SGATAR cần tăng cường trao đổi thông tin để giải quyết vấn đề trốn thuế

SGATAR cần tăng cường trao đổi thông tin để giải quyết vấn đề trốn thuế

Tham luận tại Hội nghị cấp cao SGATAR thường niên lần thứ 51, bên cạnh mục tiêu tránh đánh thuế trùng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Việt Nam Cao Anh Tuấn cho rằng một trong các mục tiêu quan trọng của việc ký kết các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần là thông qua quy định về trao đổi thông tin giữa nhà chức trách có thẩm quyền của hai bên ký kết Hiệp định thuế để ngăn ngừa việc trốn lậu thuế.

Như tin đã đưa, Hội nghị cấp cao SGATAR thường niên lần thứ 51 tại Kuala Lumpur – Malaysia đã diễn ra với sự tham dự của 18 đoàn cơ quan thuế các nước khối SGATAR; đại diện một số tổ chức quốc tế được mời tham dự gồm ADB, OECD, CIAT, IMF,… Đây là Hội nghị cấp cao thường niên SGATAR là hội nghị dành cho cấp lãnh đạo cao nhất của các cơ quan quản lý thuế thuộc thành viên khối SGATAR.

Bên cạnh đó, Hội nghị cũng là dịp để các thành viên SGATAR thắt chặt mối quan hệ hợp tác, đoàn kết hữu nghị giữa các cơ quan quản lý thuế, từ đó giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong công tác quản lý thuế tầm khu vực. Đây là lần thứ 51 Hội nghị cấp cao SGATAR thường niên được tổ chức do cơ quan Thuế Malaysia chủ trì.

Hội nghị năm nay các nước thành viên tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng trong quản lý thuế của SGATAR và cập nhật, trao đổi những kinh nghiệm phát triển thuế quốc tế. Trong đó, nội dung cải cách thuế được hầu hết các quốc gia nhận định là một trong những chính sách khó khăn và mang tính chính trị cao nhất trong quá trình thực hiện đối với Chính phủ các nước, đặc biệt khi mục tiêu của cải cách mở rộng cơ sở thuế phù hợp với thông lệ quốc tế.

Một nội dung quan trọng được cơ quan Thuế Việt Nam chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao SGATAR 51, đó là chủ đề “Tăng cường trao đổi thông tin để giải quyết vấn đề trốn thuế”

Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, tính đến ngày 10/10/2022, Việt Nam đã ký 80 Hiệp định thuế với các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có 76 Hiệp định thuế đã có hiệu lực. Trong các Hiệp định thuế này đều có điều khoản về trao đổi thông tin (thường là Điều 26 hoặc 27 của các Hiệp định thuế). Hiện tại, đây là khuôn khổ pháp lý quốc tế để Việt Nam thực hiện việc trao đổi thông tin với cơ quan thuế nước ngoài phục vụ công tác quản lý thuế và giải quyết các vấn đề trốn, tránh thuế xuyên biên giới.

Theo đó, Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn cho rằng, vấn đề Hội nghị cấp cao thường niên SGATAR 51 cần tiếp cận, đó là việc trao đổi thông tin (trao đổi thông tin) trong thực tế; sử dụng dữ liệu trao đổi thông tin tự động (chuẩn mực báo cáo chung-CRS) và chia sẻ kinh nghiệm sử dụng công cụ trao đổi thông tin trong giải quyết các trường hợp thuế.

Hợp tác trao đổi thông tin thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực thuế đối với giao dịch xuyên biên giới

Đối với vấn đề làm thế nào để thanh tra viên có thể sử dụng trao đổi thông tin như một công cụ khi giải quyết các trường hợp thuế của họ. Về nội dung này, cơ quan thuế Việt Nam tiếp cận theo 04 phương thức:

Thứ nhất, đối với việc thanh tra người nộp thuế (NNT) là đối tượng cư trú của Việt Nam có các giao dịch xuyên biên giới, do các đối tác nước ngoài cư trú tại nước ngoài và thường không hiện diện tại Việt Nam nên rất khó để thanh tra viên thuế xác minh thông tin thực tế đầu vào/đầu ra của NNT Việt Nam cũng như các thông tin, tài liệu do NNT Việt Nam cung cấp.

Nên để đảm bảo hiệu quả của công tác thanh tra thuế đối với những trường hợp này và tránh thất thu cho NSNN, việc sử dụng công cụ trao đổi thông tin là hết sức cần thiết. Vì nó giúp thanh tra viên thuế thu thập được thông tin mà trong nước không có sẵn, từ các cơ quan thuế nước ngoài.

Thông tin này hỗ trợ thanh tra viên thuế xác định nghĩa vụ thuế của NNT có thu nhập từ nước ngoài và cuối cùng hoàn thành quá trình thanh tra của họ. Nói cách khác, công cụ trao đổi thông tin giúp phát hiện ra thu nhập bị che giấu hoặc không được khai báo, tiết lộ các trường hợp trốn thuế có thể xảy ra và cũng là biện pháp ngăn chặn hành vi trốn thuế.

Bên cạnh đó, công cụ trao đổi thông tin còn giúp cơ quan thuế Việt Nam và cơ quan thuế đối tác xác định đúng nghĩa vụ thuế của NNT liên quan, tránh việc NNT thông đồng với nhau để tránh thuế tại cả hai nước.

Thứ hai, công cụ trao đổi thông tin như thế nào trong việc giải quyết hồ sơ thanh tra. Theo đó, công cụ trao đổi thông tin trở nên hiệu quả trong việc giải quyết hồ sơ thanh tra, nhận diện rủi ro trong quá trình phân tích, đánh giá thông tin NNT. Nắm bắt rủi ro từ đó đánh giá được rủi ro trọng yếu trong quá trình thanh tra kiểm tra.

Bên cạnh đó, công cụ trao đổi thông tin sẽ hỗ trợ đoàn thanh tra rút ngắn thời gian thanh tra kiểm tra tại doanh nghiệp, thời gian xác minh bản giấy từ khâu gửi xác minh đến khâu trả lời xác minh về các nước. Việc rút ngắn thời gian này đã mang lại hiệu quả đáng kể trong việc giải quyết các hồ sơ thanh tra khi có yêu cầu xác minh tại nước ngoài đặc biệt trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu và kiểm tra chuyển giá.

Thứ ba, trường hợp cần thu thập thông tin từ cơ quan thuế nước ngoài để hoàn thành cuộc thanh tra thì cần xác định những nội dung và vấn đề gì. Về vấn đề này, theo quy định tại Quy chế trao đổi thông tin theo Hiệp định thuế của Tổng cục Thuế, Cục Thuế địa phương cần cung cấp cho Tổng cục Thuế/Vụ Hợp tác quốc tế các thông tin sau khi muốn đề nghị Tổng cục Thuế/Vụ Hợp tác quốc tế hỗ trợ trao đổi thông tin với cơ quan thuế nước ngoài phục vụ công tác quản lý thuế.

Thứ tư, thanh tra thuế thường được thực hiện trong một khoảng thời gian ngắn khi người nộp thuế được yêu cầu cung cấp tài liệu để phục vụ công tác thanh tra. Trong trường hợp tài liệu chưa đầy đủ, bạn dự định yêu cầu bổ sung như thế nào thông qua công cụ trao đổi thông tin và có kéo dài quá trình thanh tra không.

Đối với vấn đề này, cơ quan Thuế Việt Nam cho biết, trong thời gian thực hiện thanh tra thuế, trường hợp phải đề nghị Tổng cục Thuế/Vụ Hợp tác quốc tế hỗ trợ trao đổi thông tin với cơ quan thuế nước ngoài phục vụ công tác thanh tra kiểm tra, Đoàn thanh tra sẽ ghi nhận và ban hành kết luận thanh tra trên cơ sở các thông tin, tài liệu do NNT cung cấp. Đồng thời, ghi rõ trong biên bản thanh tra: nếu kết quả trao đổi thông tin với cơ quan thuế nước ngoài có thông tin khác biệt so với các thông tin, tài liệu do NNT đã cung cấp cho Đoàn thanh tra, Đoàn thanh tra sẽ bổ sung phụ lục biên bản thanh tra. Theo đó, sẽ vẫn đảm bảo quá trình thanh tra không bị kéo dài