Quản trị quan hệ nhà cung cấp tại các doanh nghiệp chế biến cà phê Việt Nam

Quản trị quan hệ nhà cung cấp tại các doanh nghiệp chế biến cà phê Việt Nam

Quản trị quan hệ nhà cung cấp quyết định tới kết quả quá trình kinh doanh chiến lược của doanh nghiệp. Để có được nguồn cung ổn định, chất lượng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chế biến (DNCB) cà phê, việc phát triển quan hệ nhà cung cấp chiến lược là nhiệm vụ cần được ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh môi trường kinh doanh nhiều cạnh tranh như hiện nay. Xuất phát từ thực tiễn tại các DNCB cà phê, tác giả đã nghiên cứu thực trạng, từ đó có bức tranh tổng thể về quản trị quan hệ nhà cung cấp tại các DNCB cà phê Việt Nam, dựa trên những khái quát cơ bản vấn đề lý thuyết. Từ đó, đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản trị quan hệ nhà cung cấp tại các DNCB cà phê Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

DNCB cà phê có vị trí đặc biệt quan trọng trong chuỗi cung ứng cà phê của Việt Nam. Thực trạng cho thấy, DNCB cà phê đứng ở cả hai vị trí là DNCB và xuất khẩu. Đa phần các DNCB thực hiện luôn cả hoạt động xuất khẩu hàng hóa. Ở nhiều mức độ chế biến khác nhau như sơ chế (cà phê thô), tinh chế (cà phê rang xay, cà phê hòa tan,…), DNCB đang tạo ra giá trị gia tăng chính cho chuỗi cung ứng cà phê của Việt Nam. Chính vì vậy, việc nghiên cứu các định hướng, giải pháp chiến lược nhằm hỗ trợ cho các DNCB trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh là hết sức cần thiết.

Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa, 2021), tỷ  trọng xuất khẩu cà phê của Việt Nam hướng đến 6 tỷ USD vào năm 2030. Năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,52 triệu tấn, trị giá xấp xỉ 3 tỷ USD, tuy giảm 2,7% về lượng, nhưng tăng 9,4% về trị giá so năm 2020. Việt Nam luôn là quốc gia đứng hàng đầu trong xuất khẩu cà phê thế giới. Tuy nhiên, chúng ta có lợi thế về sản lượng, nhưng giá trị xuất khẩu lại thấp. Trên 90% cà phê xuất khẩu của Việt Nam là cà phê thô, chưa qua chế biến, sản phẩm thô thường có giá trị thấp, vì vậy mặc dù sản lượng lớn, nhưng giá trị xuất khẩu cà phê của Việt Nam không cao. Có rất nhiều nguyên nhân như việc sản xuất, trồng cà phê nhỏ lẻ manh mún, cà phê chưa đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn quốc tế, công nghệ chế biến còn thiếu, lạc hậu, năng lực của các DNCB cà phê còn yếu,…

Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, trong rất nhiều giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực DNCB, việc gắn kết giữa DNCB với các hộ nông dân, hợp tác xã (HTX) trồng cà phê, gắn kết với nhà cung cấp cà phê thô, cà phê nguyên liệu là hết sức cần thiết. Với nguồn cung ứng cà phê nhỏ lẻ, phân tán ở rất nhiều hộ nông dân nhỏ, đơn lẻ, các HTX với quy mô chỉ vài hecta, việc quản lý nguồn cung lại càng khó khăn hơn với các DNCB cà phê. Đối với công tác quản trị quan hệ nhà cung cấp, từ quá trị xác lập mục tiêu, lựa chọn quan hệ nhà cung cấp và đánh giá quan hệ lâu dài là nội dung bài viết đề cập, từ những đánh giá thực trạng vấn đề này tại các DNCB và định hướng một số các giải pháp, giúp phát triển hoạt động này trong thời gian tới tại các DNCB cà phê tại Việt Nam.

2. Phương pháp nghiên cứu

Về cơ sở lý luận, quản trị quan hệ nhà cung cấp của DN được tiếp cận theo quan điểm của quản trị chuỗi cung ứng, từ việc xác lập mục tiêu quan hệ, lựa chọn nhà cung cấp, quan hệ chiến lược nhà cung cấp và đo lường đánh giá quan hệ với nhà cung cấp trong các DN.

Đầu vào của DNCB bao gồm nhiều loại hàng hóa, nguyên vật liệu khác nhau như cà phê nguyên liệu, máy móc, thiết bị, các dịch vụ,… Tuy nhiên, trong bài viết này, tác giả chỉ phân tích thực trạng nguồn cung nguyên vật liệu trực tiếp, là cà phê thô, cà phê nguyên liệu. Vì vậy, gắn với các nhà cung cấp cà phê thô bao gồm các nông hộ trồng cà phê, các DN, HTX, nông trường cà phê là đối tượng nghiên cứu chính của bài viết.

Đối với nghiên cứu dữ liệu sơ cấp, thu thập bức tranh thực trạng về quản trị quan hệ nhà cung cấp của các DNCB cà phê, bài viết sử dụng phương pháp khảo sát, kết hợp với hoạt động phỏng vấn chuyên sâu. Phản ánh một bức tranh xác thực về thực trạng hoạt động này, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp quản trị quan hệ nhà cung cấp tại DNCB cà phê Việt Nam.

3. Khái quát quản trị quan hệ nhà cung cấp trong doanh nghiệp

Quản trị quan hệ nhà cung cấp chính là một phần trong quản trị kinh doanh của DN, không nằm ngoài các mục tiêu của quản trị, với những nội dung cụ thể gắn với yêu cầu của các mặt tác nghiệp khác nhau trong quản trị quan hệ nhà cung cấp. Cũng như hoạt động quản trị, quản trị quan hệ nhà cung cấp cũng được rất nhiều các tác giả trên thế giới đưa ra những quan điểm riêng về vấn đề này.

Cách hiểu phổ biến nhất về khái niệm quản trị hiện nay là của James Stoner và Stephen Robbins, theo đó “Quản trị là tiến trình hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát những hoạt động của các thành viên trong tổ chức và sử dụng tất cả các nguồn lực khác của tổ chức nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra”.

Về bản chất, quản trị chính là hoạt động sử dụng tối ưu hóa các nguồn lực hữu hạn nhằm đạt được các mục tiêu nhất định nào đó. Chính vì vậy, trong hoạt động kinh doanh của mọi DN, tất cả các chức năng và quy trình kinh doanh đều được quản trị để tối ưu hóa các nguồn lực hữu hạn của DN cho mục tiêu kinh doanh tối thượng là lợi nhuận.

Quản trị quan hệ nhà cung cấp chính là một phần trong quản trị kinh doanh của DN, không nằm ngoài các mục tiêu của quản trị. Tuy nhiên, với những nội dung cụ thể gắn với yêu cầu của các mặt tác nghiệp khác nhau quản trị quan hệ, nhà cung cấp có thể được hiểu theo quan điểm của F. R. Dwyer, P. H. Schurr và S. Oh (1987) là: quản trị quan hệ với nhà cung cấp là một cách tiếp cận toàn diện để quản lý các tương tác của một tổ chức với các công ty cung cấp các sản phẩm và dịch vụ mà nó sử dụng.

Theo tổ chức Gartner (2001), quản trị quan hệ với nhà cung cấp được coi là tập hợp các phương pháp và ứng dụng cần thiết đối với nhà cung ứng sản phẩm dịch vụ nhằm mang lại lợi nhuận cho DN. Với lý do đó, quản trị quan hệ với nhà cung cấp còn được xem là cách thức xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với nhà cung cấp chiến lược đã được lựa chọn nhằm tìm ra những đặc điểm có thể tăng cường mối quan hệ, trong khi vẫn đảm bảo nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh trên cơ sở đôi bên cùng có lợi và cùng nhau tăng cường khả năng tạo ra nguồn lợi nhuận mới.

Theo L. M. Leftwich, J.  A. Leftwich, N. Y. Moore và cộng sự (2004), quản trị quan hệ với nhà cung cấp được hiểu là một cách tiếp cận mang tính chiến lược, bao quát được toàn DN, dài hạn, đa chức năng, năng động nhằm chọn lựa nhà cung ứng hàng hóa và dịch vụ và quản lý chúng. Việc sử dụng tất cả mạng lưới giá trị từ khâu nguyên vật liệu đến khách hàng cuối cùng để giảm bớt chi phí chủ sở hữu, xử lý rủi ro và cải thiện tình hình kinh doanh.