Những điểm nhấn trong phân tích báo cáo tài chính chuyển đổi theo IFRS

Những điểm nhấn trong phân tích báo cáo tài chính chuyển đổi theo IFRS

{Bài viết đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán (ISSN 1859 – 1914), số 210, Tháng 3/2021 của  TS. Lê Đình Trực và TS. Lê Đoàn Minh Đức –  Khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM}


Việt Nam đang tiến hành quá trình chuyển đổi báo cáo tài chính (BCTC) theo chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) trong xu thế hòa nhập toàn cầu. Nhằm nghiên cứu những thay đổi chủ yếu ảnh hưởng đến việc thu thập, đánh giá, phân tích thông tin tài chính của người sử dụng khi BCTC chuyển đổi sang IFRS, chúng tôi đi sâu vào nghiên cứu những điểm thay đổi cơ bản khi BCTC chuyển đổi sang IFRS.
Từ khóa: Báo cáo tài chính, IFRS, phân tích báo cáo tài chính
Abstract
Vietnam is implementing the process of converting financial statements to international financial reporting standards (IFRS) in the trend of global integration. The objective of the paper is to identify the major changes affecting the collection, evaluation and analysis of financial information when the financial statements shall be converted to IFRS. We research insight into the fundamental changes when the financial statements are converted to IFRS.
Keywords: Financial statements, IFRS, analysis of financial statements.


1. Giới thiệu
Việt Nam đang trong quá trình hòa hợp BCTC với IFRS, trong xu thế hội nhập quốc tế. Việc áp dụng IFRS vào lập và trình bày BCTC sẽ mang lại nhiều lợi ích, đồng thời sẽ có những thách thức, khó khăn nhất định.

IFRS do Ủy ban Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IASB) ban hành, đã nhanh chóng được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Việc áp dụng IFRS sẽ mang lại lợi ích to lớn như làm tăng tính tin cậy, minh bạch và tính dễ so sánh thông tin, giảm chi phí huy động vốn. IFRS cũng giúp các doanh nghiệp và thị trường hoạt động hiệu quả hơn, nhờ có một chuẩn mực thống nhất trên phạm vi toàn cầu và có thể áp dụng cho các nền kinh tế phát triển và mới nổi. Thời gian gần đây, có nhiều nghiên cứu về chủ đề này ở nhiều hướng tiếp cận khác nhau như: Lợi ích của IFRS; Thuận lợi và khó khăn khi Việt Nam chuyển đổi BCTC theo IFRS; Khả năng và phương hướng áp dụng IFRS; So sánh những điểm tương đồng và khác biệt giữa BCTC Việt Nam và IFRS,…

Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về phân tích BCTC trong quá trình chuyển đổi và sau quá trình chuyển đổi sang IFRS. Với câu hỏi nghiên cứu, liệu rằng BCTC khi chuyển đổi sang IFRS thì có những thay đổi chủ yếu gì ảnh hưởng đến thu thập số liệu, đánh giá, phân tích của người sử dụng thông tin, chúng tôi đi sâu vào nghiên cứu những điểm nhấn cơ bản khi BCTC chuyển đổi sang IFRS nhằm đáp ứng mục tiêu nâng cao kết quả phân tích BCTC đáng tin cậy và hữu ích cho người sử dụng thông tin.

2. Phương pháp nghiên cứu
Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính thông qua các tài liệu về kế toán đáng tin cậy liên quan đến chủ đề nghiên cứu để nhận diện xu hướng chuyển đổi BCTC theo IFRS, những điểm khác biệt chủ yếu giữa BCTC được lập theo chuẩn mực kế toán Việt Nam hiện hành với BCTC lập theo IFRS. Do vậy, dưới góc nhìn của người phân tích BCTC, những điểm khác biệt này liệu có tạo nên sự thay đổi hoặc điểm nhấn đối với phân tích BCTC trong quá trình chuyển đổi và sau quá trình chuyển đổi sang IFRS hay không, từ đó mang lại kết quả phân tích hợp lý và đáng tin cậy cho người sử dụng thông tin.

3. Báo cáo tài chính
BCTC phản ánh tổng quát thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp thông qua các khoản mục được tổng hợp từ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh (Chuẩn mực Kế toán Việt Nam – VAS số 01) và cung cấp thông tin tài chính hữu ích cho các bên liên quan như cổ đông, nhà đầu tư, người cho vay, cơ quan Nhà nước. Thông tin trình bày trên BCTC là kết quả của quá trình: (i) Ghi nhận các nghiệp vụ kinh tế phát sinh; (ii) Giải thích về các hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính bằng hình thức báo cáo và (iii) Công bố các thông tin tài chính, phi tài chính, lựa chọn các chính sách kế toán và các ước tính kế toán bằng bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, thuyết minh báo cáo tài chính và một số báo cáo bổ sung khác.

BCTC bị chi phối bởi các khuôn khổ thể chế (K.R.Subramanyam, 2014) chủ yếu: kế toán dồn tích, ủy quyền báo cáo cho các nhà quản trị, các chuẩn mực báo cáo, kiểm toán độc lập, trách nhiệm pháp lý. Kế toán dồn tích tôn trọng tình hình thực tế kinh doanh thông qua ghi nhận các nghiệp vụ về doanh thu, chi phí tại thời điểm phát sinh, thay vì thời điểm thực thu tiền hay thực chi tiền. Khi thực hiện BCTC, các nhà quản trị được ủy quyền trách nhiệm đối với việc áp dụng các phương pháp kế toán và chủ động lựa chọn các chính sách kế toán, các ước tính kế toán.

Để các ước tính kế toán được tính toán hợp lý và các chính sách kế toán được sử dụng thống nhất theo thời gian hoặc so sánh giữa các công ty với nhau, những chuẩn mực báo cáo gồm nguyên tắc kế toán và kiểm toán được thiết kế như tiêu chuẩn để thực hiện nhằm tăng độ tin cậy của các báo cáo tài chính. Hơn nữa, kiểm toán độc lập với vai trò là bên thứ ba độc lập và đủ năng lực, sẽ làm gia tăng độ tin cậy và tính trung thực hợp lý của BCTC thông qua công việc kiểm toán. Kiểm toán cũng đánh giá mức độ nhất quán và hợp lý của nguyên tắc và quy ước kế toán được sử dụng bởi nhà quản lý. Đồng thời, môi trường pháp lý chặt chẽ cũng có ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng của BCTC.

BCTC Việt Nam và IFRS ban đầu được xây dựng, dựa trên nền tảng chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) nên có rất mức độ tương đồng cao, theo một số nghiên cứu gần đây. Bên cạnh đó, BCTC Việt Nam có tùy chỉnh phù hợp với bối cảnh Việt Nam, trong khi IFRS đã có nhiều thay đổi qua thời gian. Do vậy, BCTC Việt Nam và IFRS có nhiều điểm khác biệt cơ bản (Hình 1) như mẫu biểu, cơ sở kế toán, ước tính kế toán và thời điểm hạch toán, nội dung hạch toán một số khoản mục,…