Tăng cường quản lý rủi ro trong lĩnh vực thuế tạo ra công bằng giữa những người nộp thuế

Tăng cường quản lý rủi ro trong lĩnh vực thuế tạo ra công bằng giữa những người nộp thuế

Ngày 17/5/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 31/2021/TT-BTC quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Việc ban hành Thông tư nhằm áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế phù hợp với tình hình thực tế, yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hệ thống thuế, thông lệ quốc tế, cũng như để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế.

Việc tăng cường quản lý rủi ro trong lĩnh vực thuế tạo ra công bằng giữa những người nộp thuế.

Thông tư quy định bao quát, toàn diện

Theo Tổng cục Thuế, việc áp dụng quản lý rủi ro xuyên suốt trong các chức năng, nghiệp vụ quản lý thuế từ đăng ký thuế; khai thuế; nợ thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; hoàn thuế; kiểm tra; thanh tra thuế; quản lý hóa đơn, chứng từ và các chức năng, nghiệp vụ quản lý thuế khác.

Đồng thời, Thông tư quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan thuế các cấp và các cơ quan, đơn vị, các tổ chức khác, cá nhân có liên quan trong việc phối hợp thực hiện các quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế nhằm tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho việc đưa cơ chế áp dụng quản lý rủi ro vào quản lý thuế một cách hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách của Chính phủ và Bộ Tài chính.

Tổng cục Thuế khẳng định, việc áp dụng quản lý rủi ro đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế tự nguyện tuân thủ tốt các quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế đồng thời phòng chống, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về thuế và quản lý thuế.

Trong đó, thông tin quản lý rủi ro được thu thập từ các nguồn thông tin bên trong và bên ngoài cơ quan thuế (bao gồm cả thông tin từ nước ngoài) theo quy định của pháp luật; được quản lý tập trung tại Tổng cục Thuế thông qua hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin và được xử lý, chia sẻ, cung cấp cho cơ quan thuế các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước khác để phục vụ cho mục đích quản lý thuế theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, việc đánh giá, phân loại mức độ tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro người nộp thuế được thực hiện tự động, định kỳ, theo một hoặc kết hợp các phương pháp quy định tại Thông tư này trên cơ sở các quy định của pháp luật, các quy trình, biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế, dựa trên phân đoạn người nộp thuế, các tiêu chí quy định tại Thông tư này và cơ sở dữ liệu về người nộp thuế.

Căn cứ vào kết quả đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế, phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế, thông tin có trên các ứng dụng hỗ trợ quản lý thuế của cơ quan thuế, thông tin dấu hiệu vi phạm, dấu hiệu rủi ro khác được cung cấp tại thời điểm ra quyết định, cơ quan thuế thực hiện: Quyết định kiểm tra, thanh tra, giám sát, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phù hợp; Xây dựng kế hoạch nâng cao tuân thủ tổng thể phù hợp với nguồn lực của cơ quan thuế dựa trên kết quả phân tích bản chất hành vi, nguyên nhân và quy mô của mỗi mức độ tuân thủ pháp luật thuế, mức độ rủi ro.

Công chức thuế được miễn trừ trách nhiệm cá nhân theo quy định của pháp luật trong trường hợp đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật, quy định tại Thông tư này và các quy định, hướng dẫn về quản lý rủi ro.

Trường hợp ứng dụng quản lý rủi ro gặp sự cố hoặc chưa đáp ứng yêu cầu áp dụng quản lý rủi ro theo nội dung quy định tại Thông tư này, việc áp dụng quản lý rủi ro được thực hiện thủ công bằng phê duyệt văn bản đề xuất hoặc văn bản ký phát hành của người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Ngoài ra, trong trường hợp có thay đổi thông tin dẫn đến thay đổi kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế, ứng dụng quản lý rủi ro chưa tự động điều chỉnh mức độ tuân thủ và mức độ rủi ro, việc cập nhật thay đổi kết quả đánh giá được thực hiện thủ công bởi công chức, sau khi có phê duyệt của người có thẩm quyền.

Theo Tổng cục Thuế, kết quả áp dụng các biện pháp nghiệp vụ tương ứng với các mức xếp hạng rủi ro phải được cập nhật đầy đủ, chính xác vào các ứng dụng hỗ trợ quản lý thuế của cơ quan thuế hoặc ứng dụng quản lý rủi ro đối với từng trường hợp cụ thể, phục vụ hoàn thiện và thực hiện đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại rủi ro người nộp thuế trong kỳ tiếp theo.

Các tiêu chí, chỉ số đánh giá tuân thủ pháp luật thuế

Nội dung Thông tư quy định công khai các tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro người nộp thuế (không ban hành dưới chế độ mật như đã thực hiện trước đây do bộ tiêu chí đánh giá rủi ro trong quản lý thuế không thuộc danh mục văn bản mật của Bộ Tài chính).

Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Thông tư Thông tư số 31/2021/TT-BTC quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế của cơ quan thuế các cấp, bao gồm: Thu thập, xử lý, quản lý, sử dụng thông tin liên quan đến người nộp thuế phục vụ quản lý rủi ro; Đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế; Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế tương ứng với các mức độ tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro người nộp thuế.

Đối tượng áp dụng gồm: Người nộp thuế; Cơ quan thuế; Công chức thuế; Cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định tại Điều 2 Luật Quản lý thuế.

Trên cơ sở đó, nội dung Thông tư hướng dẫn cụ thể việc triển khai các biện pháp, kỹ thuật nghiệp vụ về quản lý rủi ro từ việc thu thập, xử lý thông tin phục vụ quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ của cơ quan thuế; xây dựng, áp dụng các Bộ tiêu chí, chỉ số quản lý rủi ro theo từng chức năng quản lý thuế; đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế, mức độ rủi ro người nộp thuế; kiểm soát, giám sát trọng điểm đối với người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế; ứng dụng hệ thống thông tin nghiệp vụ quản lý thuế để phân loại mức độ rủi ro, đo lường, đánh giá tuân thủ từ đó xác định hình thức, mức độ quản lý tuân thủ, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra.

Quy định này nhằm mục tiêu nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch trong đánh giá người nộp thuế, đồng thời cũng để người nộp thuế tự so chiếu các tiêu chí đánh giá để hoàn thiện, từ đó nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế (Tổng cục Thuế) có trách nhiệm ban hành các chỉ số tiêu chí nhằm thực hiện mục tiêu giúp cho cơ quan thuế triển khai công tác quản lý rủi ro được linh hoạt, chủ động trong việc thay đổi các chỉ số tiêu chí cho phù hợp với thực tế quản lý thuế trong từng thời kỳ; góp phần giảm thiểu thủ tục hành chính không cần thiết cho cơ quan quản lý cấp bộ.

Việc đánh giá tuân thủ pháp luật thuế đối với người nộp thuế và kết quả xếp hạng người nộp thuế là một trong những tiêu chí phân tích rủi ro trong các nghiệp vụ quản lý thuế. Kết quả phân tích rủi ro mang tính kế thừa, kết quả đánh giá ở khâu trước là một phần của tiêu chí đánh giá ở khâu sau.

Các mức độ tuân thủ pháp luật thuế, rủi ro người nộp thuế

Liên quan đến phân tích rủi ro, phân loại rủi ro để áp dụng các biện pháp quản lý thuế phù hợp, Thông tư hướng dẫn phân tích rủi ro dựa vào việc: đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế, phân loại rủi ro người nộp thuế và phân loại mức độ rủi ro NNT trong các nghiệp vụ quản lý thuế. Căn cứ kết quả đánh giá mức độ tuân thủ và mức độ rủi ro này của người nộp thuế để đánh giá và phân loại mức độ rủi ro tổng thể về người nộp thuế. Từ đó cơ quan thuế có biện pháp quản lý thuế phù hợp. Cụ thể:

Thứ nhất, nhóm tiêu chí đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế: chủ yếu dựa trên việc phân tích về tính tuân thủ khi kê khai hồ sơ khai thuế, nộp thuế có đầy đủ, chính xác và đúng thời hạn hay không.

Thứ hai, nhóm tiêu chí phân loại rủi ro người nộp thuế: cơ bản dựa trên việc đánh giá tổng thể các thông tin chung về hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế

Thứ ba, nhóm tiêu chí phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế theo các nghiệp vụ quản lý thuế: là nhóm các tiêu chí được đưa ra phù hợp với từng yêu cầu nghiệp vụ quản lý thuế theo từng địa bàn, từng thời kỳ khác nhau.

Theo đó, mức độ tuân thủ pháp luật thuế được quy định gồm 4 mức độ, gồm: Mức 1: Tuân thủ cao; Mức 2: Tuân thủ trung bình; Mức 3: Tuân thủ thấp; Mức 4: Không tuân thủ.

Căn cứ phân định mức độ tuân thủ pháp luật thuế được Tổng cục Thuế nghiên cứu và tham khảo theo tài liệu của OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế) với mô hình tam giác tuân thủ có 4 tầng tương ứng 4 mức độ tuân thủ. Đây là mô hình đã được áp dụng khá lâu ở cơ quan thuế của nhiều quốc gia và đến nay chưa có nhân tố nào khác làm thay đổi kết cấu của mô hình này. Vì vậy, thông tư đã tiếp cận toàn diện theo mô hình này thay vì 3 mức quy định tại Thông tư số 204/2015/TT-BTC ngày 21/12/2015 quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế.

Đối với việc phân loại rủi ro người nộp thuế là doanh nghiệp theo 5 hạng, gồm: Hạng 1: Người nộp thuế rủi ro rất thấp; Hạng 2: Người nộp thuế rủi ro thấp; Hạng 3: Người nộp thuế rủi ro trung bình; Hạng 4: Người nộp thuế rủi ro cao; Hạng 5: Người nộp thuế rủi ro rất cao.

Riêng đối với “Hạng 6. Người nộp thuế thành lập dưới 12 tháng” quy định tại Thông tư số 204, đã được lược bỏ. Việc phân loại, giám sát riêng phù hợp với yêu cầu của từng nghiệp vụ khi thực hiện đánh giá rủi ro.

Quy định phân loại mức độ rủi ro Người nộp thuế trong các nghiệp vụ quản lý thuế theo 03 mức, gồm: Rủi ro cao; Rủi ro trung bình; Rủi ro thấp. Đối với quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế sẽ được áp dụng đối với từng nghiệp vụ quản lý thuế sẽ quy định cụ thể các biện pháp quản lý được áp dụng tương ứng với mức độ rủi ro, nhằm hướng tới nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý thuế và tính tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế