Quy định mới về khai thuế Giá trị gia tăng, thuế Thu nhập cá nhân, lệ phí môn bài

Quy định mới về khai thuế Giá trị gia tăng, thuế Thu nhập cá nhân, lệ phí môn bài

{Bài viết đăng trên Tạp chí Kế toán và Kiểm toán (ISSN 1859 – 1914), số 210, Tháng 3/2021 của Mai Hoàng Hạnh – Trường Đại học Thủ Dầu Một}


Thuế là một khoản nộp ngân sách Nhà nước bắt buộc của tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân theo quy định của các luật thuế. Làm cách nào để khai thuế và nộp thuế đúng quy định là một vấn đề được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm. Luật Quản lý Thuế số 38/2019/QH14 và Nghị định 126/2020/NĐ-CP vừa được ban hành, đã có nhiều thay đổi trong quy định về khai thuế. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung trình bày những điểm thay đổi nổi bật trong quy định về hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và lệ phí môn bài.
Từ khóa: Luật Quản lý thuế, thuế GTGT, thuế TNCN, lệ phí môn bài, khai thuế.
Abstract
Tax is a compulsory payment to the state budget by organizations, households, business households and individuals in accordance with the tax laws. How to declare and pay taxes properly is a matter which many businesses concerned. Law on Tax. Administration No. 38/2019/QH14 and Decree 126/2020/NĐ-CP which have had many changes in the regulations on tax declaration just enacted. In the scope of this article, the author focuses on presenting prominent changes in the regulations on filing value added tax (VAT), personal income tax (PIT), and licensing fee.
Keywords: Law on tax administration, value added tax, personal income tax, licensing fee, tax declaration.        


1. Đặt vấn đề
Với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, số lượng doanh nghiệp (DN) được thành lập gia tăng nhanh qua mỗi năm. Để điều hành và quản lý tốt DN, ngoài chiến lược kinh doanh thì các DN còn cần phải có một hệ thống kế toán hoàn chỉnh, để có thể kiểm soát tốt chi phí, hạn chế các rủi ro về thuế như phạt về nộp chậm tờ khai, nộp chậm thuế…

Ngày 13/06/2019, Quốc hội Khóa 14 đã ban hành Luật Quản lý Thuế số 38/2019/QH14, trong đó quy định cụ thể về việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước có hiệu lực thi hành từ 01/7/2020. Sau đó ngày 19/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 126/2020/NĐ-CP, để quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý Thuế và có hiệu lực thi hành từ ngày 05/12/2020. Các quy định mới trong hai văn bản này, đã làm thay đổi rất nhiều trong việc xử lý hồ sơ khai thuế của DN.
Bài viết trình bày những thay đổi cơ bản trong hồ sơ khai thuế nói chung và những thay đổi quan trọng trong khai thuế GTGT, thuế TNCN và lệ phí môn bài.

2. Những thay đổi về thời gian nộp hồ sơ khai thuế
2.1. Thời gian khai thuế đối với kỳ tính theo quý, năm và quyết toán năm
2.1.1. Kỳ tính thuế theo quý
Sửa đổi: Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế đối với hồ sơ khai thuế theo quý (Điểm b, Khoản 1, Điều 44, Luật Quản lý Thuế số 38/2019/QH14).
Trước đây: Chậm nhất là ngày thứ 30 của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế đối với hồ sơ khai thuế tạm tính theo quý (Điểm b, Khoản 2, Điều 32, Luật Quản lý Thuế số 78/2006/QH11).

2.1.2. Kỳ tính thuế theo năm
Sửa đổi: Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ khai thuế năm (Điểm a, Khoản 2, Điều 44, Luật Quản lý Thuế số 38/2019/QH14).
Trước đây: Chậm nhất là ngày thứ 30 của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ khai thuế năm (Điểm a, Khoản 2, Điều 32, Luật Quản lý Thuế số 78/2006/QH11).

2.1.3. Quyết toán năm
Sửa đổi: Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm (Điểm a, Khoản 2, Điều 44, Luật Quản lý Thuế số 38/2019/QH14); chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch đối với hồ sơ quyết toán thuế TNCN của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế (Điểm b, Khoản 2, Điều 44, Luật Quản lý Thuế số 38/2019/QH14).
Trước đây: Chậm nhất là ngày thứ 90, kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm (Điểm c, Khoản 2, Điều 32, Luật Quản lý Thuế số 78/2006/QH11).

2.2. Thời gian khai thuế ổn định
Sửa đổi: Thời gian khai thuế theo tháng/quý ổn định trong năm dương lịch. Trường hợp đang khai tháng nếu đủ điều kiện khai quý và chuyển sang khai quý thì phải có văn bản gửi cơ quan thuế (chậm nhất là 31/1 của năm bắt đầu khai theo quý). Trường hợp đang khai thuế theo quý phát hiện không đủ điều kiện khai theo quý thì không phải nộp lại hồ sơ khai thuế theo tháng của các quý trước đó nhưng phải nộp bản xác định số tiền thuế phải nộp theo tháng tăng thêm so với số đã kê khai theo quý và phải tính tiền chậm nộp (Điều 9, Nghị định 126/2020/NĐ-CP).
Trước đây: Thời kỳ khai thuế tháng/quý ổn định trọn năm dương lịch và theo chu kỳ ổn định 3 năm, trường hợp đủ điều kiện khai quý nhưng muốn khai tháng thì phải có văn bản gửi cơ quan thuế, trường hợp đang khai thuế GTGT theo quý phát hiện không đủ điều kiện khai theo quý thì kể từ năm tiếp theo liền kề của năm phát hiện cho đến hết chu kỳ ổn định, người nộp thuế phải thực hiện khai thuế theo tháng (Điều 15, Thông tư số 151/2014/TT-BTC).

Như vậy, hiện nay DN đang nộp hồ sơ khai thuế theo tháng muốn chuyển sang khai thuế theo quý thì mới làm văn bản đề nghị gửi cơ quan thuế, còn vẫn muốn khai theo tháng thì không cần phải làm văn bản đề nghị. Thời gian ổn định cho chu kỳ khai thuế sẽ là 1 năm mà không phải 3 năm như trước, nên đến cuối mỗi năm, DN cần phải xem xét lại mình đủ điều kiện khai theo tháng hay quý để thực hiện kê khai theo đúng quy định.

2.3. Nộp hồ sơ khai thuế bổ sung
Sửa đổi:
– Người nộp thuế được nộp hồ sơ khai bổ sung cho từng hồ sơ khai thuế nếu phát hiện hồ sơ khai thuế lần đầu đã nộp cho cơ quan thuế có sai, sót nhưng chưa hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai sót (Khoản 4, Điều 7, Nghị định 126/2020/NĐ-CP).
– Người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai sót thì được khai bổ sung hồ sơ khai thuế trong thời hạn 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai sót nhưng trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra (Khoản 1, Điều 47, Nghị định 126/2020/NĐ-CP).
Trước đây: Sau khi hết hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định, người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai sót thì được khai bổ sung hồ sơ khai thuế (Điểm a, Khoản 5, Điều 10, Thông tư số 156/2013/TT-BTC).

Như vậy, hiện nay DN chỉ được nộp hồ sơ khai thuế chính thức một lần; nếu có sai, sót trong hồ sơ khai thuế thì phải nộp hồ sơ khai thuế bổ sung, không được nộp lại hồ sơ khai thuế chính thức mặc dù chưa hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định. Thời gian nộp hồ sơ khai thuế bổ sung là 10 năm, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế nhưng phải trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định thanh tra, kiểm tra.

2.4. Cơ quan thuế phát hiện không đủ điều kiện khai thuế theo quý
Sửa đổi: Trường hợp cơ quan thuế phát hiện người nộp thuế không đủ điều kiện khai thuế theo quý thì cơ quan thuế phải xác định lại số tiền thuế phải nộp theo tháng tăng thêm so với số người nộp thuế đã kê khai và phải tính tiền chậm nộp theo quy định. Người nộp thuế phải thực hiện khai thuế theo tháng kể từ thời điểm nhận được văn bản của cơ quan thuế (Điểm d, Khoản 2, Điều 9, Nghị định 126/2020/NĐ-CP).
Trước đây: Tự phát hiện hoặc qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế không đủ điều kiện khai thuế theo quý thì từ năm tiếp theo liền kề của năm phát hiện cho đến hết chu kỳ ổn định, người nộp thuế phải thực hiện khai thuế GTGT theo tháng (Điều 15, Thông tư 151/2014/TT-BTC).
Như vậy, hiện nay nếu cơ quan thuế phát hiện DN không đủ điều kiện khai thuế theo quý thì DN sẽ chuyển ngay khai thuế theo tháng, kể từ thời điểm nhận được văn bản của cơ quan thuế.