nhân người sử dụng và cho tổ chức.

Chất lượng HTTTKT: Chất lượng hệ thống là khả năng mà hệ thống có thể cung cấp các đặc tính theo yêu cầu của người sử dụng (Sacer và Oluic, 2013). Việc đo lường chất lượng hệ thống được tiếp cận theo nhiều chiều khác nhau, như: hữu hình, vô hình, kỹ thuật, vận hành (Ifinedo và Nahar, 2006). Cách tiếp cận để đo lường chất lượng thông tin phổ biến, nhất là thông qua nhận thức của người sử dụng hệ thống. Ives và cộng sự (1983) cho rằng, quan điểm của người sử dụng hệ thống phản ảnh chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống thực tại. Một hệ thống có chất lượng tốt được phản ánh bởi một hệ thống có độ tin cậy cao, dựa trên nhận thức của người sử dụng. DeLone và McLean (2003) đã đo lường chất lượng hệ thống dựa theo tính dễ sử dụng, chức năng, độ tin cậy, tính linh hoạt, chất lượng dữ liệu, tính di động, tính tích hợp và tầm quan trọng. Ifinedo và Nahar (2006) đo lường chất lượng hệ thống theo tính linh hoạt của hệ thống, tính dễ sử dụng và dễ học hỏi, tính chính xác của dữ liệu, độ tin cậy, tính năng tốt và đáp ứng yêu cầu của người sử dụng.

Chất lượng thông tin: Sự hài lòng của người sử dụng về thông tin mà HTTTKT cung cấp là mức độ tin tưởng của người sử dụng về hệ thống, sẽ đáp ứng được yêu cầu về thông tin của họ (Ives và cộng sự, 1983). HTTTKT cung cấp thông tin hỗ trợ ra quyết định, giúp người sử dụng ra quyết định chính xác và biện minh phù hợp cho các vấn đề đã ra quyết định (Medina và cộng sự, 2014). Vì vậy, chất lượng thông tin chính là khả năng đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của người sử dụng. Các nhà nghiên cứu đã đo lường chất lượng thông tin của HTTTKT gồm tính chính xác, kịp thời, dễ hiểu, đầy đủ, tin cậy, phù hợp và nhất quán (Dehghanzade và cộng sự, 2011; Ismail, 2009; DeLone và McLean, 2003…).

Ảnh hưởng của HTTTKT đến cá nhân và tổ chức: Những ảnh hưởng hay lợi ích mà HTTTKT mang lại cho tổ chức và cá nhân người sử dụng, có thể là lợi ích tài chính hoặc phi tài chính. Tuy nhiên, lợi ích của việc đầu tư công nghệ thì thường khó đo lường về mặt tài chính. Bên cạnh đó, lợi ích phi tài chính lại có thể nhận thấy bởi sự cải tiến về quy trình làm việc, nâng cao năng suất, giảm thiểu chi phí (Myers và cộng sự, 1997). Về mặt kỹ thuật, HTTTKT đóng vai trò là hệ thống hỗ trợ cho người ra quyết định thực hiện các hoạt động lập kế hoạch và kiểm soát cho tổ chức của họ (Kharuddin và cộng sự, 2010). HTTTKT không chỉ được thiết kế và vận hành để thực hiện các chức năng kế toán (Belfo và Trigo, 2013; Pierre và cộng sự), mà còn được sử dụng để quản lý hiệu quả các hoạt động kinh doanh của tổ chức. Việc sử dụng công nghệ trong công việc kế toán giúp tạo ra nhanh chóng các thông tin liên quan đến kế toán, hỗ trợ quan trọng cho quá trình hoạt động kinh doanh (Sacer và Oluic, 2013; Mitchell và cộng sự, 2000).