Sẽ miễn, giảm thuế hỗ trợ DN nhỏ và vừa

Sẽ miễn, giảm thuế hỗ trợ DN nhỏ và vừa

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự án Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Theo đó, dự kiến sẽ miễn và giảm thuế TNDN xuống còn 15 – 17% cho một số đối tượng DNNVV (mức thuế bình quân hiện nay là 20%).
Dự kiến miễn thuế cho hộ cá nhân chuyển sang doanh nghiệp
Ở nước ta, hiện số lượng DNNVV chiếm đa số trong tổng số doanh nghiệp (DN) đang hoạt động và đang giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội. Vì vậy, để việc hỗ trợ DNNVV được khả thi trong thực hiện thì chính sách thuế là một trong các công cụ được xem xét áp dụng. Trên thực tế, đã thực hiện chính sách miễn, giảm thuế trong giai đoạn từ 1/7/2013 đến hết năm 2015, từ 1/1/2016 DNNVV áp dụng mức thuế suất 20%.

Do vậy, để tiếp tục khuyến khích DNNVV phát triển, cụ thể hóa quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV, Bộ Tài chính dự thảo nghị quyết trình Chính phủ trình Quốc hội cho áp dụng một số chính sách ưu đãi về thuế TNDN nhằm thúc đẩy DN phát triển, mở rộng sản xuất và đặc biệt là khuyến khích các hộ, cá nhân kinh doanh chuyển sang hoạt động theo mô hình DN với mục tiêu có 1 triệu DN vào năm 2020. Theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh kinh tế – xã hội và thu ngân sách hiện nay thì việc xác định đối tượng DN để đề xuất giải pháp hỗ trợ cần phải dựa trên nguyên tắc: hỗ trợ đúng, trúng đối tượng để đạt được lợi ích kinh tế – xã hội cao nhất nhưng lại không làm ảnh hưởng lớn đến thu NSNN, đặc biệt là tránh tình trạng ưu đãi dàn trải, làm giảm hiệu quả của chính sách khuyến khích, hỗ trợ.
Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế thu TNDN trong 2 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với DN thành lập mới từ hộ, cá nhân kinh doanh. Quy định này nhằm tạo động lực mạnh mẽ khuyến khích các đối tượng là hộ, cá nhân kinh doanh chuyển lên DN mà theo đánh giá đây là nhóm đối tượng cần tập trung khuyến khích theo mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng thuế suất 15% đối với DN có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người; áp dụng thuế suất 17% áp dụng đối với DN có tổng doanh thu năm từ 3 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người. Theo Bộ Tài chính, việc giảm thuế suất thuế TNDN xuống mức 15% – 17% đảm bảo sự khuyến khích đối với DNNVV. Bởi vì mức này bằng với mức thuế suất ưu đãi áp dụng cho các dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, lĩnh vực chế biến nông sản, thủy sản và theo mức thuế suất này thì mức độ khuyến khích đối với DNNVV thậm chí còn cao hơn giai đoạn 2014 – 2015.
Sẽ giảm thu khoảng 9.200 tỷ đồng
Theo ông Phạm Đình Thi – Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, dự án Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế TNDN hỗ trợ, phát triển DNNVV nhằm triển khai các chủ trương của Đảng, Chính phủ về phát triển khối kinh tế tư nhân cũng như thực hiện quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV, nhằm tạo thuận lợi cho DN.
Những giải pháp về thuế đề xuất nêu trên, theo Bộ Tài chính, sẽ có tác động lớn đến việc thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh đối với khu vực DNNVV, tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch và cải cách thủ tục hành chính. Việc thực hiện các giải pháp này có thể làm giảm thu NSNN khoảng 9.200 tỷ đồng/năm. Trong đó giải pháp giảm thuế suất cho DN nhỏ và siêu nhỏ giảm khoảng 6.500 tỷ đồng và giải pháp miễn thuế trong vòng 2 năm đối với DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh khoảng 2.722 tỷ đồng/năm.
Tuy việc giảm nghĩa vụ này trong ngắn hạn có gây áp lực lên cân đối NSNN nhưng theo Bộ Tài chính, về dài hạn sẽ tạo điều kiện để DN nhỏ và siêu nhỏ tăng tích tụ, tích lũy, tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần tăng thu từ thuế TNDN cho NSNN vào những năm sau. Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế, tăng cường kiểm tra chống thất thu thuế.
Việt Nam hiện có hơn 600 nghìn DN, trong đó khối kinh tế tư nhân chiếm gần 500 nghìn DN và trong số này có tới hơn 96% là DN nhỏ và siêu nhỏ, 2% DN quy mô vừa và 2% DN lớn. Khối kinh tế tư nhân đã tạo ra khoảng 1,2 triệu việc làm, đóng góp hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội mỗi năm.

DNNVV đang áp dụng mức thuế TNDN 20%

Trước ngày 1/1/2014 Luật thuế TNDN quy định thuế suất áp dụng chung là 25%.
Từ ngày 1/1/2014 Luật số 32/2013/QH13 đã quy định lộ trình áp dụng thuế suất thuế TNDN, theo đó từ 1/1/2014 áp dụng thuế suất phổ thông là 22% và từ ngày 1/1/2016 là 20%; riêng DN có quy mô nhỏ và vừa (doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 20% từ ngày 1/7/2013, sớm hơn so với lộ trình. Như vậy, hiện nay, DNNVV đang áp dụng mức thuế suất như đối với DN nói chung là 20%.

Minh Anh
Thoibaotaichinh