Thu ngân sách đạt khá: Hiệu quả từ việc chủ động các phương án dự báo và điều hành

Thu ngân sách đạt khá: Hiệu quả từ việc chủ động các phương án dự báo và điều hành

Kết quả thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong 6 tháng đầu năm đã cho thấy những nỗ lực của toàn ngành Thuế trong việc bám sát diễn biến của nền kinh tế, cũng như chủ động các phương án dự báo thu hàng tháng, quý và cả năm theo các kịch bản tăng trưởng kinh tế. Bà Phạm Thị Tuyết Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Dự toán thu thuế (Tổng cục Thuế) đã có những chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này.

Ngành Thuế nắm chắc diễn biến tình hình kinh tế, chủ động đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đến thu NSNN.

Phóng viên: Đến thời điểm hiện tại có thể thấy, kết quả thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm nay đạt khá cả về tiến độ và tốc độ. Xin bà cho biết cụ thể hơn về kết quả này?

Bà Phạm Thị Tuyết Lan: Trong những tháng đầu năm 2021, cơ quan thuế các cấp thực hiện nhiệm vụ thu NSNN trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại. Hoạt động kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp (DN) tại một số địa phương từ cuối tháng tư bắt đầu gặp khó khăn do phải thực hiện các biện pháp giãn cách để phòng chống dịch, cộng thêm việc triển khai thực hiện gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP đã ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách.

Trước tình hình này, Vụ Dự toán thu thuế đã tham mưu cho Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành thu NSNN; yêu cầu cơ quan thuế các cấp tập trung rà soát toàn bộ nguồn thu theo từng khoản thu, sắc thuế, chi tiết đến từng địa bàn quản lý và giao dự toán phấn đấu tăng 7,66% so với dự toán Chính phủ giao.

Trên cơ sở đó, từng đơn vị tổ chức triển khai thực hiện thu quyết liệt ngay từ những ngày đầu năm, phấn đấu hoàn thành dự toán cả năm ở mức cao nhất. Tranh thủ sự chỉ đạo của các cấp, sự phối hợp của các ngành cùng với nỗ lực của toàn ngành, số thu NSNN 6 tháng đầu năm 2021 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 656.374 tỷ đồng, bằng 58,8% dự toán pháp lệnh, bằng 114,3% so với cùng kỳ.

Cụ thể, thu từ dầu thô ước đạt 18.725 tỷ đồng, bằng 80,7% dự toán và bằng 87,8% so với cùng kỳ. Thu nội địa ước đạt 637.649 tỷ đồng, bằng 58,3% dự toán pháp lệnh, bằng 115,3% cùng kỳ năm 2020. Số thu không kể tiền sử dụng đất ước đạt 558.838 tỷ đồng, bằng 56,9% dự toán pháp lệnh, bằng 114,5% so với cùng kỳ. Nếu loại trừ những khoản tăng thu đột biến và yếu tố chính sách do thực hiện gia hạn thì tổng thu ngân sách 6 tháng đầu năm tăng 4%, số thu nội địa trừ đất tăng 2,5%, số thu nội địa từ thuế phí tăng 5,7%.

Bà có thể phân tích rõ hơn về các khó khăn thách thức, cũng như các giải pháp để đạt được kết quả thu ngân sách như trên?

Ngoài các nguyên nhân khách quan như tình hình kinh tế những tháng đầu năm tiếp tục đà hồi phục khả quan từ những tháng cuối năm 2020; các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ DN, người dân trong phòng chống dịch đã phát huy hiệu quả; thị trường bất động sản, chứng khoán sôi động, hoạt động chuyển nhượng vốn, sáp nhập gia tăng làm phát sinh tăng thu khá cho NSNN, thì trong những tháng đầu năm, cơ quan thuế đã triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp quản lý thu, chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế.

Theo đó, một mặt Tổng cục Thuế nắm chắc diễn biến tình hình kinh tế, chủ động đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đến thu NSNN theo các kịch bản tăng trưởng kinh tế để báo cáo và tham mưu kịp thời cho Bộ Tài chính trong công tác chỉ đạo, điều hành thu, thúc đẩy tiến độ thực hiện dự toán thu NSNN.

Mặt khác, chủ động rà soát, theo dõi sát sao sức khỏe DN chi tiết đến từng ngành, lĩnh vực, địa bàn để phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành các giải pháp về tài khóa hỗ trợ kịp thời cho DN và người dân từng bước vượt qua khó khăn, khôi phục nguồn thu cho NSNN.

Song song với đó, toàn Ngành đã khẩn trương đánh giá tác động đến thu ngân sách đối với từng kịch bản, làm cơ sở cho Bộ Tài chính, Chính phủ quyết định lựa chọn các phương án chính sách có hiệu quả, phù hợp với thực trạng nền kinh tế cũng như khả năng cân đối ngân sách.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế đã phân tích, đánh giá tình hình và khả năng thu để giao dự toán quý II, quý III phù hợp với diễn biến kinh tế tại từng địa phương, làm căn cứ để các địa phương tổ chức phấn đấu thực hiện nhiệm vụ thu trong năm 2021 ở mức cao nhất.

Đồng thời, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cục thuế tăng cường công tác quản lý thu, phấn đấu khai thác tăng thu; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế đối với các DN có rủi ro cao theo kế hoạch; quyết liệt quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, xử lý nợ thuế; quản lý chặt chẽ, tăng cường khai thác tăng thu từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản, từ kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng… qua đó góp phần tăng thu NSNN trong những tháng đầu năm.

Có thể nói, việc chủ động triển khai thực hiện tốt công tác phân tích, đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19, dự báo sớm tình hình thu theo các kịch bản tăng trưởng kinh tế và chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý tăng thu NSNN, chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế trong ngành thuế đã giúp Chính phủ, Bộ Tài chính chủ động xây dựng phương án điều hành thu NSNN, góp phần đảm bảo nguồn lực vừa thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, vừa phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ..

Theo bà, từ nay đến cuối năm sẽ có những yếu tố nào có thể tác động lớn tới công tác thu ngân sách?

Mặc dù kết quả thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt khá so với dự toán. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 từ cuối tháng 4 trở lại đây đã trực tiếp ảnh hưởng đến một số địa phương trọng điểm kinh tế, tập trung các khu công nghiệp lớn như TP HCM, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương…

Bên cạnh đó, năng lực nội tại của nền kinh tế còn thấp, áp lực lạm phát trong nước tăng do chịu ảnh hưởng bởi tình hình quốc tế, rủi ro thiên tai, dịch bệnh, đời sống một bộ phận dân cư còn nhiều khó khăn… Mặc dù GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,64%, nhưng tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp cả nước trong tháng 6 đã có sự giảm tốc so với những tháng trước (tháng 6 tăng 6,8% so với cùng kỳ, tháng 5 tăng 11,8%, tháng 4 tăng 24,1%).

Tình hình đăng ký thành lập mới DN trong tháng 6 giảm 17,6% so với cùng kỳ, số DN rút khỏi thị trường tăng 30,8% so với cùng kỳ. Hoạt động thương mại, dịch vụ, vận tải, du lịch tiếp tục giảm sút tại một số địa bàn. Trong bối cảnh đó, nếu không sớm kiểm soát được tình hình dịch bệnh, thì sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế và kết quả thu NSNN trong các tháng tiếp theo.

Qua theo dõi diễn biến thu NSNN, chúng tôi nhận thấy, kể từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại, thu ngân sách đã có dấu hiệu giảm tốc đến nay chưa có dấu hiệu phục hồi. Cùng với việc triển khai thực hiện các chính sách giãn, giảm thuế hỗ trợ người dân và DN theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP, công tác thu ngân sách các tháng cuối năm 2021 sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi toàn ngành thuế phải đặt quyết tâm cao, thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ nhiều giải pháp quản lý thuế mới đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Để phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu NSNN năm 2021 được Quốc hội, Chính phủ giao ở mức cao nhất, ngành thuế sẽ chú trọng vào những giải pháp nào, thưa bà?

Trong những tháng cuối năm, ngoài việc bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính và kiên định thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, cơ quan thuế các cấp tiếp tục tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp về kinh tế, tiền tệ, tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân, đồng thời triển khai quyết liệt các giải pháp thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2021.

Cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ kịp thời vướng mắc để DN phát triển ổn định, thu hút đầu tư, tạo tiền đề để tăng thu cho NSNN.

Tăng cường quản lý hóa đơn điện tử, đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, tạo môi trường thuận lợi, minh bạch cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với NSNN. Tiếp tục nghiên cứu, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế và các đề án tài chính – NSNN theo chương trình của Chính phủ, đảm bảo tính đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Trong đó, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành Luật sửa đổi bổ sung các Luật Thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, tiêu thụ đặc biệt… và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, góp phần tăng thu cho NSNN. Bên cạnh việc bám sát diễn biến sức khỏe DN và tình hình thu ngân sách để chủ động có giải pháp ứng phó kịp thời, điều hành thu/chi tích cực, hiệu quả, toàn ngành tổ chức thực hiện tốt việc gia hạn, miễn, giảm tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho DN và người dân, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo tiền đề tăng thu NSNN.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN; nâng cao chất lượng và đổi mới phương thức thanh, kiểm tra thuế; rà soát, quản lý chặt chẽ tình hình nợ đọng, không để xảy ra tình trạng người nộp thuế lợi dụng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để trốn thuế, tránh thuế, trục lợi… gây thất thu NSNN.

Xin cảm ơn bà!